Tăng tính tự chủ, tự lực, tự cường của ngành điện, giảm sự phụ thuộc bên ngoài
Sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng.
Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số Bộ, ngành, địa phương liên quan đến tình hình bảo đảm cung ứng điện , cân đối năng lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan cần quyết liệt hơn nữa, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa.
Theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính là "nói thẳng, nói thật, không né tránh, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan", các ý kiến phát biểu đã báo cáo tình hình sản xuất, cung ứng điện, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, bất cập, yếu kém và đưa ra các đề xuất, kiến nghị.
Các ý kiến cũng nêu rõ thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo để bảo đảm cân đối năng lượng, điện, bảo đảm giá cả hợp lý. Từ tháng 12/2021, Thủ tướng đã có Công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá tình hình và dự báo nhu cầu sử dụng điện để có các nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả, bảo đảm cung ứng điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với đánh giá của các địa biểu rằng chúng ta có đủ tiềm lực, điều kiện, nền tảng, giải pháp để bảo đảm cân đối lớn về điện, năng lượng. Vấn đề là công tác tổ chức thực hiện, phối hợp linh hoạt, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực, từng ngành.
Về tổng thể, nếu tổ chức thực hiện tốt thì chúng ta không thiếu điện nhưng ở một số thời điểm có thể thiếu cục bộ. Những tác động khách quan của tình trạng này là do tình hình dịch bệnh; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, giá dầu, giá cước vận tải, lạm phát trên thế giới tăng cao; nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế đòi hỏi tăng sản lượng điện hay những tác động từ xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, trong đó chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Công Thương, một số Bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.
Theo Thủ tướng đó là những nguyên nhân rất cơ bản, phải khắc phục với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa của các chủ thể liên quan.
Về tình hình sắp tới, Thủ tướng nêu rõ để thực hiện phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6 - 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội, việc bảo đảm cân đối lớn về năng lượng là hết sức quan trọng bởi nó còn tác động đến ổn định định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn khác và sự phát triển của nền kinh tế.
Các cơ quan, chủ thể liên quan phải bám sát, dự báo tốt tình hình, chủ động đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.
“Mục tiêu là phải đảm bảo cân đối lớn về điện cho sản xuất, tiêu dùng. Đồng thời kiểm soát được giá thành để không tác động đến lạm phát, cân đối lớn về xuất nhập khẩu. Quan điểm là thúc đẩy sản xuất, trong nước, tăng tính tự chủ, tự lực, tự cường của ngành điện, giảm sự phụ thuộc từ bên ngoài, giảm nhập khẩu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị vừa phải có giải pháp tình thế, trước mắt vừa có giải pháp căn cơ, lâu dài. Trong ngắn hạn, tập trung khai thác hết công suất có thể về dầu, khí, than; ngay lập tức khai thác, tận dụng tối đa các nguyên liệu đầu vào trong nước và các nguồn điện sẵn có, nhất là các nhà máy thủy điện vào mùa mưa.
Để hướng tới phát triển bền vững, phải tăng cường phát triển năng lượng tái tạo , năng lượng sạch; đẩy mạnh phong trào tiết kiệm điện; khuyến khích sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ cao, quản lý hiện đại, huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước và đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra theo cơ chế thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết để đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng và thực hiện hợp đồng đã ký, hạn chế tối đa các điều chỉnh. Các cơ quan chức năng phải bám sát tình hình, khi xuất hiện các vấn đề vướng mắc, biến động, tác động xấu thuộc phạm vi quản lý nhà nước thì phải có biện pháp, công cụ, đề xuất các giải pháp can thiệp, xử lý phù hợp, hiệu quả.
Tiếp tục rà soát kỹ, kịp thời để hoàn thiện các cơ chế, chính sách có tính ổn định, căn cơ, tránh lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, đẩy mạnh công tác "thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống cơ chế "xin - cho", "giấy phép con" trong lĩnh vực năng lượng và các cơ quan có liên quan.
Về các đề xuất tại cuộc họp, Thủ tướng cơ bản đồng tình về nguyên tắc, giao các Bộ, ngành, cơ quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quyền hạn chủ động xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, thay mặt Chính phủ trực tiếp chỉ đạo xử lý để khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém về điện, năng lượng còn tồn tại trong thời gian qua, trên tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân phục vụ và thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Về những việc cấp bách, trước mắt phải làm ngay để đảm bảo cung ứng điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp thực hiện ngay các hợp đồng, kế hoạch đã ký liên quan đến nguồn cung cấp than, khí để giải quyết ngay các thiếu thốn, ách tắc cục bộ.
Bộ Công Thương rà soát các kế hoạch, nhu cầu về điện để khẩn trương đảm bảo nguồn cung cấp than, khí và các nguồn điện tái tạo khác. Bộ Tài chính chủ trì cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các vấn đề liên quan đến giá điện, giá than, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.