Tăng cường chống buôn lậu qua biên giới-Bài 3: Ngăn chặn, phòng ngừa, triệt phá các đường dây
Lực lượng chức năng đã và đang tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển hàng lậu.
Tăng cường đấu tranh ngăn chặn
Trước tình hình phức tạp của vấn nạn buôn lậu, Công an tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm, hậu quả của việc sử dụng pháo lậu trên địa bàn, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, đông dân cư; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông chính, các điểm tập kết hàng hóa có biểu hiện nghi vấn...
Để đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, trong đó có pháo nổ, pháo lậu, ngày 8/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển.
Tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội mua bán trực tuyến để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Nước, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng tội phạm sẽ tìm mọi cách để vận chuyển, buôn bán trái phép các loại pháo nổ, pháo lậu từ khu vực biên giới vào nội địa. Vì vậy, để triển khai hiệu quả kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chúng tôi sẽ tăng cường công tác nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, đấu tranh kịp thời với các hành vi vi phạm.”.
Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên Phòng tỉnh Bình Phước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, vào dịp trước Tết Nguyên đán một số người dân trên địa bàn biên giới có nhu cầu sử dụng pháo.
Qua đó, các đối tượng lợi dụng đêm tối hoặc sơ hở của các cơ quan chức năng để qua biên giới, các đối tượng di chuyển bằng xe gắn máy hoặc đi bộ để vận chuyên pháo qua biên giới đưa về Việt Nam bán kiếm lời.
Ngoài ra, có một số đối tượng ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh...thông qua điện thoại di động, các trang mạng xã hội liên hệ với các đối tượng ở khu vực biên giới để đặt pháo với số lượng lớn vận chuyên về các tỉnh nội địa tiêu thụ.
“Thời gian gần đây, các đối tượng còn lợi dụng trẻ em để vận chuyển pháo nổ. Đây là một thủ đoạn mới của các đối tượng gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xử lý. Đặc biệt, thời điểm này người dân lợi dụng mùa khô đi bằng xe máy hoặc đi bộ vác pháo, thuốc lá qua biên giới lợi dụng sơ hở tuần tra kiểm soát”, Phó Trưởng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên Phòng tỉnh Bình Phước Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.
Kiểm soát chặt biên giới
Trước tình hình mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình; làm tốt công tác nghiệp vụ. Mặt khác, chủ động phối hợp lực lượng tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đường dây, đối tượng có hành vi buôn lậu, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới vào Việt Nam.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Phước, tiếp tục tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới, cửa khẩu. Trong đó, đặc biệt tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, nhất là phương tiện chở hàng hoá xuất nhập khẩu, hành khách xuất nhập cảnh có khả năng gia cố thêm thùng, hầm hàng, vách ngăn để chứa pháo nổ...
Các đơn vị đóng tại cửa khẩu đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát tại các khu vực, địa điểm nóng tiềm ẩn rủi ro về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới thuộc địa bàn hoạt động hải quan; chủ động xác định các đối tượng nghi vấn, đối tượng trọng điểm; thường xuyên rà soát, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro, nghiên cứu các phương thức, thủ đoạn mới các đối tượng có thể lợi dụng để vận chuyển trái phép pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ... từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả các lô hàng nhập khẩu được hệ thống phân luồng xanh, luồng vàng.
Thiếu tá Trần Văn Chung, Đồn Phó đồn Biên Phòng cửa khẩu Hoàng Diệu, Bộ đội Biên Phòng Bình Phước cho biết, trước tình trạng buôn lậu pháo nổ trên tuyến Biên giới hết sức phức tạp, do lợi nhuận của việc buôn pháo nổ rất cao gấp 2 đến 3 lần chính vì vậy mà các đối tượng đã bất chấp để buôn bán vận chuyển pháo.
Trước mắt, đơn vị xác định rõ nhiệm vụ, sắp xếp lại lực lượng một cách cân đối hài hòa để đảm bảo làm sao siết chặt được địa bàn, phối hợp chặt chẽ với hải quan và các đơn vị như công an, quản lý thị trường tuần tra truy quét nhất là những địa bàn trọng điểm để làm sao không còn tình trạng buôn lậu pháo qua biên giới, cửa khẩu.
Làm tốt công tác đối ngoại Biên phòng, trao đổi với lực lượng vũ trang Campuchia về tình hình pháo nổ xuống sát biên giới để đưa vào Việt Nam để kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, người dân khu vực biên giới, cửa khẩu, hành khách xuất nhập cảnh, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn về tác hại của hành vi mua, bán, vận chuyển trái phép pháo nổ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo luật sư Nguyễn Đăng Minh – Văn phòng Luật sư Đăng Minh Bình Phước, Đoàn Luật sư Bình Phước cho rằng, việc các đối tượng thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ không mới nhưng ngày càng có biểu hiện tinh vi, xảo quyệt.
Các đối tượng ngày càng manh động, bất chấp thủ đoạn để mua bán, tàng trữ số lượng lớn khi có đơn đặt hàng. Do đó, việc cơ quan chức năng liên tiếp điều tra, truy tìm và bắt giữ các đối tượng vi phạm luôn nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ dư luận.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đăng Minh cho biết, kể từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành; theo quy định tại các điều 190 (về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”; điều 191 (về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”); mục 1, chương XVIII, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì pháo nổ và thuốc lá điếu được quy định là mặt hàng cấm, do vậy tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự khi đảm bảo yếu tố định lượng.
Về quy định các yếu tố định lượng gồm: sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam; từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam và từ 120 kilôgam trở lên. Tương đương với đó là các mức xử lý tương đương, trong đó, mức xử lý cao nhất đối với hành vi vi phạm này lên tới 15 năm tù giam.
“Như vậy, cơ sở pháp luật quy định rất rõ các trường hợp vi phạm pháp luật đối với những hành vi liên quan đến tội danh sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển mặt hàng cấm là pháo nổ. Do đó, đối tượng vi phạm ngoài mức xử lý hành chính sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến tội danh này", luật sư Nguyễn Đăng Minh cho biết thêm.