Tăng cường giám sát cơ sở nấu rượu thủ công, rượu không nhãn mác

Chia sẻ Facebook
03/02/2023 01:30:47

Cục ATTP đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, đặc biệt là với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu.

Từ đầu năm 2023 đến nay theo báo cáo của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa một số tỉnh/thành phố đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có ca tử vong.

Phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ.


Đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.

Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu;

Tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.

Thông tin trên báo chí, những ngày gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca cấp cứu do ngộ độc rượu pha bằng cồn công nghiệp methanol hoặc uống phải loại cồn y tế rởm. Trong đó, có nhiều người trẻ hôn mê sâu, tổn thương não rất nặng nề, suy thận cấp, hạ đường huyết, xuất huyết tiêu hóa, tiêu cơ vân... sau khi uống rượu.

Đáng báo động là vụ ngộ độc rượu rởm với 3 người làm cùng công ty tại tỉnh Thái Bình. Cách đây vài ngày, trong bữa tiệc đầu năm mới, nhóm 7 người có uống loại rượu mà kết quả xét nghiệm cho thấy có tới 58% là methanol, chỉ 1% là ethanol - cồn sinh học trong rượu thông thường.


Trường hợp nhập viện đầu tiên nhiễm toan chuyển hóa nặng, không đo được chỉ số, nồng độ methanol trong máu tới 234 mg/dl. Bệnh nhân bị hôn mê, phải lọc máu liên tục. 4 người cùng uống trong bữa đó đã đến viện xét nghiệm thì 2 người có kết quả nồng độ methanol khá cao .

Chia sẻ Facebook