Tăng tốc đào tạo giáo viên cũ cho chương trình mới

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 12:18:12

Trong khi chờ đội ngũ giáo viên mới được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm, hầu hết các địa phương đều chọn giải pháp đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có.


Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 2 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới, trong đó có dạy học tích hợp. Điều bất cập, khó khăn là đội ngũ giáo viên hiện nay được đào tạo dạy đơn môn, rất khó để đứng lớp dạy kiến thức 2, 3 môn liên tiếp với kiến thức tích hợp chuyên sâu. Để tránh cảnh giáo viên phải vừa dạy vừa "mò", thời gian gần đây, các địa phương đang tăng tốc tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp.

Tại Trường THCS Đại Hưng, Huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, học trực tiếp, học online khiến những giáo viên dạy môn tích hợp trong thời gian này gần như không có ngày nghỉ. Vất vả, căng thẳng đi cùng với lo âu vì thời gian bồi dưỡng quá ngắn, khó đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Dù chương trình đã triển khai từ năm học trước ở khối lớp 6 nhưng đến nay, các địa phương mới bắt đầu mở lớp bồi dưỡng lấy chứng chỉ dạy tích hợp cho giáo viên. Trên thực tế, tại hầu hết các trường, vẫn chưa bố trí được 1 giáo viên đảm nhiệm hoàn toàn môn Khoa học tự nhiên. Hiện việc phân công 2 hay 3 người dạy chung 1 môn vẫn đang phổ biến tại các nhà trường.

Kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước mới có khoảng vài trăm cử nhân sư phạm dạy môn tích hợp ra trường. Con số này quá nhỏ so với hàng nghìn trường THCS. Hiện các địa phương đang có những giải pháp hỗ trợ nhà trường khắc phục khó khăn này.

Lương thấp, công việc nhiều, trách nhiệm cao, áp lực lớn nên chẳng cứ vùng khó khăn mà ngay cả những vùng thuận lợi, việc tuyển giáo viên cũng không dễ dàng.

Chia sẻ Facebook