Tăng cường liên kết vùng - Định hướng quan trọng tại Nghị quyết số 11

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 11:26:32

Tăng cường liên kết vùng là một trong những định hướng quan trọng được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.


Liên kết vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ


Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045. Ngay trong tuần này, một hội nghị toàn quốc sẽ được tổ chức nhằm triểm khai thực hiện nghị quyết này, khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ, mở đường cho những cơ chế chính sách mới để phát triển vùng.

Trong phương hướng phát triển kinh tế, Nghị quyết số 11 đặt ra yêu cầu tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là đổi mới tư duy về liên kết vùng. Bởi thực tế thời gian qua, nhiều hoạt động nhằm phát triển hạ tầng đã được triển khai, tạo tiền đề cho liên kết vùng. Tuy nhiên để có những dự án phát triển mang dấu ấn vùng vẫn cần thêm nhiều điều kiện hơn nữa.

Trong phương hướng phát triển kinh tế, Nghị quyết số 11 đặt ra yêu cầu tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là đổi mới tư duy về liên kết vùng. Ảnh minh họa - Báo Nhân dân.


Tuyến đường kết nối giao thông miền núi phía Bắc vừa được khởi công đầu năm nay đi qua Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Tổng chiều dài 200 km, được đầu tư theo tiêu chuẩn cấp 3 và cấp 4 miền núi, qua đó giúp các địa phương có thể tận dụng những lợi thế của nhau để cùng phát triển.

Cùng với hàng trăm km đường cao tốc đang khai thác, toàn vùng Trung du và Miền núi phía Bắc còn có gần 7.000km quốc lộ, 5 tuyến đường sắt quốc gia, 6 tuyến vận tải thủy chính.

Mặc dù vậy, việc lựa chọn phát triển kết cấu hạ tầng phải song song với phát triển các hành lang kinh tế. Đơn cử với vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ - đây là khu vực giữ vai trò quan trọng đối với cả vùng, hiện đóng góp gần 50% GRDP, gần 1/3 thu ngân sách của cả vùng nhưng thực tế năng lực kết nối vẫn còn yếu.

Khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh với nhiều lợi thế nhưng đến nay quy mô kinh tế vùng chỉ chiếm chưa tới 10% GDP cả nước. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37 cho thấy, phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng.

Mỗi địa phương đều có chiến lược phát triển của riêng mình nhưng khi những chiến lược đó có thể liên kết với nhau sẽ tạo ra con đường ngắn nhất, khoa học nhất trong việc tổ chức không gian phát triển, định hướng phát triển, cách thức phát triển cho toàn vùng.

Du lịch - "Chìa khóa" phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Một trong những vấn đề quan trọng nữa được đề cập tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị là đầu tư bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Trung du và Miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành là khu vực có nhiều thắng cảnh nổi tiếng và văn hóa đặc sắc của 32 dân tộc anh em, là những lợi thế nổi trội để phát triển du lịch.

Thời gian qua, du lịch tại khu vực này đã có những bước phát triển nhanh cùng với cả nước, góp phần tạo công ăn việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, cần phải có các giải pháp tạo bước đột phát mạnh mẽ, bắt đầu từ thay đổi tư duy về du lịch.

Bức tranh panorama toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ - một trong những bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh; Đền thờ liệt sỹ tại di tích Chiến trường Điện Biên Phủ cũng bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Đây là 2 công trình dự kiến khánh thành vào dịp 7/5 tới và sẽ là điểm nhấn đầy hấp dẫn cho du lịch lịch sử của Điện Biên.

Trong khi đó, Lào Cai chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng như nghỉ dưỡng, sinh thái hay trải nghiệm leo núi với gần 400 homestay hoạt động. Phú Thọ thì đẩy mạnh các tour du lịch kết nối từ đền Hùng đến các làng cổ, phát huy thế mạnh là những dấu tích văn hóa ngàn năm từ thời đại Hùng Vương.

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết: "Không cần đến Lễ hội đền Hùng mà bất cứ thời điểm nào trong năm các tour du lịch đều muốn trải nghiệm chương trình hát xoan làng cổ và các nghệ nhân sẵn sàng phục vụ".

Du lịch được xem là "chìa khóa" phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN

Năm 2019, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đón gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế, gần 24 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, đóng góp cho du lịch vào tổng thu của các địa phương vẫn còn thấp, chỉ khoảng 3 - 4% GRDP, tức bằng khoảng một nửa so với trung bình cả nước.

"Tôi thấy ở nhiều địa phương các nhà mái tôn, nhà kiên cố đã mọc lên, ảnh hưởng rất lớn đến lượng khách đến. Chúng ta cần phải bảo tồn nguyên vẹn, càng giữ gìn bản sắc sẽ càng thu hút", ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội cho hay.

Quan trọng nhất, theo các chuyên gia là lãnh đạo các địa phương phải quyết liệt thay đổi tư duy, coi du lịch là "chìa khóa" phát triển vùng, từ đó mới có đầu tư nguồn lực thỏa đáng.

"Lâu nay nguồn lực được đầu tư cho các lĩnh vực khác, còn du lịch thì không đáng kể. Trong khi đó muốn tạo cú huých cho du lịch phát triển phải có nguồn lực từ đầu tư cho quy hoạch đến hạ tầng đồng bộ", TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho hay.

Hiện toàn vùng được xác định có 12 khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia như Cao nguyên đá Đồng Văn, Thác Bản Giốc, hồ Ba Bể, Tân Trào, Sa Pa, Đền Hùng, Điện Biên Phủ - Pá Khoang. Đầu tư vào nguồn nhân lực du lịch hiện còn rất thiếu thốn cũng là yêu cầu cấp thiết để tạo sức bật trong tương lai.

Dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, nhiều điểm du lịch trên cả nước đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, giải trí, thậm chí có nơi quá tải.

Chia sẻ Facebook