Tăng trưởng ngấm đòn?

Chia sẻ Facebook
31/03/2023 11:08:21

Bên cạnh sự giảm sút từ khu vực tư nhân, đầu kéo tăng trưởng từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có dấu hiệu yếu đi, thể hiện qua dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và kim ngạch xuất nhập khẩu. Với tỷ trọng đóng góp ngày càng gia tăng của khu vực FDI trong những năm qua vào tăng trưởng, nay khu vực này chững lại cũng có những tác động nhất định lên nền kinh tế.

Tăng trưởng ngấm đòn?

Bên cạnh sự giảm sút từ khu vực tư nhân, đầu kéo tăng trưởng từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có dấu hiệu yếu đi, thể hiện qua dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và kim ngạch xuất nhập khẩu.

Động lực từ khu vực tư nhân giảm sút

Không nằm ngoài dự đoán, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại trong quý 1 đầu năm nay, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lao dốc với GDP chỉ tăng 3.32% so với cùng kỳ là điều gây bất ngờ cho khá nhiều người. Đây cũng là mức tăng trưởng quý 1 thấp thứ hai kể từ năm 2011 đến nay, chỉ cao hơn mức tăng 3.21% của quý 1 năm 2020, giai đoạn đầu dịch COVID-19 xuất hiện và tàn phá nền kinh tế.

Thật ra, những tín hiệu suy yếu của nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái, với GDP quý 4/2022 cũng chỉ đạt 5.92%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 7.83% của quý 2 và 13.71% của quý 3 trong cùng năm. Nếu so với giai đoạn từ 2011, GDP quý 4/2022 cũng chỉ cao hơn quý 4 của năm 2020 và 2021, là 2 năm nền kinh tế cũng bị thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch

Rõ ràng, với lượng đơn hàng bắt đầu sụt giảm trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã bị thu hẹp nghiêm trọng, buộc phải tạm ngừng sản xuất, đóng cửa nhà máy và sa thải nhân công. Những khó khăn này vẫn tiếp nối cho đến những tháng đầu năm nay, khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại là hệ quả tất yếu.

Thống kê cho thấy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm 2023 lên đến 60.2 nghìn doanh nghiệp, tăng 17.4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20.1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2023 giảm 2.2% so với cùng thời điểm năm trước.

Động lực tăng trưởng từ khu vực tư nhân suy yếu đã sớm được báo trước, khi chỉ số giá sản xuất (IIP) ngay từ tháng 1 đầu năm nay ghi nhận sụt giảm đến 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2 và tháng 3 có cải thiện hơn nhưng tính chung 3 tháng vẫn giảm 2.2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6.8%. Một dữ liệu khác cũng cho thấy các điều kiện trong nền kinh tế bị thu hẹp là Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam liên tục rớt về dưới ngưỡng 50 điểm trong 3 tháng liên tiếp từ tháng 11/2022 đến tháng 01/2023.

Bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cộng với mặt bằng lãi suất cao thúc đẩy tâm lý thắt chặt chi tiêu, khiến sức cầu tiêu dùng trong nền kinh tế cũng suy yếu. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 đánh dấu tháng thứ 2 đi xuống liên tiếp, từ mức đỉnh 4.89% của tháng 1/2023 xuống chỉ còn tăng 3.35% so cùng kỳ năm 2022. Số liệu cũng cho thấy chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 1/2023 giảm 2.9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6.6%), tương đồng với mức tăng 19,8% ở chỉ số tồn kho của ngành này. Hiện tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý 1/2023 đã leo lên mức 81,1% từ mức 79,9% của cùng kỳ năm trước.

Sức kéo từ khu vực FDI cũng yếu dần


Thống kê cho thấy, cả lượng vốn đăng ký lẫn giải ngân FDI duy trì xu hướng sụt giảm từ đầu năm đến nay, cụ thể tính đến ngày 20/3/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5.45 tỷ USD , lao dốc 38.8% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, vốn FDI thực hiện ước chỉ đạt 4.32 tỷ USD , cũng giảm 2.2% so với cùng kỳ năm trước.


Là động lực chính trong hoạt động thương mại tại Việt Nam, sự chậm lại của nhóm FDI cũng có những tác động đáng kể lên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng qua. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước quý 1/2023 đạt 79.17 tỷ USD , giảm 11.9% so với cùng kỳ năm trước, dù thấp hơn mức giảm 14.7% của kim ngạch nhập khẩu, giúp cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4.07 tỷ USD , nhưng sự suy yếu ở cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu là rất đáng lo ngại.

Có thể thấy Việt Nam với nền kinh tế có độ mở lớn, thể hiện qua tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa/GDP hay tỷ lệ GDP khu vực FDI/tổng GDP của cả nước, nên sự ảnh hưởng tiêu cực bởi xu hướng lãi suất tăng cao của các nền kinh tế phát triển, chuỗi cung ứng đứt gãy do chiến tranh Nga – Ukraine, chính sách chống dịch quyết liệt của Trung Quốc, rủi ro suy thoái của Mỹ,….đang ngày càng thể hiện rõ rệt hơn.

Một dữ liệu khác cũng cho thấy khu vực FDI và cả tư nhân đang suy yếu là tăng trưởng ở những đầu tàu kinh tế phía Nam, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn và thu hút vốn FDI mạnh mẽ trong những năm qua, đạt tốc độ rất thấp. Như TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 0.7% so cùng kỳ, Bình Dương tăng 1.15%, Đồng Nai và Long An có khá hơn ở mức 3.25% và 3.82%, Bà Rịa Vũng Tàu thậm chí giảm 4.75%.

Đầu tư công cần phải có thêm thời gian

Trong khi khu vực tư nhân và FDI đối mặt nhiều thách thức, động lực tăng trưởng dồn lên khu vực Nhà nước với các chính sách thúc đẩy đầu tư công. Số liệu cho thấy vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1/2023 theo giá hiện hành ước đạt 583.1 nghìn tỷ đồng, tăng 3.7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 11.5%, cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng lực kéo từ khu vực công vẫn cho thấy chưa thật sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng và có lẽ cần phải có thêm thời gian. Không ít dự án đầu tư vẫn chưa đảm bảo tiến độ, dòng vốn dù có tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng nếu so với kế hoạch vẫn rất thấp. Cụ thể vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý 1 năm 2023 ước đạt 91.5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 13.4% kế hoạch năm.

Từ thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành là xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong năm nay.

Theo đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được giao, không được trả lại kế hoạch vốn đã giao; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi; Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch; Các địa phương tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng; Hằng tháng báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, ngày 20/03/2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của đầu tàu kinh tế cả nước, vốn thời gian qua đã có dấu hiệu chững lại vì những hạn chế về nguồn lực và cơ sở hạ tầng không theo kịp với yêu cầu phát triển.

Không thể phủ nhận rằng lực kéo từ khu vực công vẫn cho thấy chưa thật sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng và có lẽ cần phải có thêm thời gian. Không ít dự án đầu tư vẫn chưa đảm bảo tiến độ, dòng vốn dù có tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng nếu so với kế hoạch vẫn rất thấp. Cụ thể vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I năm 2023 ước đạt 91.5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 13.4% kế hoạch năm.

Sự đi xuống của chỉ số PMI khu vực sản xuất đã báo hiệu tăng trưởng suy yếu

Thụy Nhiên

Chia sẻ Facebook