Tăng lãi suất giúp giữ giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát

Chia sẻ Facebook
29/10/2022 20:12:12

Trước các đợt tăng lãi suất liên tục của hơn 90 ngân hàng trên thế giới, NHNN Việt Nam tuần qua cũng đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm %.


Xu hướng điều chỉnh lãi suất trên toàn cầu

Việc lạm phát tăng cao kỷ lục đã buộc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới phải ứng phó bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong vòng 15 năm qua.

Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối quý 3, khoảng 90 nền kinh tế trên toàn cầu đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất, cao hơn gấp đôi so với cả năm 2021.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là một trong những ngân hàng trung ương lớn tỏ ra quyết liệt nhất trong cuộc chiến chống lạm phát, khi đã tiến hành tổng cộng 5 đợt tăng lãi suất kể từ đầu năm tới nay.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiến hành 5 đợt tăng lãi suất kể từ đầu năm tới nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)


Các ngân hàng trung ương Anh, Australia hay Canada cũng đều đã triển khai các biện pháp tương tự. Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiến hành những đợt tăng lãi suất đầu tiên sau hơn 10 năm.

Tại các nền kinh tế mới nổi, lạm phát cao cũng buộc giới hoạch định chính sách phải mạnh tay hành động. Theo Reuters, quy mô các đợt tăng lãi suất mà nhóm này thực hiện kể từ đầu năm tới nay, hiện đã cao gấp đôi cả năm 2021.


Tầm quan trọng của việc điều chỉnh lãi suất

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang khó giải quyết hơn so với dự tính ban đầu, nhiều ngân hàng trung ương đã phát đi những tín hiệu về việc có thể tăng lãi suất nhanh hơn, mạnh hơn vào cuối năm nay.

Việc kiềm chế lạm phát đang là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trung ương. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc hành động quyết liệt vào lúc này là hết sức cần thiết, bởi điều này sẽ đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính sách của các ngân hàng trung ương đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát. Tổ chức này kêu gọi các thể chế tài chính cần phải kiên trì cho đến khi tình hình thực sự được cải thiện.

"Chúng ta cần các ngân hàng trung ương phải hành động một cách quyết liệt, bởi lạm phát sẽ rất dai dẳng. Nếu không bị ngăn chặn, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và tác động tiêu cực đến người nghèo", bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, điều chỉnh lãi suất cũng là công cụ quan trọng được nhiều ngân hàng trung ương như Hàn Quốc, Indonesia hay Philippines sử dụng trong thời gian qua để hỗ trợ đồng nội tệ không giảm sâu so với USD.

"Những biến động về tỷ giá hối đoái đã tạo ra sự bất ổn trên thị trường tài chính, khiến dòng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế và thúc đẩy các hành vi đầu cơ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đánh giá rằng, cần tăng cường các phản ứng chính sách bằng cách nâng lãi suất", ông Rhee Chang Yong, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, cho biết.

Theo IMF, một trong những vấn đề mà các ngân hàng trung ương cần chú ý khi tăng lãi suất là độ trễ của chính sách.

Một nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2016 cho thấy, lãi suất cơ bản tăng 1 điểm % có thể giảm lạm phát tối đa 1 điểm %, tuy nhiên sẽ phải mất từ 2 - 4 năm để đạt hiệu quả tối đa. Điều này đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải duy trì sự kiên nhẫn, tránh đảo chiều chính sách quá sớm, đồng thời cũng không đẩy lãi suất lên quá cao, để ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát là điều cần thiết, tuy nhiên ngân hàng trung ương các nước không nên thực hiện riêng rẽ mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo vừa kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả, vừa hạn chế những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.


Những dự báo về chính sách lãi suất của FED

Hiện mọi sự chú ý của thị trường toàn cầu đang đổ dồn về 2 cuộc họp chính sách cuối năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngân hàng trung ương có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Cuộc họp kế tiếp sẽ diễn ra ngay trong tuần tới.

Trước đây, các cuộc họp tháng 11 của FED thường không có họp báo, điều này cũng đồng nghĩa sẽ không có quyết sách chính thức nào được đưa ra. Tuy nhiên, với lạm phát cứng đầu chưa chịu rời mốc 8% như hiện nay, nhiều báo đang dự đoán sẽ có quyết định về chính sách vào ngày 2/11.

Lần này, 95,5% các chuyên gia kinh tế được hãng Reuters hỏi, cho biết, FED sẽ tăng 0,75 điểm %. Các chuyên gia của Bloomberg, Action Economics cũng đưa ra dự báo tương tự. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là lần thứ 4 liên tiếp FED tăng ở mức 0,75 điểm %.

Sau cuộc họp ngày 1 - 2/11 sẽ là cuộc họp chính vào 13 - 14/12. Hiện có 2 luồng dự báo về kết quả cuộc họp tháng 12. Một số chuyên gia cho rằng FED có thể tăng tiếp 0,75 điểm % lãi suất, số khác cho là chỉ tăng 0,5 điểm %.

Dù là bao nhiêu, trong cuộc họp tháng 12, khả năng tăng lãi suất tiếp là cao. Như vậy hết năm nay, các mức lãi suất cho vay của Mỹ sẽ dao động từ 4,25 - 4,75%.

Theo dự báo của giới tài chính phố Wall, FED có thể dừng lại việc tăng khi lãi suất tới mức 4,9% vào khoảng đầu năm 2023. Vì vậy, đồng USD cũng có thể lập đỉnh giá trị vào khoảng giữa năm sau.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành

Trước các đợt tăng lãi suất liên tục của hơn 90 ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm %, trên cơ sở bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng đồng loạt điều chỉnh 1 điểm %.


Với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất tăng thêm 0,5 điểm % lên 1%/năm. Mức tối đa với tiền gửi dưới 6 tháng là 6%/năm. Mức tối đa cho vay ngắn hạn bằng đồng VND với một số lĩnh vực của các ngân hàng là 5,5%/năm.

Tăng lãi suất thu hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng

Sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước, tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm.

Khá nhiều người quan tâm tới việc gửi tiết kiệm khi mức lãi tăng cao hơn. Nhờ vậy, lượng tiền gửi... từ dân cư vào hệ thống cũng tăng trưởng, giúp đảm bảo an toàn thanh khoản cho các ngân hàng.

Mức lãi suất huy động được các ngân hàng tăng thêm từ 0,3 - 1%/năm tùy kỳ hạn. Với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi tiết kiệm dao động từ 4,1 - 5,9%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi từ 6,8% đến cao nhất là 8,8%/năm, có sự chênh lệch khá rộng giữa các ngân hàng.


"Các kỳ hạn trên 12 tháng đã tăng lên và có cách biệt khá lớn so với kỳ hạn dưới 6 tháng, nên việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ để phù hợp với mặt bằng, trước mắt sẽ không ảnh hưởng quá lớn trên thị trường tiền tệ. Ngân hàng cũng đang xem xét tình hình và chưa có điều chỉnh mạnh đối với lãi suất bởi hiện nay lãi suất đã tăng và trong thời gian qua cũng đã phản ánh vào mức lãi suất huy động chung của các ngân hàng", Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết.

Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi trong đợt này. Tuy nhiên, ở mức thấp hơn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Đại diện Vietcombank khẳng định sẽ tính toán để đảm bảo mặt bằng lãi suất hợp lý cho cả tiền gửi và tiền vay.

"Bên cạnh tăng lãi suất huy động thì việc bình ổn lãi suất cho vay vẫn là mục tiêu đặt ra. Chúng tôi sẽ triển khai một loạt giải pháp để tiết kiệm chi phí, kiểm soát chất lượng nợ để kiểm soát trích lập dự phòng và triển khai sớm các gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, đặc biệt giảm lãi suất trực tiếp cho khách hàng vay vốn", Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phùng Nguyễn Hải Yến cho hay.

Việc tăng lãi suất tiền đồng cũng được nhận định nhằm đảm bảo mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8, người dân đang gửi hơn 5,63 triệu tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tăng hơn 6,3% so với cuối năm 2021.

Linh hoạt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Quyết định tăng lãi suất điều hành lần này của Ngân hàng Nhà nước là bước đi tiếp theo, sau khi cơ quan này nâng biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD. Theo nhiều chuyên gia, sự phối hợp đồng bộ giữa các công cụ chính sách tiền tệ sẽ góp phần đạt được 2 mục tiêu quan trọng: là bảo đảm giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát.

Để tránh cho giá cả hàng hóa thực phẩm tăng cao, tăng lãi suất là một trong những biện pháp góp phần kiểm soát lạm phát. Có thể lấy ví dụ, đơn cử như khi lãi suất thấp, người tiêu dùng có thể sẽ có nhu cầu vay để mua hàng hóa, nhưng khi lãi suất tăng thì họ sẽ cần cân nhắc hơn. Vì vậy, nhu cầu vay tiêu dùng, nhu cầu vay đầu tư của các doanh nghiệp cũng sẽ giảm, qua đó, làm giảm sức ép đối với xu hướng tăng giá cả, hay chính là lạm phát.


"Lãi suất tăng lên sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư trong nền kinh tế, các doanh nghiệp phải cân nhắc hơn trong nhu cầu đầu tư, do vậy nó không tạo ra sức ép với tổng cầu trên phương diện là các doanh nghiệp phải tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh", GS.TS Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết.


"Nếu không tăng lãi suất thì đồng nghĩa là tự phá giá đồng tiền của mình, điều này ảnh hưởng tới giá nhập khẩu của chúng ta, vì vậy Ngân hàng Trung ương buộc phải tăng lãi suất để tương thích với giá USD, đây là xu hướng chung của các Ngân hàng Trung ương thế giới", TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định.

Quan trọng hơn, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất là để tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung xu hướng của nhiều quốc gia lớn trên thế giới, từ đó giúp giữ chân các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.


"Lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng, nên sức ép với tỷ giá là rất lớn. Việc gia tăng lãi suất làm giảm bớt sức ép tỷ giá và tạo một bộ đệm để giữ được kỳ vọng về tỷ giá, giữ được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như gián tiếp vào Việt Nam", GS. Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh.

Tăng lãi suất điều hành, cùng với việc nới biên độ tỷ giá, các chuyên gia đánh giá, thực hiện đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ sẽ giảm bớt sức ép từ lạm phát nhập khẩu, đặc biệt khi nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ở Việt Nam vẫn phải nhập từ nước ngoài về.


Các động thái liên tiếp trong thời gian gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phát huy sự chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tiếp tục góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngân hàng lớn tăng mạnh lãi suất huy động, cao nhất lên gần 8%/năm Ngày 27/10, nhiều ngân hàng lớn đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động, tăng mạnh từ 0,8 - 1,4%/năm so với trước.

Chia sẻ Facebook