Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, tạo đà phát triển bền vững

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 21:10:34

Công tác quản lý mã số vùng trồng cần được nâng thêm một bước nhằm đáp ứng yêu cầu, quy định ngày càng cao của thị trường thế giới.


Nâng tầm quản lý mã số vùng trồng


Ngày 28/3, Báo Tin tức đưa tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.


Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.


Để việc thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.


Các địa phương xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, bố trí nguồn lực (nhân lực và tài chính) thực hiện việc thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói; trong đó chú trọng tập huấn, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân liên quan; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.


Các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ mở cửa thị trường, giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hoặc phòng chống Covid-19… Đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia Bộ xây dựng.

Việc duy trì mã số vùng trồng có ý nghĩa rất lớn nhằm phục vụ cho chiến lược xuất khẩu nông sản.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn. Đặc biệt, chú trọng vào tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.


Các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật hoàn thiện việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; cập nhật các tài liệu hướng dẫn về thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để tập huấn cho các tổ chức, cá nhân.  Cục chủ động đàm phán với cơ quan kỹ thuật của nước nhập khẩu để mở cửa thị trường, tăng số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu; giải quyết các rào cản kỹ thuật để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.


Đặc biệt, Cục Bảo vệ thực vật phải tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch. Cùng đó, phối hợp và hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở thực tế, đặc thù và nhu cầu của từng địa phương.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cũng chỉ đạo các đơn vị khác như: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nghiên cứu đề xuất đưa các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng các chương trình tập huấn, truyền thông về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong kế hoạch hoạt động…


Các doanh nghiệp và người sản xuất cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Các đơn vị chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.


Các hiệp hội ngành hàng tuyên truyền cho hội viên về quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu; hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên tích cực tham gia phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.


Cần sự quan tâm, địa phương vào cuộc


Trả lời câu hỏi về khuyến cáo giúp địa phương bớt bỡ ngỡ khi quản lý mã số vùng trồng của báo Nông Nghiệp, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung bày tỏ sự kỳ vọng chính quyền địa phương thực sự quan tâm vấn đề này. Thực tế cho thấy, những tỉnh, thành phố có chính sách, chủ trương rõ ràng về mã số vùng trồng thì đều làm tốt, từ tổ chức sản xuất, đến năng suất, chất lượng, và giá trị sản phẩm. Đây cũng là ưu thế cho địa phương khi các doanh nghiệp xem xét, đánh giá trước khi đầu tư dự án.


Tiếp đó, địa phương cần phân công nhiệm vụ rõ ràng, xác định rõ đâu là cơ quan đầu mối thông tin, quản lý về mã số vùng trồng, là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật , hay Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất phương án là cấp Chi cục, Sở chỉ thực hiện việc kiểm tra cấp mới, còn Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật , Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện thực hiện việc giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Việc tập huấn, nâng cao trình độ trong quản lý mã số vùng trồng cho cán bộ địa phương cần được duy trì thường xuyên.


Không những vậy, việc tập huấn, nâng cao trình độ của cán bộ địa phương cũng cần được duy trì thường xuyên. Trước khi hướng dẫn bà con, cán bộ kỹ thuật phải nắm rõ về yêu cầu, quy định của thị trường xuất khẩu. Đây cũng là trăn trở của Cục Bảo vệ thực vật nhiều năm qua. Nhiều nơi, chúng tôi đã thành lập các tổ công tác để xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc”. Với những địa phương có sản phẩm chuẩn bị xuất khẩu, mở cửa thị trường, Cục cũng có văn bản, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đáp ứng được những yêu cầu mới trong tình hình hiện nay như kiểm tra trực tuyến.


Cuối cùng, địa phương phải dành nguồn lực tương xứng để thực hiện các nhiệm vụ, phải sâu sát tới tận người dân trong việc lấy mẫu, phân tích, kiểm tra định kỳ. Với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần có định hướng rõ ràng trong việc phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói như xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể thực hiện theo từng tháng, nâng cao chất lượng công tác giám sát các mã số đã được cấp.


Hương Anh ( tổng hợp )

Chia sẻ Facebook