Tân tổng thống Sri Lanka: 'Đất nước rất khó khăn, nhiều thách thức to lớn trước mắt’
Ngày 20-7, Quốc hội Sri Lanka đã bỏ phiếu bầu Tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe làm tổng thống chính thức của nước này đến năm 2024.
Tỉ lệ phiếu bầu của ba người trong tổng số 225 phiếu của thành viên Quốc hội như sau: ông Wickremesinghe được 134 phiếu, ông Alahapperuma được 82 phiếu và ông Anura Kumara Dissanayaka được 3 phiếu.
Theo Hãng tin Reuters, có ba ứng cử viên cho ghế tổng thống trong danh sách được Quốc hội lựa chọn và ông Wickremesinghe, người làm thủ tướng đến 6 lần, là người nổi trội nhất.
Hai ứng cử viên còn lại, ông Dullas Alahapperuma (nhà lập pháp của đảng cầm quyền United National) tuy được lòng dân nhưng thiếu kinh nghiệm chính trường; còn người kia, ông Anura Kumara Dissanayaka (lãnh đạo đảng cánh tả Janatha Vimukti Peramuna) có quá ít sự ủng hộ để đảm bảo cơ hội chiến thắng.
Chiến thắng cho ông Ranil Wickremesinghe không bất ngờ nhưng theo Reuters, ông bị nhiều người dân Sri Lanka phản đối và do đó, kết quả này có thể dẫn đến nhiều cuộc biểu tình hơn của dân chúng.
Trước đó, người biểu tình đã đốt nhà riêng của ông Wickremesinghe và tràn vào văn phòng của ông để phản đối.
Phát biểu khi sau có kết quả bỏ phiếu, ông Ranil Wickremesinghe cho biết đất nước Sri Lanka đang ở trong tình huống vô cùng khó khăn và những thách thức lớn đang chờ đợi Sri Lanka ở phía trước.
Ông Wickremesinghe thanh minh rằng từ thời điểm ông nhận ghế thủ tướng hồi tháng 5-2022, nền kinh tế của Sri Lanka đã sụp đổ.
Người tiền nhiệm của ông, cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã đi lánh nạn đến Singapore. Trong thư từ chức gửi đến Quốc hội, cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa cho biết đã làm mọi cách để đối phó với khủng hoảng kinh tế , và nguồn tiền của đất nước đã không còn bao nhiêu khi ông nhậm chức năm 2019.
Số liệu chính thức cho thấy Sri Lanka còn 7,5 tỉ USD dự trữ ngoại hối khi ông Rajapaksa nhậm chức, nhưng chỉ còn 1 triệu USD và chính thức vỡ nợ khi ông từ chức.
Nhiều tháng qua, người dân Sri Lanka phải sống trong tình trạng thiếu thốn thường trực về thuốc men, nhiên liệu và thực phẩm. Quốc gia này hiện đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị tồi tệ nhất kể từ sau khi giành được độc lập năm 1948 và trong tình trạng vỡ nợ hoàn toàn.
Sri Lanka đang hy vọng vào các khoản viện trợ của nước ngoài để thoát khỏi khủng hoảng.
Cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa của Sri Lanka giải thích trong thư từ chức rằng ông đã làm mọi cách để đối phó với khủng hoảng kinh tế, và nguồn tiền của đất nước đã không còn bao nhiêu khi ông nhậm chức năm 2019.