Tăng cường quản lý, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh ung thư gan
Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan.
Chiều 10/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Roche Pharma Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Chương trình “Quản lý Ung thư gan – Live Longer tại Việt Nam 2022-2023", nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao nhận thức về ung thư gan, góp phần tối ưu chẩn đoán và gia tăng hiệu quả điều trị ung thư gan tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, để phòng, chống bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025;
Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025.
"Mục tiêu chung của Kế hoạch là tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ung thư nói chung và bệnh ung thư gan nói riêng. Để hoàn thành mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan như các Bộ, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, hệ thống y tế và toàn thể xã hội"- Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sáng kiến triển khai "Chương trình Quản lý Ung thư gan – Live Longer" tại Việt Nam giai đoạn 2022 -2023. Đồng thời mong muốn Chương trình sẽ đạt được các mục tiêu, nội dung đề ra, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng để người dân chủ động dự phòng, kiểm soát bệnh; hỗ trợ thiết lập các trung tâm thực hành lâm sàng trong phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh ung thư gan.
Chương trình Quản lý Ung thư gan – Live Longer được thực hiện với các mục tiêu: Hỗ trợ tăng cường nhận thức về ung thư gan cho công chúng bao gồm người có nguy cơ cao (trung hạn) và người dân nói chung (dài hạn). Góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị ung thư gan cho cơ sở y tế bao gồm: nâng cao năng lực hệ thống y tế từ sàng lọc, chẩn đoán điều trị; chính sách hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn như hướng dẫn điều trị ung thư gan; xây dựng tiêu chí để vận hành và đánh giá hiệu quả hoạt động đa mô thức. Tăng cường khả năng tiếp cận với điều trị toàn thân cho bệnh nhân ung thư gan với các điều trị tiên tiến.
Tại lễ ký kết, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan. Theo Globocan 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư gan là 26.418 ca mỗi năm chiếm 14,5% tổng số ung thư và 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 (6.700 ca).