Tân sinh viên "ngủ quên trên chiến thắng" và trượt dài trong học tập

Chia sẻ Facebook
03/07/2023 21:26:48

Từ bỡ ngỡ đến “ngủ quên” trên chiến thắng là tình trạng chung của hầu hết các bạn tân sinh viên khi bước vào cổng trường đại học. Làm thế nào để giữ được phong độ học tập và sau 4 năm hãnh diện cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học được nhà tuyển dụng săn đón?


Sau cánh cổng Đại học, Cao đẳng là cả một chân trời mới đối với các bạn tân sinh viên. Đây là khoảng thời gian đẹp đẽ để các bạn Cột Sống Gen Z xả stress sau 12 năm miệt mài đèn sách, thức thâu đêm hồi hộp chờ điểm thi. Cuộc sống sinh viên những ngày đầu có nhiều điều mới mẻ để các bạn khám phá, tìm hiểu và tận hưởng.

Tuy nhiên các bạn đừng mải ngủ quên trên chiến thắng bởi quãng đời sinh viên trôi đi nhanh lắm. Nếu không biết sử dụng thanh xuân vào những việc có ích, bạn sẽ tự biến mình thành những kẻ thua cuộc, bị thời đại bỏ rơi tụt lại phía sau. Thực tế, số phận tương lai mai sau thế nào phụ thuộc vào chính nỗ lực ngày hôm nay của bạn quyết định.

Nhiều người mải mê xả stress sau khi thi đại học xong. (Ảnh minh họa: Zingnews)


Bị hấp dẫn bởi nhiều thứ mới mẻ


Không ít tân sinh viên khi đậu đại học xong vẫn còn nguyên cảm giác sung sướng, dễ bị “ngủ quên trên chiến thắng” với ảo tưởng rằng mình giỏi giang, mình vất vả cả một thời gian dài ôn thi nên phải nghỉ ngơi để “xả hơi”. Rồi nghe đâu đó ai nói “học đại học sướng hơn phổ thông nhiều, thi đại học mình còn làm được chứ nói gì đến học đại học, đằng nào ra trường cũng kiếm được việc, trẻ không chơi già hối hận đấy…” , không ít bạn trẻ mang suy nghĩ như thế.

Từ những vùng quê lên các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…để học. Cuộc sống xa nhà lại không có sự quản lý của gia đình dễ dẫn đến tâm lý thoải mái để các bạn tha hồ “thích gì làm đấy”. Nhưng cũng chính từ đây nhiều bạn đã trượt dài bởi sa vào những tệ nạn mà hệ lụy đó là phải bỏ học vì nợ môn không thể trả.

Sống xa nhà thoải mái vui chơi không bị quản lý. (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Hoàng Duy Nam từ Bắc Ninh lên Thủ đô học được nửa tháng nay. Trượt nguyện vọng 1 vào trường đại học Kinh tế quốc dân với số điểm sít sao, Nam vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Luôn nghĩ điểm số của mình khá cao, nên Nam cho rằng, hơn 1 năm trời thức khuya, dậy sớm “dùi mài kinh sử” nên giờ Nam có quyền nghỉ ngơi, thư thả vài tháng rồi tiếp tục học cũng chưa muộn.


Tối nào Nam cũng kéo bạn bè đến kín phòng trọ để tán gẫu tới quá nửa đêm. “Ở nhà có bố mẹ nên không bao giờ được đi chơi quá 22 giờ nhưng ở đây một mình, bố mẹ không quản lý nên mình thấy tự do, giao lưu bạn bè đến 1, 2 giờ đêm vẫn thoải mái. Mình nghĩ vui là được, miễn không sa đà vào con đường tệ nạn” , Nam cho hay.

Tự do giao lưu bạn bè. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Chật vật với hàng chục tín chỉ nợ, Hưng, 23 tuổi, lỡ hẹn ra trường đã hơn một năm. Ngay từ năm thứ nhất đại học, nam sinh ngành Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, bắt đầu nợ môn và thi lại liên miên.


"Tính sơ qua từ năm nhất đến nay em cũng học lại khoảng 30-40 tín chỉ" , Hưng nói, cho biết sau bốn năm vẫn nợ hơn 10 môn học, gồm cả môn đại cương và chuyên ngành, như Toán cao cấp, tiếng Anh, Kế toán ngân hàng, Nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng. Vì thế, nam sinh chưa thể ra trường vào tháng 6/2023 như các bạn bè cùng khóa.

Ra trường muộn vì nợ môn. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Không chỉ rơi vào tình trạng nợ môn, nhiều sinh viên còn phải trả giá đắt bởi số nợ khổng lồ không có cách nào xoay sở được. Trường hợp của  Lan (Sinh viên Học viện Ngân hàng) là một ví dụ. Là tân sinh viên có lí lịch tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và thi đỗ đại học với số điểm cao khiến bố mẹ đặt hết niềm tin vào Lan. Xuất thân trong gia đình nghèo khó ở vùng quê Thái Bình nhưng khi lên Đại học cô thay đổi tính nết đến chóng mặt.


Có chút nhan sắc và chiều cao lí tưởng, cô tặc lưỡi nghĩ: “Không diện thì phí và đánh mất nhiều cơ hội” nên vay tiền lung tung để mua sắm. Ban đầu chỉ là tiền trăm nghìn của bạn bè cùng lớp nhưng dần dần mức tiền vay đẩy lên hàng triệu và chục triệu. Không ai có cho vay, Lan cắm thẻ sinh viên vay nặng lãi ở những tiệm cầm đồ nhưng vẫn vui vẻ khi có người chỉ trỏ nói cô là “hot girl”.

Đến kì trả thấy cô ì ra không ý kiến gì, chủ nợ dọa sẽ mang chuyện này báo với nhà trường, không còn cách nào khác cô phải gọi điện về cầu cứu gia đình. Bố mẹ khóc hết nước mắt, có gì trong nhà mang bán thống bán tháo hết mong trả nợ để con không bị đuổi học.

Nợ nần vì ăn diện quá đà. (Ảnh minh họa: Gia Đình)


Chủ động mới thành công

Khác với Nam, Hưng và Lan, ngay từ những ngày đầu nhiều tân sinh viên Võ Trần Đông Dương đã lên kế hoạch học bài và ôn bài rất chăm chỉ. Ngoài thời gian học, Dương còn đưa ra các dự kiến cho bản thân và lịch học tập, vui chơi, trau dồi kiến thức rất khoa học. Dương tìm hiểu và đăng ký thêm khóa học ngoại ngữ để bổ trợ cho công việc sau khi ra trường.

Xuất phát điểm với lợi thế là chàng trai đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn tin học tỉnh Tây Ninh, Võ Trần Đông Dương đã chinh phục Khoa Khoa học và kỹ thuật Thông tin của UIT một cách ấn tượng. Đông Dương liên tiếp tham gia các công trình nghiên cứu khoa học với bạn bè và thầy cô trong khoa, trở thành cái tên vàng khi góp mặt trong 4 bài báo khoa học lớn nhỏ đăng trên các tạp chí uy tín hàng đầu của ngành IT. Cậu còn để lại ấn tượng sâu sắc khi đạt chứng chỉ IELTS 7.0 để xét chuẩn đầu ra. Đông Dương còn chinh phục khóa luận tốt nghiệp với số điểm tuyệt đối và trở thành Tân thủ khoa tốt nghiệp toàn diện ngành Khoa học Dữ liệu đợt 1 năm 2023 với điểm tích lũy 8.96.

Đông Dương chụp ảnh cùng bạn bè và gia đình trong ngày tốt nghiệp. (Ảnh minh họa: UIT)

Đông Dương không giấu nỗi sự mãn nguyện về những quả ngọt mà mình đã hái được. Đây là món quà của sự nỗ lực chăm chỉ để bố mẹ và người thân cảm thấy tự hào về Dương. Dương nghĩ rằng, dù xuất phát điểm mỗi người có thể khác nhau, nhưng sự kiên trì và có mục tiêu rõ ràng mới là thứ đẩy bản thân đi lên. Cá nhân Dương thường gặp khó khăn sau mỗi lần đạt một thành tựu. Lúc đó mình cảm thấy tự mãn, mất đi nhiệt huyết và nghĩ mình có thể làm điều gì đó dễ dàng nên không cần làm ngay, dẫn đến hiệu quả công việc và học tập giảm đi. Lúc ấy, cậu rất may mắn khi nhận được những lời nhắc khéo của bạn bè, giúp Dương nhận ra mình còn rất nhiều thứ phải học, mình chưa là gì cả để mà khẩn trương và tập trung tinh thần vào học tập hơn.

Bạn Thanh Thảo, cựu sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, vào đại học nhiều khác lạ so với hồi học THPT. Lên đại học, chân trời kiến thức mở ra, việc học trên giảng đường không chỉ đơn thuần là thầy đọc, trò chép. Để không bị lỡ nhịp học thì tân sinh viên cũng phải có phương pháp khoa học tối ưu. Vì vậy, thay vì nghỉ xả hơi sau khi đỗ đại học, các bạn cần phải lên kế hoạch học tập ngay từ buổi học đầu tiên. Nếu học hành nghiêm túc và chăm chỉ, các bạn sẽ được hưởng thành quả xứng đáng khi ra trường.

Cuộc sống đại học nhiều khác lạ so với hồi học THPT. (Ảnh minh họa: Careerbuilder)

Thầy Nguyễn Ngọc Lân, giảng viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, học đại học không chỉ là kiến thức trên giảng đường mà còn là kiến thức trong những cuốn sách, ngoài đời sống, là những kỹ năng mềm như nói trước đám đông, làm việc nhóm... Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng có thể học từ bạn bè, anh chị đi trước để có nhiều kinh nghiệm, va vấp.


Điều mà sinh viên học được nhiều nhất là tham gia nhiều hoạt động và học các kỹ năng mềm từ những hoạt động của nhà trường, của Đoàn, Hội. Câu lạc bộ sinh viên hay nhóm hoạt động nào đó của trường là nơi bạn có nhiều cơ hội để thể hiện cũng như trau dồi kỹ năng cho bản thân. Vì vậy, các bạn tân sinh viên hãy nhiệt tình tham gia các hoạt động, các bạn có thể đi nhiều nơi để khám phá ra bản thân mình, từ đó có động lực phấn đấu, có kế hoạch phát triển rõ ràng hơn. Những cọ sát bổ ích này đều mang lại giá trị trong học tập cho sinh viên nói chung và độc giả tại YAN nói riêng. Bạn sẽ tự học được nhiều hơn, tự tin lên rất nhiều.

Tích cực tham gia nhiều hoạt động. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Tuổi trẻ còn sức lực, còn nhiều thời gian để xây dựng cuộc đời, không nên bi quan, chán nản, mang tư tưởng thất bại, không làm được cách này thì tìm cách khác, không trong thời gian này thì thời gian khác. Sinh viên phải thực hiện được mục tiêu mà mình đã đặt ra.

Tình trạng sinh viên bỏ học vì nợ môn, nợ tiền đã và đang là vấn đề nan giải làm đau đầu nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên cho đến nay, điều này vẫn chưa lắng xuống khiến nhiều sĩ tử lâm vào cảnh “nửa đường đứt gánh”.

Đối với nhiều gia đình con cái đỗ đại học là chuyện vui nhưng không ít những chuyện khóc dở mếu dở sau đó. Nhiều sinh viên đã trở thành gánh nặng cho gia đình vì đánh mất chính mình, lao vào những thú vui vô bổ. Vì thế lời khuyên mỗi sinh viên nên nhìn lại chính bản thân mình để có thái độ sống tích cực, không nên sa vào các tệ nạn… để rồi đánh mất cả tương lai.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook