Tần suất ‘đi nặng’ như thế nào là bình thường và dấu hiệu cảnh báo ung thư?
Bác sĩ khuyên nên theo dõi thói quen đại tiện của mình để biết khi nào cần đến bệnh viện kiểm tra.
Bác sĩ Sarah Jarvis, bác sĩ đa khoa kiêm giám đốc của trang web y tế Patientaccess.com , cho biết hầu hết mọi người có thói quen đại tiện khá đều đặn.
Các nghiên cứu cho thấy 98% người "đi nặng" từ 3 lần/ngày đến 3 lần/tuần và nhiều người có xu hướng đi vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
"Một số tình trạng y tế như bệnh viêm ruột hoặc bệnh túi thừa đại tràng có thể dẫn đến đại tiện phân lỏng và tần suất thường xuyên hơn. Nhưng nếu bạn không có bệnh lý tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến ruột, các yếu tố quyết định tần suất đại tiện liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống. Ví dụ hoạt động thể chất có thể giúp kích thích nhu động – chuyển động phối hợp của các vòng cơ xung quanh ruột để đẩy thức ăn qua hệ tiêu hóa. Vì vậy, hoạt động thể chất không chỉ nâng cao thể lực mà còn giúp hoạt động bài tiết diễn ra đều đặn", bác sĩ Jarvis tư vấn.
Theo bác sĩ, bổ sung nhiều chất xơ hơn trong chế độ ăn uống có thể giúp dễ thải phân ra ngoài, đi ngoài đều đặn hơn và ít bị căng thẳng hơn. Ngoài ra, nếu cơ thể mất nước, phân sẽ nhỏ, cứng và khó thải ra ngoài hơn.
Nữ chuyên gia nói thêm nhiều loại thuốc có thể gây ra tình trạng phân lỏng hơn hoặc táo bón, có thể kể ra như thuốc giảm đau có chứa codeine (dẫn xuất của thuốc phiện), một số thuốc chống trầm cảm, viên sắc, thuốc trị chứng bàng quang tăng hoạt, thuốc điều trị bệnh Parkinson...
Tuy nhiên, ngay cả khi ăn cùng một chế độ dinh dưỡng, một số người sẽ đại tiện thường xuyên hơn những người khác. Lời khuyên của bác sĩ Jarvis là nên theo dõi thói quen "đi nặng" để biết khi nào cần tìm đến trợ giúp y tế.
Bác sĩ Sarah Jarvis cũng đưa ra 5 triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh ung thư đại trực tràng, gồm:
- Chảy máu từ hậu môn hoặc máu lẫn trong phân
- Thói quen đi vệ sinh bị xáo trộn, ví dụ như đại tiện thường xuyên hơn
- Đau hoặc nổi cục ở bụng
- Cực kỳ mệt mỏi
- Giảm cân bất thường
(Theo: The Sun)