Tân Thủ tướng Thụy Điển cam kết hoàn thành gia nhập NATO

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 01:17:55

Chính phủ của tân Thủ tướng Thụy Điển tuyên bố sẽ tuân theo thỏa thuận của chính phủ tiền nhiệm với Thổ Nhĩ Kỳ để rộng đường gia nhập liên minh quân sự NATO.

Tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm 18/10 đã công bố các thành viên trong Nội các và đặt ra các ưu tiên cho chính phủ của mình, bao gồm chống tội phạm, tăng cường thế trận quốc phòng và ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Kristersson, được bổ nhiệm làm Thủ tướng Thụy Điển hôm 17/10, đã xác nhận trong một bài phát biểu rằng ông sẽ lãnh đạo một chính phủ liên minh 3 đảng, bao gồm Đảng Ôn hòa, Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và Đảng Tự do.

Nội các của ông sẽ có 13 Bộ trưởng từ Đảng Ôn hòa trung hữu của ông, 6 Bộ trưởng từ Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và 5 Bộ trưởng từ Đảng Tự do. Trong số 24 Bộ trưởng này, có 11 là nữ.

Các vị trí hàng đầu bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Tobias Billstrom và Bộ trưởng Quốc phòng Pople Jonson, cả hai đều từ Đảng ôn hòa; và Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Ebba Busch từ Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo.

Nội các lần này có Bộ trưởng trẻ nhất Thụy Điển, phụ trách Khí hậu và Môi trường, là cô Romina Pourmokhtari 26 tuổi của Đảng Tự do.

Tân Thủ tướng Thụy Điển cam kết rằng chính phủ mới của ông sẽ “đoàn kết” đất nước và tôn trọng sự khác biệt.

“Tôi sẽ thành lập một chính phủ cho toàn thể đất nước Thụy Điển và cho tất cả những người sống ở đây, một chính phủ bắt nguồn từ các giá trị mạnh mẽ sẽ tôn trọng các giá trị của các bên khác”, ông Kristersson tuyên bố.

Tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson công bố thành phần Nội các trong chính phủ liên minh 3 bên do Đảng Ôn hòa của ông lãnh đạo, ngày 18/10/2022. Ảnh: Getty Images


Các ưu tiên của chính phủ mới

Trong số các nhiệm vụ chính trị đang chờ chính phủ hành động, ông Kristersson đề cập đến ưu tiên hàng đầu là giải quyết tội phạm và các vụ xả súng kỷ lục ở quốc gia Bắc Âu.

“Không quốc gia nào khác trên toàn châu Âu có xu hướng bạo lực như Thụy Điển: 53 vụ xả súng gây chết người trong năm nay, thường là những vụ hành quyết trắng trợn”, ông nói. “Chính phủ hiện đã bắt đầu cuộc tấn công lớn nhất trong lịch sử Thụy Điển chống lại tội phạm có tổ chức”.


Ông cũng hứa hẹn về một “sự thay đổi mô hình” về nhập cư, chấm dứt nhiều thập kỷ chính sách nhập cư cởi mở, vốn đã bắt đầu bị siết chặt dưới thời chính phủ Dân chủ Xã hội trước đây.


“Nhập cư đến Thụy Điển không bền vững, dẫn đến hòa nhập kém, thất nghiệp, mất an ninh và các vấn đề khác”, ông Kristersson nói.

Khoảng 20% trong số 10 triệu cư dân của Thụy Điển là người sinh ra ở nước ngoài, nhiều người trong số họ là người tị nạn từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá bao gồm Syria, Iraq, Afghanistan và Somalia.

Thái độ đối với vấn đề nhập cư đã trở nên cứng rắn ở Thụy Điển trong những năm gần đây, thúc đẩy sự nổi lên của Đảng Dân chủ Thụy Điển theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, vốn đang ủng hộ chính phủ của ông Kristersson để đổi lấy tiếng nói về chính sách của chính phủ.

Các chính trị gia đối lập trung tả đã cáo buộc liên minh của ông Kristersson làm lung lay danh tiếng quốc tế của Thụy Điển với tư cách một quốc gia khoan dung, chào đón tất cả mọi người.

Vị Thủ tướng 58 tuổi cũng đề cập đến một số cải cách trong lĩnh vực năng lượng, tư pháp, lương hưu và thị trường lao động.

Về năng lượng, ông Kristersson báo hiệu sự mở rộng năng lượng hạt nhân, mà các chính phủ Thụy Điển trước đây đã bắt đầu từ bỏ. Ông cho biết mục tiêu của Thụy Điển về sản xuất điện sẽ thay đổi từ “100% tái tạo” thành “100% không hóa thạch”, nhường chỗ cho năng lượng hạt nhân.

Các thành viên trong Nội các của tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson. Ảnh: News-Press

Với ý thức rằng Thụy Điển là nước láng giềng với Nga, tân Thủ tướng cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng và phòng thủ dân sự vào năm 2026.

Về chính sách đối ngoại và an ninh, ông nói: “Thụy Điển sẽ không bao giờ chấp nhận việc các quốc gia hiếu chiến vi phạm quyền tự do và quyền tự quyết của các nước dân chủ”, ám chỉ rõ ràng đến cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine.


“Chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ lớn nhất có thể cho Ukraine - về mặt chính trị, kinh tế và an ninh”, ông nói. “Một chương trình dài hạn và chặt chẽ cho cả tái thiết dân sự và hỗ trợ quân sự đang được phát triển - điều này bao gồm việc chuyển giao các hệ thống vũ khí có khả năng hơn”.

Tân Thủ tướng ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan, đồng thời cho biết chính phủ của ông sẽ tuân theo thỏa thuận của chính phủ tiền nhiệm với Thổ Nhĩ Kỳ về rút lại sự hỗ trợ cho các nhóm người Kurd mà Ankara cáo buộc là khủng bố.


“Cùng với Phần Lan, Thụy Điển sẽ hoàn thành việc gia nhập NATO”, ông Kristersson tuyên bố .


Minh Đức (The ABC News, Anadolu Agency, Politico.eu)

Chia sẻ Facebook