Tần Thủy Hoàng: Nhân từ hay bạo chúa?
Nói đến Tần Thủy Hoàng, rất nhiều người sẽ nghĩ đến một bạo chúa. Tuy nhiên Tần Thủy Hoàng là một nhân vật lịch sử bị đánh giá một cách chủ quan, đôi khi cố ý, mang nhiều màu sắc văn học và dân gian hơn là màu sắc lịch sử. Vậy thì ông có thật sự là bạo chúa hay không?
Không dùng bạo lực, bá đạo để thống nhất lục quốc
Tần Thủy Hoàng dùng chiến trận để thống nhất lục quốc nhưng nếu so sánh với số chiến trận suốt thời Xuân Thu Chiến Quốc thì số người thương vong trong thời kỳ này không nhiều hơn. Về mặt chiến lược mà nói, Tần Thủy Hoàng không phải lúc nào cũng động binh. Việc ông thu hàng nước Tề là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng còn là người có lòng khiêm tốn, khoan dung, điều này được thể hiện rõ nhất ở cuộc chiến với nước Yên. Trước khi thu phục nước Yên, thái tử Đan của nước Yên từng phái Kinh Kha đến ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng bị thất bại. Sau này khi Tần Thủy Hoàng thu phục được nước Yên, ông không vì điều này mà trả thù người Yên. Sau khi thay thế bộ máy triều đình của nước Yên, Tần Thủy Hoàng đã vỗ về và trấn an dân chúng.
Sự khéo léo của Tần Thủy Hoàng trong việc dùng kế để tránh chiến tranh có thể nói là một trời một vực so với những nhân vật nổi danh lịch sử vì bạo lực.
Vào thời Tần mạt, vì lửa giận và đố kỵ với Hán Cao Tổ Lưu Bang, Sở Bá Vương Hạng Vũ dẫn đầu 40 vạn đại quân đánh vào thành Hàm Dương vốn đã đầu hàng, tàn sát hàng loạt dân chúng, thiêu cháy cung A Phòng. Ngọn lửa cháy ròng rã ba tháng trời. Tuy nhiên người đời sau chỉ ca ngợi Hạng Vũ là một anh hùng, còn đối với việc Hạng Vũ thất tín và giết dân chúng Hàm Dương vốn đã đầu hàng thì lại không mấy nhắc tới.
Nhân từ, chưa từng đại tàn sát vương triều sáu nước
Tần Thủy Hoàng là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Nguyên, tất nhiên trong lúc đó sẽ phải có chiến tranh và vũ lực. Tuy nhiên trong quá trình này không diễn ra sự thảm sát triều đình các nước. Điều này có thể chứng minh bằng sử sách ghi lại diễn biến quá trình Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên. Cuối cùng, ông chỉ bắt vương tộc sáu nước mà ông đã chiếm, kể cả gia đình các đại thần của họ, phải dời đến Hàm Dương, kinh đô của Tần, để ông dễ kiểm soát họ. Hành động này thì nhiều đời Hoàng đế được coi là tài đức thời sau cũng không làm được. Vậy nhưng người ta lại nhìn nhận Tần Thủy Hoàng là bạo chúa?
Nói về chính sách đối xử với dân chúng, Thành Cát Tư Hãn một đời kiêu hãnh cũng không được bằng Tần Thủy Hoàng. Sau khi Mông Cổ trở thành đế quốc, Thành Cát Tư Hãn cũng không đối xử ngang hàng mà phân cấp người dân thành Mông Cổ, Sắc Mục, người Hán phương bắc và người phương nam.
Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Hoa không làm theo cách đó. Ông căn cứ pháp luật Tần triều, đối xử với người dân như nhau, tất cả đều ngang hàng.
Đối xử tử tế với công thần
Sau khi thống nhất lục quốc, Tần Thủy Hoàng đối xử với công thần không tệ. Ví dụ Vương Quản là một thừa tướng từ thời Lã Bất Vi, sau này tiếp tục đảm nhiệm Thừa tướng suốt 20 năm. Vương Quản từng là người đứng đầu trong việc phản đối gay gắt chế độ “phân đất phong quyền” của Tần Thủy Hoàng. Thậm chí, Vương Quản cũng có nhiều lần không đồng ý với những chủ trương của Tần Thủy Hoàng, nhưng không vì thế mà bị Tần Thủy Hoàng trừng phạt.
Lý Tín là một vị tướng quân ở bên Tần Thủy Hoàng. Ông ta từng khoe khoang mà tuyên bố rằng chỉ trong vòng hai, ba tháng sẽ chiếm được nước Sở nhưng cuối cùng lại bị quân Sở đánh cho đại bại. Sau này, Tần Thủy Hoàng lại một lần nữa bổ nhiệm Lý Tín làm phó soái, theo Vương Tiễn đi đánh nước Sở.
Cha con Vương Tiễn là những người có công lao rất lớn trong việc giúp Tần Thủy Hoàng giành được thiên hạ. Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng vẫn luôn đối xử tốt và yêu mến gia đình Vương Tiễn, Vương Tiễn cũng được an hưởng tuổi già.
Để so sánh, hãy lấy ba nhân vật được kính trọng là Hán Cao Tổ Lưu Bang, Hán Vũ Đế Lưu Triệt và Việt Vương Câu Tiễn làm ví dụ.
Có câu nói về Hán Cao Tổ Lưu Bang thế này: “Giang sơn nhất đắc, công thần tức lạc” , vừa có được giang sơn trong tay thì quên mất công lao của công thần. Hàn Tín chính là một ví dụ điển hình nhất. Hàn Tín vốn là công thần có công lao lớn nhất trong việc trợ giúp Lưu Bang binh chinh thiên hạ. Nhưng sau này ông đã bị Lưu Bang và Lã Hậu lập mưu giết chết.
Tể tướng Đậu Anh thời Tây Hán đã từng trợ giúp Hán Cảnh Đế bình định đất nước, có nhiều chiến công hiển hách. Nhưng về sau vì xúc phạm đến cậu của Hoàng Đế mà bị bỏ tù rồi bị Hán Vũ Đế hạ lệnh xử tử. Ngoài ra một công thần khác là Chủ Phụ Yển, người có công rất lớn trong việc giúp Hán Vũ Đế xóa nạn chư hầu cường thịnh, nhưng về sau chỉ vì một chuyện nhỏ Chủ Phụ Yển lại bị nghi ngờ là tư thông với chư hầu, bị hạ lệnh giết cả gia tộc.
Thời Xuân Thu, sau khi tiêu diệt nước Ngô, việc đầu tiên mà Việt Vương Câu Tiễn làm chính là giết chết người cùng chung hoạn nạn với mình, đại thần Văn Chủng. Đại thần Phạm Lãi là người biết trước tính cách của Câu Tiễn nên đã lẳng lặng rời đi, tránh được đại nạn.
Như vậy so với Tần Thủy Hoàng, những vị Hoàng đế hay vương giả được kính trọng trước và sau thời ông vẫn còn kém, không được bao dung, độ lượng, không được anh minh, sáng suốt bằng người được coi là “bạo chúa” .
Hiểu nhầm “Đốt sách”
Trong khoảng 8 năm từ 221 TCN tới 213 TCN, tức là năm mà Tần Thủy Hoàng thực thi cái gọi là “đốt sách” , ông đã cho sưu tập một lượng lớn văn hiến cổ điển từ trong cung 6 nước và trong dân gian. Đồng thời tuyển chọn hơn 70 vị học giả, ban cho làm quan Tiến sĩ. Triệu tập hơn 2.000 học sinh, từ quan Tiến sĩ trở xuống, cho làm Nho sinh. Đối với việc thanh lý và phân biệt văn hóa cổ điển, thì bỏ nguỵ giữ chân, bảo vệ văn hóa chính thống.
Tuy nhiên có nhiều người trong sáu nước mưu đồ khôi phục lại thế lực trước kia. Và khi chưa thể sử dụng vũ lực thì họ bắt đầu bằng chế độ triều chính. Chẳng hạn trong một lần yến hội ở cung Hàm Dương, quan Tiến sĩ Thuần Vu Việt đề xuất việc phế quận huyện ( “phân đất phong quyền” ), lập lại việc phân đất phong hầu, cho rằng: “Làm việc không noi theo người xưa mà lâu dài được là điều thần chưa được nghe nói” . Câu này ý ở trong lời là muốn Trung Hoa trở về tình trạng chia cắt.
Thời kỳ này, do Tần Thủy Hoàng chưa bao giờ đuổi tận giết tuyệt sáu nước, nhưng việc đó cũng khiến nảy sinh một vấn đề: sáu nước này có nền tảng “thâm căn cố đế”. Trước đó nhà Chu dù chinh phạt xong, vẫn sử dụng chế độ phân phong chư hầu, chư hầu vương tự quản nước mình, chỉ tới kinh đô nhà Chu họp mặt định kỳ, tức là đặt Trung Nguyên trên nền tảng chia cắt.
Bởi vì quá khứ là vậy nên có nhiều người trong sáu nước mưu đồ khôi phục lại thế lực trước kia. Họ lợi dụng những rối loạn về tư tưởng, văn hóa để chê bai chính quyền mới, hòng khôi phục quyền lực. Khái niệm về một Trung Hoa thống nhất bấy giờ bị nhiều chỉ trích. Như vậy đứng ở quan điểm của Tần Thủy Hoàng mà nói, ông nhất định phải thống nhất quy phạm văn hóa của dân chúng sáu nước. Từ đó mà có lệnh đốt sách thiên hạ.
Tuy nhiên trong việc “đốt sách” này có loại trừ: sách của triều đình là không đốt; sách sử nhà Tần thì không hủy; sách của Tiến sĩ nắm giữ là không hủy; sách chữa bệnh, xem bói, trồng cây là không hủy. Bấy giờ thư tịch của nước Tần sau một thời gian 8 năm sưu tầm và lưu trữ, có thể nói là gồm thâu những sách quý của thiên hạ. 70 vị quan Tiến sĩ có thể nói là sưu tầm đủ các loại sách trong tay rồi.
Chu Hy thời Tống cũng nói rằng Tần Thủy Hoàng đốt sách chỉ là dạy cho thiên hạ đốt sách, còn trong triều đình ông vẫn lưu lại, và rằng “cả 6 kinh (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu) ông đều lưu lại cho mình, chỉ thiên hạ thì không ai có”. Như vậy thực ra là nếu muốn tìm tòi, nghiên cứu thì trong tay triều đình cho đến Tiến sĩ cũng đều có lưu lại bản sao hoàn chỉnh. Nếu nói người nào quả thật làm thư tịch thất truyền, thì đó chính là Sở Bá Vương Hạng Vũ, người đã đốt cháy cung thất nhà Tần, khiến nhiều sách quý bị tiêu thất.
Chuyện “Chôn Nho” cũng là sự nhầm lẫn của lịch sử. Điều Tần Thủy Hoàng muốn làm là tiêu diệt những kẻ thuật sỹ lừa gạt trong triều. Bản thân ông cũng không cho đuổi tận giết tuyệt, mà chính những kẻ này đã tự tố cáo nhau. Vào thời kỳ Tiên Tần những kẻ này được gọi là “Tư” (胥), chữ “Tư” và chữ “Nho” (儒) lúc bấy giờ là đồng âm (ngày nay không đồng âm nữa), hai từ này lại thường bị dùng lẫn lộn, cho nên những thuật sỹ bị chôn sống này lại được hiểu nhầm là “Nho sinh” . (Xem thêm trong bài: Vài điểm nhìn lại về đoạn sử Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn Nho” )
Một vài vấn đề khác
Còn có những chuyện dân gian khác như “Nàng Mạnh Khương khóc sụp trường thành” , được gán cho sự việc Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên tư liệu lịch sử lại cho thấy đây chỉ là chuyện dân gian được cải biến từ câu chuyện thời Xuân Thu Chiến Quốc (Xem bài: Vài tư liệu lịch sử về thuyết nàng Mạnh Khương khóc sụp trường thành ). Công trình Vạn Lý Trường Thành sau này còn được các vị quân vương các triều đại kéo dài hơn, nhưng dường như họ không bị coi là “bạo chúa”.
Điều đáng nói chính là trải qua hơn 2.000 năm, Tần Thủy Hoàng luôn bị coi là một “bạo chúa”. Từ xưa đến nay, trong hình tượng tác phẩm văn học và dân gian, Tần Thủy Hoàng hầu như là nhân vật phản diện. Tuy nhiên Tần Thủy Hoàng lại không có những đặc điểm của “bạo chúa” , không hoang dâm, không lạm sát, không sát hại công thần, hơn nữa còn thi hành nhiều chính sách được coi là nhân từ. Duy có việc dựng cung A Phòng là việc bị coi là xa xỉ, tốn sức người, dù quy mô của nó so với tổ hợp Tử Cấm Thành, Di Hòa Viên cũng không thể coi là lớn.
Ngoài những việc do nhìn nhận chủ quan không thể tránh khỏi của sử quan thời Hán, thì còn một nguyên nhân khác, chính là từ thời nhà Chu với chế độ phân phong chư hầu, nhất là vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, dân chúng Trung Nguyên sinh ra đã có một loại tư duy cố định. Họ cho rằng họ không thuộc về cùng một Xã Tắc chung, họ là người Tề, Tần, Tấn, Sở, v.v.. Mà đó mới là những nước lớn nhất, còn các tiểu quốc thì cũng có lúc tính kể trăm. Do đó, “chia năm xẻ bảy” mới là bình thường còn thống nhất là điều không bình thường.
“Thống nhất” ở một góc độ nào đó mà nói, có thể gọi là “xâm chiếm” . Người dân lục quốc ở một góc độ nào đó là mất nước. Vì vậy, dân chúng đều có ý hận Tần Thủy Hoàng. Điều đặc biệt là loại tâm tình “bạo chúa” này chỉ xuất hiện vào thời Tần Thủy Hoàng, chứ không xuất hiện vào các triều đại thống nhất theo sau như nhà Hán, Đường, v.v..
Trên thực tế từ những ghi chép lịch sử, thời kỳ Tần Thủy Hoàng tại vị không phải là thời kỳ quá mức hà khắc, chỉ đến khi Tần Nhị Thế lên ngôi trái với ý nguyện của Tần Thủy Hoàng thì mới xuất hiện nhiều chính sách vô đạo, đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tâm tình nhà Tần “bạo chúa” .
Tất nhiên đối với việc thống nhất Trung Nguyên, từ cương thổ, văn tự, văn hóa, pháp luật cho đến đơn vị đo lường… đều không tránh khỏi những việc cần sự cương quyết. Nhà Tần thu sách thiên hạ, nhưng không hủy tận mà lưu giữ trong thư viện và cho phép quan lại cấp cao được nghiên cứu. Nhà Tần diệt sáu nước nhưng lại dựng cung A Phòng. Bởi vì Tần Thủy Hoàng không hoang dâm, nên cung A Phòng kỳ thực có mục đích là gồm thâu văn hóa thiên hạ.
Cũng chính nhờ cơ sở thống nhất văn hóa do nhà Tần đặt định mà các triều đại sau này mới có thể có được thành tựu, có được sự thống nhất cao độ trên một lãnh thổ rộng lớn trải dài.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Đưa châu Âu đến thời kỳ Phục Hưng: Có một Thành Cát Tư Hãn rất khác
Mời xem video :