Tăng giá 700% trong một năm, một mặt hàng có thể là động lực chính gây ra lạm phát toàn cầu
Tình trạng thiếu nhiên liệu đang lan rộng khắp các nền kinh tế trên toàn cầu, gây nguy cơ suy thoái và một làn sóng lạm phát mới có thể diễn ra.
Một buổi sáng đầu tháng 6, đám cháy bùng phát tại cơ sở khai thác khí đốt tự nhiên ít người biết đến ở Texas, được dập tắt trong khoảng 40 phút và may mắn là không ai bị thương.
Câu chuyện nghe có vẻ chỉ giống như mẩu tin tức nhỏ trên báo chí địa phương. Nhưng những gì xảy ra có thể đã góp phần vào những cơn chấn động về tài chính và chính trị mà hơn ba tuần sau, vẫn còn lan tỏa khắp châu Âu, châu Á cũng như trên toàn cầu.
Đó là vì khí đốt tự nhiên đang là mặt hàng nóng nhất trên thế giới, động lực chính gây ra lạm phát, giá cả tăng cao đôi khi cực đoan theo tiêu chuẩn của các thị trường. Theo Bloomberg, giá khí đốt đã tăng khoảng 700% ở châu Âu kể từ đầu năm ngoái, đẩy châu lục này đến bờ vực suy thoái. Trong kỷ nguyên đối đầu giữa các cường quốc, sự căng thẳng đã lên đến mức độ các thủ đô trên khắp phương Tây dần loại bỏ các kế hoạch chống lại biến đổi khí hậu để đáp ứng nhu cầu năng lượng mới.
Nói tóm lại, trong khi khí đốt tự nhiên đang “cạnh tranh” với dầu mỏ như một loại nhiên liệu định hình bản đồ địa chính trị, thì nguồn cung mặt hàng này đang ngày càng thiếu hụt. Khi Nga cắt giảm giao hàng khí đốt theo đường ống đến châu Âu, cuộc tranh giành để lấp đầy khoảng trống này đang ngày càng ráo riết trước khi mùa đông lạnh giá đến trên Bắc bán cầu.
Những ai đang phụ thuộc vào khí đốt?
Khí đốt tự nhiên từng là một mặt hàng bình thường, nhưng trong các thị trường khu vực, vai trò của nó ngày càng tăng. Giờ đây, mặc dù toàn cầu hóa dường như đang thoái lui, nhưng thương mại khí đốt thì đi theo hướng ngược lại.
Nhiều quốc gia đã chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên như một phần của quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn. Các nhà sản xuất lớn - như Mỹ, đã nhanh chóng tăng các nhà xuất khẩu LNG để sánh ngang với Qatar - và nhận thấy nhu cầu tăng cao từ khách hàng của họ. 44 quốc gia đã nhập khẩu LNG vào năm ngoái, gần gấp đôi so với một thập kỷ trước. Nhưng nhiên liệu này khó di chuyển quanh hành tinh hơn nhiều so với dầu, vì nó phải được hóa lỏng tại những nơi như nhà máy Freeport ở Texas.
Cuộc khủng hoảng đang hiện hữu
Giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đã tăng hơn 60% trong những tuần kể từ khi Freeport buộc phải tạm thời đóng cửa. Cùng giai đoạn này, Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung. Ngược lại, tại Mỹ, giá nhiên liệu giảm gần 40% - bởi vì việc ngừng xuất khẩu đồng nghĩa với việc sẽ còn nhiều khí đốt hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đã có rất nhiều dấu hiệu về tình trạng khan hiếm hàng trên thị trường. Căng thẳng một số nước và COVID-19 dù có thể đang tác động đến mọi mặt hàng từ lúa mì đến nhôm và kẽm, nhưng không thể so sánh với sự biến động kinh hoàng của giá khí đốt toàn cầu. Ở châu Á, nhiên liệu hiện đắt gấp khoảng ba lần so với một năm trước. Ở châu Âu, đó là một trong những lý do chính khiến lạm phát vừa đạt mức kỷ lục mới.
Khí đốt tự nhiên vẫn rẻ hơn ở Mỹ. Nhưng với việc các đồng minh chủ chốt từ Đức đến Ukraine đang khao khát mua khí đốt, các nhà sản xuất Mỹ cảnh báo rằng doanh số bán ra nước ngoài nhiều hơn sẽ đồng nghĩa với việc chi phí trong nước cao hơn. Paul Cicio, chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Năng lượng Công nghiệp Mỹ, phản ứng của thị trường đối với đám cháy Freeport cho thấy "mối liên hệ rõ ràng giữa xuất khẩu LNG và tác động lạm phát đối với giá khí đốt tự nhiên và điện trong nước".
Trong một số trường hợp các nước cho thấy dấu hiệu "quay lưng" lại với các chính sách nhằm chống biến đổi khí hậu - đặc biệt là ở Châu Âu. Các tổ chức cho vay được chính phủ hậu thuẫn như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, vốn tập trung vào tài trợ năng lượng tái tạo, đã cho biết hiện họ sẵn sàng hỗ trợ các dự án khí đốt.
Tuy nhiên, theo Bloomberg Intelligence, những nỗ lực đột phá của châu Âu sẽ không đủ để lấp đầy các khoảng trống. Theo tính toán, nhập khẩu LNG có thể đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của khu vực vào năm 2026 - gấp đôi so với năm ngoái, nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với khối lượng mà Nga đang cung cấp.
Đối với một số nền kinh tế mới nổi - vốn ngày càng phải cạnh tranh với các nước giàu có như Đức trong việc đấu thầu vận chuyển LNG, thì hậu quả càng tai hại.
Ở Pakistan, quốc gia đã xây dựng hệ thống năng lượng của mình dựa vào LNG giá rẻ, mất điện đang khiến các khu vực chìm trong bóng tối trong những tháng hè oi ả. Các trung tâm mua sắm và nhà máy ở các thành phố lớn đã được lệnh đóng cửa sớm và các quan chức chính phủ đang làm việc trong thời gian ngắn hơn.
Thái Lan đang hạn chế nhập khẩu LNG do giá tăng cao, điều có thể khiến nước này có nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu. Myanmar, quốc gia đang phải vật lộn với bất ổn chính trị, đã ngừng mọi hoạt động mua LNG vào cuối năm ngoái khi giá bắt đầu tăng. Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã cắt giảm nhập khẩu.
Tham khảo: Bloomberg