Tăng lãi suất - “Liều thuốc” ghìm cương lạm phát, ổn định tỷ giá?
Lần đầu tiên sau 2 năm, NHNN chính thức tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh hơn 90 ngân hàng trung ương trên thế giới nâng lãi suất để đối phó lạm phát.
NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %
Sau 3 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn từ dịch bệnh, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %.
Động thái tăng lãi suất của NHNN diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cho tới khi lạm phát hạ nhiệt. Quyết định này lập tức gây ra chuỗi tác động tài chính toàn cầu.
Trong 2 năm qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tiến hành 257 lượt tăng lãi suất. Là 1 nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam cũng đã tăng thêm 1 điểm % với các mức lãi suất cho vay qua đêm, tái cấp vốn, tái chiết khấu.
Trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 1%, riêng lãi suất không kỳ hạn tăng 0,3%/năm.
Trong cuộc họp báo sau đó, đại diện Ngân hàng Nhà Nước đã đặc biệt nhấn mạnh ưu tiên số 1 hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cơ quan này buộc phải tăng lãi suất để ổn định giá trị đồng tiền.
"Định hướng là ổn định không có nghĩa là cố định đồng tiền. Nếu để mặt bằng lãi suất ổn định quá lâu sẽ gây áp lực lên tỷ giá và gây bất ổn vĩ mô. Do đó, NHNN thấy cần phải điều chỉnh lãi suất để đối phó với cú sốc của thị trường toàn cầu và neo giữ tâm lý kỳ vọng của thị trường", ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh.
Phối hợp chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô
Thống kê cho thấy, đồng tiền Việt Nam vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới, khoảng 4%. Trong khi nhiều đồng tiền của các nền kinh tế có mối quan hệ thương mại lớn với Việt Nam như: Euro mất giá 13,5%, Won Hàn Quốc mất 17,5%, Yen Nhật mất giá tới 25%.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cũng đánh giá cao việc điều hành linh hoạt, chủ động của chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, hướng tới mục tiêu cao nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam
Theo chuyên gia, đợt tăng lãi suất lần này là bước đi không thể tránh khỏi, bởi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao.
"Lãi suất điều hành có thể tăng ở mức tăng tương đối nhỏ, nếu so với các nước, cũng là nhỏ hơn rất nhiều. Như vậy phù hợp với quá trình hiện nay mình mong muốn, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn góp phần hỗ trợ cho quá trình sản xuất kinh doanh, phục hồi của nền kinh tế", ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho biết.
"Để duy trì trì cân bằng, giữ được giá trị của đồng tiền Việt Nam thông qua giữ ổn định tỷ giá hối đoái và phá giá ở mức nhẹ, chúng ta phải đồng thời kết hợp biện pháp điều hành chính sách lãi suất theo hướng tăng nhẹ và tìm ra điểm cân bằng để giải quyết cả 3 bài toán: ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất và tỷ giá hối đoái; đồng thời không ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thanh toán", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá.
Việc tăng lãi suất điều hành sẽ giúp đảm bảo mức chênh lệch lãi tiền Đồng cao hơn so với USD, qua đó, duy trì vị thế nhất định của tiền Đồng và giảm áp lực với tỷ giá, đồng thời giữ được sức hấp dẫn với các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Vì các nhà đầu tư toàn cầu hiện nay đều cân nhắc vấn đề lạm phát kỹ lưỡng khi xem xét đầu tư, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.
"Theo khảo sát mới đây của chúng tôi, các nhà đầu tư quan tâm đầu tiên đến các yếu tố vĩ mô và trong tình hình hiện tại, hầu hết là câu chuyện lạm phát, lạm phát sẽ lên cao bao nhiêu, trong bao lâu. Song song với đó là những chính sách của ngân hàng trung ương với lãi suất là gì, điều này sẽ tác động đến điều kiện kinh doanh, sức mua tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng kinh tế", ông Dominic Brown, Giám đốc thông tin và phân tích thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cushman & Wakefield, cho hay.
"Các chính sách điều hành của Chính phủ Việt Nam từ đầu năm đến nay cho thấy hiệu quả rõ ràng. Tín dụng được giám sát chặt chẽ với những lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, với trần tín dụng được duy trì ở mức khoảng 14%. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay là 3,8% và năm 2023 là 4%", ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, thông tin.
Ngân hàng tìm cách ổn định lãi suất cho vay
Trong Chỉ thị 15 mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, thậm chí nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế.
Trong quyết định lần này, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với một số lĩnh vực ưu tiên vẫn được giữ nguyên ở mức là 4,5%/năm, nghĩa là dù tăng lãi suất điều hành đầu vào, nhưng NHNN vẫn đang cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Vậy các ngân hàng thương mại phải giải bài toán này như thế nào?
Biểu lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại nhỏ đã tăng lên sau quyết định của NHNN, tuy nhiên ở khối ngân hàng thương mại lớn hơn hiện vẫn chưa tăng lãi suất chạm mức trần quy định, bởi còn chờ xem xét cân đối các nguồn vốn.
"Chúng tôi sẽ cân đối sẽ không tăng bằng mức 1% của NHNN, mà theo điều kiện thị trường để xem xét, để tránh gây sốc cho thị trường cũng như tránh tác động tới đầu ra", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết.
Việc tăng lãi suất cần được tính toán để đảm bảo đủ hấp dẫn người gửi tiền, nhưng cũng phải đủ cạnh tranh khi cho vay. Do đó, để có được mức lãi suất đầu vào bình quân thấp, nhiều ngân hàng đã cắt giảm chi phí, tăng cường số hóa, thu hút các khoản tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất thấp, từ đó có điều kiện ổn định lãi suất cho vay.
"Triển khai đồng loạt các giải pháp để bình ổn lãi suất cho vay như tăng cường các hoạt động dịch vụ, tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn huy động để giữ được mặt bằng ổn định tập trung cho lĩnh vực ưu tiên", bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho hay.
"Chúng tôi đang tập trung nỗ lực số hóa sản phẩm dịch vụ, thu hút nguồn vốn tốt hơn trong giai đoạn hiện nay để đưa ra mức lãi suất cho vay phù hợp với thị trường hiện nay", ông Trần Anh Việt, Phó Giám đốc khu vực thành phố Hà Nội, Ngân hàng Sacombank, thông tin.
Các ngân hàng cũng khẳng định, nếu tăng lãi suất cho vay quá mức, họ sẽ không giữ được khách hàng. Vì vậy, việc cân đối hài hòa lợi ích giữa khách hàng và ngân hàng luôn là ưu tiên hàng đầu.
Từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như: FED, ECB, BOE, đến Việt Nam đều tăng lãi suất. Vì sao NHNN lại chọn thời điểm này để tăng lãi suất. Tăng lãi suất huy động nhưng vẫn phải giữ ổn định lãi suất cho vay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các ngân hàng sẽ tìm cách giải bài toán này như thế nào?
Về lý thuyết, lãi suất và tỷ giá không thể cùng lúc giữ ổn định. Vậy khi điều chỉnh tăng lãi suất, tỷ giá hối đoái sẽ chịu tác động ra sao?
Việc thắt chặt lại chính sách sẽ tác động ra sao tới mục tiêu tăng trưởng chung trong năm nay? Với các công cụ chính sách hiện có, chúng ta kỳ vọng thế nào vào bức tranh kinh tế cuối năm?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong phần Tiêu điểm chương trình Dòng chảy tài chính (1/10) với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Mùi, nguyên Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia.
Song song với việc tăng mạnh lãi suất huy động nhiều kỳ hạn, một số ngân hàng còn tung thêm nhiều khuyến mại hấp dẫn để hút khách hàng gửi tiền.