Tăng hợp tác quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh
Theo cam kết đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% phát thải, nếu có sự hỗ trợ của quốc tế mức giảm sẽ lên 27%.
Có thể nói việc tăng cường hợp tác quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể hoàn thành những mục tiêu đã cam kết tại COP26. Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 53 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thuỵ Điển, quốc gia này khẳng định sẽ tiếp tục đẩy manh hợp tác với Việt Nam trong mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc chia sẻ các giải pháp công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo của nước này.
Việc tìm kiếm các nguồn lực quốc tế cũng được xem là giải pháp để Việt Nam hiện thực hoá các mục tiêu xanh đã cam kết. Đầu năm nay, một khoản đầu tư chung trị giá 3,5 triệu Euro giữa Tetra Pak - một đơn vị cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm từ Thuỵ Điển và Công ty Giấy bao bì Đồng Tiến của Việt Nam đã được công bố. Doanh nghiệp khẳng định, vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các đối tác tái chế tại Việt Nam.
Không chỉ trong lĩnh vực tái chế, hàng tiêu dùng, với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam từ COP26, Thuỵ Điển cho biết có thể hỗ trợ Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Điển hình như trong lĩnh vực năng lượng tái tạo , đặc biệt là nâng cấp hệ thống truyền tải điện, hay công nghệ số, số hóa tất cả các lĩnh vực trong sản xuất và đời sống.
"Chúng tôi đánh giá cao những cam kết mà Việt Nam đưa ra tại COP26. Rất nhiều công ty của Thuỵ Điển sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Trong đích đến là phát triển bền vững, Việt Nam có lợi thế của người đi sau với các mục tiêu rõ ràng. Việc hợp tác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi ở tầm quốc tế sẽ tạo cơ hội để chúng ta có được lựa chọn giải pháp và chiến lược tối ưu với các mục tiêu cụ thể của nền kinh tế Việt Nam", bà Mawe - Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam cho biết.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến sẽ cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30%, 70% còn lại là từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân.
Ông David Liden - Tham tán Thương mại - Trưởng Đại diện Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thuỵ Điển cho hay: "Hợp tác là cách tốt nhất để giải quyết nút thắt về nguồn lực hạn chế. Dù quy mô doanh nghiệp của bạn thế nào và nguồn lực có giới hạn ra sao, doanh nghiệp hoàn toàn vẫn có thể áp dụng những đổi mới ở quy mô nhỏ, thử nghiệm. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển - bản thân điều này đã là sự thu hút với các nguồn lực quốc tế. Tôi nghĩ hoàn toàn có cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam hiện thực hoá các mục tiêu bền vững".
Nhiều ý kiến nhận định, mục tiêu tăng trưởng xanh đang là xu hướng phổ biến. Các đối tác nước ngoài, Chính phủ các nước cũng đang trong quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng. Vì vậy sự hợp tác với nhau đều theo hướng xanh, bền vững, bao trùm và Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng tốt lợi thế này.