Tản mạn về sự tương thông giữa thi ca và âm nhạc
Thơ đều có vần luật và tiết tấu khác nhau, khi đọc lên cũng rất thuận miệng, các thủ pháp miêu tả trong thi ca và sáng tác âm nhạc...
Thi ca tương thông với rất nhiều môn nghệ thuật. Trước kia tất cả những bài thơ cổ đều có thể ngâm vịnh. Ví như “Kinh Thi” được chia thành ba loại khúc là Phong, Nhã, Tụng, lần lượt được ngâm vịnh tại những địa điểm khác nhau cho người dân, giới quý tộc và thiên tử thưởng thức. Tất cả những dòng thơ đều có vần luật và tiết tấu khác nhau, khi đọc lên cũng rất thuận miệng, cũng dễ dàng có thể phổ nhạc. Ngoài ra, các thủ pháp miêu tả trong thi ca và thủ pháp sáng tác âm nhạc cũng có sự tương đồng.
Phương pháp thể hiện của thơ được chia ra làm ba loại: Phú, Tỉ, Hứng. Ba thủ pháp này làm rõ mối quan hệ giữa hình tượng và tình ý trong thơ. Trong “Thi Tập Truyện” , Chu Hy nói: “Phú là bộc bạch sự việc một cách thẳng thắn; Tỷ là so sánh vật này với vật khác; Hứng là trước tiên nói về vật khác để dẫn dắt đến ca từ cần ngâm vịnh.”
“Phú” là thủ pháp nói trực diện về sự việc cần biểu đạt. Điều này tương tự như múa Ba-lê và những tác phẩm hát kịch trong âm nhạc phương Tây, ví như “Hồ Thiên Nga” , “Người đẹp ngủ trong rừng” của Tchaikovsky; “Romeo và Juliet” của Prokofiev; “Cô bé lọ lem” , “Nàng hề” của Bizet, v.v..
Những tác phẩm này đều được viết theo những tình tiết kịch tính đặc thù, từng đoạn nhạc và động tác ca vũ kết hợp với nhau một cách hoàn mỹ. Ca khúc mở màn vang lên đồng nghĩa với việc nhân vật chính xuất hiện trên sân khấu. Những giai điệu sống động làm nền cho màn trình diễn kịch tính trên sân khấu. Dẫu không nhìn thấy màn trình diễn trên sân khấu cũng có thể hiểu được tình tiết của câu chuyện từ âm nhạc.
“Tỷ” là thủ pháp dùng một sự vật khác để ví von với sự vật cần miêu tả. Thủ pháp quen thuộc của các nhạc sĩ là sử dụng những loại nhạc cụ khác nhau, để biểu đạt những hình tượng và khung cảnh khác nhau.
Ví như trong “Lễ hội muông thú” (Le Carnaval des Animaux) của Saint-Saëns thì toàn bộ tác phẩm dùng những loại nhạc cụ khác nhau để khắc họa những loài động vật khác nhau. Những nốt móc kép san sát lướt nhanh của violon mô tả hình tượng gà mổ thóc, hợp âm rải đi lên của piano mô phỏng tiếng gà trống gáy, khúc hòa tấu trầm ổn của công-tra-bát mô phỏng hình ảnh những chú voi bước đi chậm rãi. Âm sắc của những loại nhạc cụ khác nhau, sự nhanh chậm của giai điệu, dài ngắn của nốt nhạc, lớn nhỏ trong âm lượng đều được dùng để khắc họa các loài động vật. (Xem bài: Tổ khúc “Lễ hội muông thú”: Khi trò đùa âm nhạc trở thành di sản )
“Hứng” là dùng những sự vật khác để dẫn dắt tới sự vật cần miêu tả. Thủ pháp này hầu như đều xuất hiện trong tất cả các tác phẩm âm nhạc, là phương thức chủ yếu mà các nhạc sĩ biểu đạt tình cảm của bản thân.
Chẳng hạn “Huyền thoại” (Légende) là một bản độc tấu violin nổi tiếng của Henryk Wieniawski, một nhạc sĩ tài hoa người Ba Lan. Bản nhạc có kết cấu đơn giản, giai điệu du dương, dễ nghe hơn những bản violon thông thường. Đây là bản nhạc mà nhạc sĩ sáng tác để cầu hôn. Chủ đề chính của khúc nhạc là một giai điệu tuyệt đẹp mà bi thương, đã lột tả hết nỗi thống khổ và u uất trong lòng người nhạc sĩ.
Giữa hai chủ đề lại xen vào một khúc nhạc nhanh tràn đầy niềm tin và kỳ vọng, làm nổi bật sự so sánh giữa mộng tưởng và sự mong mỏi của nhạc sĩ. Dường như chàng đang thỉnh cầu cha mẹ nàng tán thành cho đôi trẻ. Cha mẹ cô gái vốn dĩ phản đối chuyện hôn sự của nàng với người nhạc sĩ, nhưng sau khi nghe xong khúc nhạc này đã cảm động sâu sắc, bội phục tài năng của nhạc sĩ, cuối cùng cũng tán thành chuyện hôn sự.
Rất nhiều bài thơ không chỉ giới hạn trong một thủ pháp miêu tả, tác giả thường sử dụng đan xen 3 loại thủ pháp trên, khiến tác phẩm mang màu sắc phong phú, âm hưởng xúc động lòng người. Âm nhạc cũng không ngoại lệ. Ba thủ pháp này đều có sở trường riêng của mình, đủ để các nhạc sĩ thể hiện những cung bậc cảm xúc. Khi kết hợp lại, chúng sẽ tạo ra một tác phẩm hoàn mỹ, với những tầng sắc thái và tình cảm chứa chan, để lại cho hậu thế những kiệt tác khó quên cùng sự lĩnh ngộ và cảm thụ vô hạn.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Viên Cảnh
Nghệ sĩ Violin trong Đoàn nghệ thuật ShenYun
Thiên Cầm biên dịch
Có nhạc giao hưởng phương Đông cổ đại không?
Mời xem video :