Tăng hiện diện tại Nga, đồng nhân dân tệ vẫn khó soán ngôi USD trên thị trường quốc tế
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, thay USD trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga.
Nga đã tăng cường hợp tác với Trung Quốc sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ với phương Tây.
Sự gần gũi giữa 2 quốc gia, cùng với nỗ lực thúc đẩy vị thế của đồng nhân dân tệ trên thị trường đã cho đồng tiền này cơ hội “vượt mặt” đồng USD tại quốc gia châu Âu.
Trước xung đột, khối lượng giao dịch của đồng nhân dân tệ trên thị trường Nga không đáng kể. Tình hình bắt đầu thay đổi vào tháng 2/2023, khi đồng tiền này vượt qua đồng USD về khối lượng giao dịch hàng tháng tại đây. Tuy nhiên, phải đến tháng 3, sự khác biệt mới trở nên rõ rệt.
Sự “đổi vai” này diễn ra trong bối cảnh phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhắm vào hệ thống tài chính của Nga, khiến Điện Kremlin và các công ty Nga phải chuyển các giao dịch ngoại thương của họ từ đồng USD và đồng Euro sang các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Putin từ lâu cũng đã muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, và những diễn biến chính trị thời gian vừa qua đã góp phần đẩy nhanh quá trình này.
Nỗ lực “phi đô la hóa”
Mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Trung Quốc và Nga, cũng như nỗ lực của Trung Quốc trong việc đẩy mạnh vai trò của đồng nhân dân tệ trên thị trường toàn cầu đang thách thức sự thống trị của đồng USD.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các nền kinh tế lớn đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ, nhưng chưa bao giờ có nhiều động thái “phi đô la hóa” đáng chú ý như trong thời gian gần đây.
Cuối tháng 3, Trung Quốc và Brazil đã đạt được thỏa thuận thực hiện các giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ của 2 quốc gia, bỏ đồng USD làm trung gian.
Có thông tin cho rằng tài sản bằng đồng nhân dân tệ đã vượt qua đồng Euro để trở thành tài sản lớn thứ hai của Brazil trong dự trữ ngoại hối của quốc gia. Cụ thể, đồng nhân dân tệ chiếm tỉ lệ 5,37%, trong khi đồng Euro chiếm tỉ lệ 4,74% tại ngân hàng trung ương Brazil.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn gặp mặt tại Brasilia, Brazil, ngày 1/1/2023. Ảnh: Macao News
Trung Quốc và Pháp cũng đã hoàn thành thương vụ mua bán khí LNG đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ, chấm dứt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong các giao dịch năng lượng.
Ấn Độ, quốc gia mà Mỹ nhắm đến để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng đang tìm cách giảm sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế.
Ấn Độ và Malaysia hiện có thể sử dụng đồng rupee của Ấn Độ để thanh toán thương mại bên cạnh các loại tiền tệ khác, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Liên minh 5 nền kinh tế lớn mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng đã tuyên bố ý định hợp tác để tạo ra một loại tiền tệ mới làm phương tiện thanh toán.
Ngoài ra, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của ASEAN mới đây cũng đã thảo luận về việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD Mỹ, Euro, Yên và bảng Anh trong các giao dịch tài chính để giao dịch bằng đồng nội tệ trong một cuộc họp tại Indonesia.
Việc Mỹ vũ khí hóa đồng USD trong thập kỷ qua đã khiến nhiều quốc gia tìm cách tránh khỏi sự trừng phạt của cường quốc này. Tỉ lệ USD trong dự trữ ngân hàng trung ương toàn cầu đã giảm từ khoảng 70% cách đây 20 năm xuống dưới 60% hiện nay. Con số này vẫn đang tiếp tục giảm xuống.
Ngôi vị độc tôn
Nga và Trung Quốc đã cắt giảm mạnh việc sử dụng đồng USD trong những năm qua với hy vọng giảm sự thống trị của đồng đô la với tư cách là mỏ neo của hệ thống tài chính quốc tế.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hầu như không làm gì để ngăn chặn nỗ lực này, do đó tạo cơ hội cho cả 2 quốc gia thực hiện điều mà họ đã khao khát hàng thập kỷ.
Tuy nhiên, trước câu hỏi “Liệu 2 quốc gia này có thành công trong việc thay thế đồng USD hay không?”, câu trả lời có thể là không.
Mặc dù Trung Quốc và Nga có thể đạt được một số thỏa thuận thương mại, nhưng những thỏa thuận này không thể kéo dài mãi mãi.
Trong khi đó, đồng USD được là đồng tiền dự trữ toàn cầu mặc định với hàng tỷ giao dịch được thực hiện mỗi ngày, còn Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP hàng năm khoảng 23 nghìn tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hầu như không làm gì để ngăn chặn nỗ lực "hạ bệ" đồng USD của Nga và Trung Quốc. Ảnh: CNN
Mặc dù nhân dân tệ đã thâm nhập vào thương mại toàn cầu, nhưng tỉ lệ dự trữ ngoại hối bằng đồng tiền này tính đến cuối năm 2022 chỉ ở mức 2,7%, thấp hơn rất nhiều so con số 58% của đồng USD, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo ước tính của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đồng USD chiếm tới 88% giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới.
Trung Quốc có thể là đối tác thương mại quan trọng nhất đối với nhiều quốc gia hơn Mỹ, nhưng vai trò của đồng USD vẫn vượt xa vai trò đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Sự thống trị của đồng USD được củng cố vững chắc bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự ổn định và sự minh bạch của thị trường vốn Mỹ. Do đó, mặc dù trải qua nhiều cú sốc tài chính, đồng tiền này vẫn không đánh mất vị thế trong thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong thương mại năng lượng.
Tuy nhiên, với sự chia rẽ ngày càng tăng giữa một bên là Mỹ và phương Tây, và bên kia là Trung Quốc - Nga, Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội để thúc đẩy vai trò của đồng nhân dân tệ trong trật tự thế giới mới .
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Barron’s, Global Times, Oil Price)