Tăng đàn đảm bảo nguồn cung thịt lợn cuối năm
Người dân và doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì và tăng đàn, tăng nguồn cung, từ đó góp phần ổn định thị trường từ nay tới cuối năm.
Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao nhưng từ đầu năm đến nay, với các giải pháp không quá phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, tốc độ tăng đàn vật nuôi so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giữ ở mức cao.
Một chủ trang trại lợn tại huyện Đan Phương, TP Hà Nội cho hay, nhờ có những tín hiệu tích cực từ giá lợn hơi thời gian qua mà việc bán lớn giống của trang trại cũng thuận lợi hơn. Mỗi tháng họ xuất bán 100 con với giá 1.700.000 đồng một con.
Lượng lợn con được bán ra thị trường nhiều cũng đồng nghĩa với việc người dân tăng đàn, tái đàn nhiều hơn để chuẩn bị cho nguồn cung Tết Nguyên đán. Vì chỉ khoảng 5 tháng nữa lứa lợn con này sẽ là lợn thịt phục vụ tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm.
Dự kiến nhu cầu lợn thịt năm nay khoảng 51 triệu con với tốc độ tăng đàn khoảng 4,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay, người chăn nuôi đang rất cần hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ từ những tổ chức tín dụng, giúp họ tăng đàn thuận lợi trong thời gian tới.
Phấn đấu đạt sản lượng 7 triệu tấn thịt các loại
Nguồn cung ổn định sẽ là cơ sở để ổn định giá thịt lợn, qua đó giúp bình ổn Chỉ số giá tiêu dùng nói chung. Từ cuối tháng 6, giá lợn hơi có thời điểm lập đỉnh 75.000 đồng/kg, nhưng sang cuối tháng 7 đến nay, giá đã về quanh mức 58.000 - 70.000 đồng/kg. Việc lương thực - thực phẩm được đảm bảo dồi dào, góp phần kiềm chế đà tăng giá sẽ tạo cơ sở để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm nay.
Thịt lợn, lúa gạo, rau quả… được dự báo những tháng cuối năm sẽ không căng thẳng nhờ có nguồn cung dồi dào. Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả nước khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá thịt lợn 7 tháng đầu năm nay so với bình quân năm ngoái giảm trên 20%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm, cả nước phải đạt sản lượng thịt các loại khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi phải đạt trên 4,2 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn. Dự báo nhu cầu vào thời điểm Tết Nguyên đán thường tăng từ 10 - 20% so với bình thường.
Giải pháp để có nền chăn nuôi tự chủ
Ổn định nguồn cung thịt lợn, gia cầm từ nay đến cuối năm là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra. Việc đã có vaccine tả lợn châu Phi là cơ sở quan trọng để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cả năm của đàn lợn vào khoảng 4,8%. Tuy nhiên, với ngành chăn nuôi yếu tố quan trọng nhất vẫn là thức ăn.
Trước những tác độngcủa kinh tế thế giới và giá nguyên liệu nhập khẩu, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho biết về một số giải pháp để có nền chăn nuôi tự chủ.
"Chúng ta phải có một nền chăn nuôi tự chủ, chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây thức ăn, đặc biệt vừa rồi Bộ đã chỉ đạo Cục Trồng trọt và Chăn nuôi xây dựng hợp tác xã trồng sắn và ngô ở Tây Nguyên đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là biện pháp sẽ đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, chúng ta sẽ tập trung trồng ngô sinh khối, chế biến 1,5 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chuyển làm thức ăn cho đại gia súc. Đây chính là cái chúng ta tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu thức ăn và là giải pháp có hiệu quả ngay", ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Có thể thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, các ngành chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm soát vận chuyển lậu qua biên giới, kiểm soát các khâu trung gian để giá thịt nói riêng và thực phẩm nói chung tại chợ sẽ không tăng vì đội chi phí ở khâu trung gian.
Tại TP Hồ Chí Minh, giá thịt lợn hơi tại các chợ đã giảm 5.000 đồng/kg so với 2 tuần trước. Mức giảm này là do số lượng lợn đã về chợ ổn định.