Tản mạn về quả đào và công dụng kéo dài tuổi thọ
Theo cổ thư ghi chép, đào vốn là thức ăn của Thần tiên, gọi là quả đào tiên hoặc quả bàn đào. Tất nhiên loại quả này không phải quả...
Cổ nhân rất tôn kính người già, người lớn tuổi, rất nhiều nơi đều có phong tục tổ chức lễ mừng thọ 60, 70, 80 tuổi… vô cùng long trọng cho ông bà cha mẹ trong gia đình. Và quả đào là một lễ vật không thể thiếu trong những ngày vui đó.
Trong lễ mừng thọ, trên đầu của quả đào thường được nhuộm một chút màu đỏ cho giống với quả đào tiên. Một số gia đình còn dán hoặc trang trí những bức tranh có hình vẽ quả đào, gắn liền với các tích tam lão, bát tiên thượng thọ, bàn đào hiến thọ… để làm tăng thêm không khí vui tươi. Những người bạn đến chúc mừng cũng tặng chủ nhân đào thọ. Thậm chí trong lời chúc thọ hay lời ca chúc thọ cũng có nhắc đến đào.
Theo cổ thư ghi chép, đào vốn là thức ăn của Thần tiên, gọi là quả đào tiên hoặc quả bàn đào. Tất nhiên loại quả này không phải quả đào chốn nhân gian, nhưng về hình thức thì “đại đồng tiểu dị” , không có khác nhau nhiều ngoại trừ kích thước. Trong “Sơn Hải kinh” có ghi chép về loại quả này, và có lẽ là ghi chép cổ nhất còn tồn tại về đào tiên. Theo Thần thoại, đào tiên là hoa quả mà Thần tiên thường dùng để đãi khách.
Trong “Thần dị kinh” viết rằng ở phương Đông có một loại cây cao năm mươi trượng, tên gọi là đào. Cây này có quả là loại thức ăn rất ngon và giúp con người tăng thêm tuổi thọ. Trong “Thập di ký” cũng viết người ăn đào có thể kéo dài thêm tuổi thọ. Bởi vì đào tiên có thể kéo dài tuổi thọ, có công dụng trường sinh bất lão, nên nó dần dần mang ý nghĩa đại biểu cho sự trường thọ. Hình ảnh ông Thọ trong truyền thuyết thường là một ông cụ cầm trong tay quả đào tiên.
Cây đào tiên còn được xưng là “thần thụ tiên mộc” , có thể áp chế tà khí, có tác dụng trấn trạch trừ tà. Dân gian thường dùng gỗ cây đào làm bản viết câu đối trấn giữ nhà. Kiếm làm bằng gỗ đào được coi là pháp khí của đạo sĩ. Có thể nói cây đào là loại cây “Trên thông với Thần, dưới trấn áp quỷ” , là loài cây Thần linh ưu ái ban tặng cho người.
Truyền thuyết dân gian về cây đào và quả đào có rất nhiều. Một truyền thuyết kể rằng vào thời Chiến quốc, lúc 18 tuổi, Tôn Tẫn vì muốn học được binh pháp đã rời quê nhà sang nước Tề, đến núi Vân Mông xa xôi bái Quỷ Cốc Tử làm thầy. Một năm nọ vào ngày mồng 5 tháng 5, Tôn Tẫn nhớ đến sinh nhật của mẹ nên đã xin Quỷ Cốc Tử được về quê thăm mẹ.
Quỷ Cốc Tử hái một trái đào tiên đưa cho Tôn Tẫn và dặn rằng: “Trái đào này ta không tuỳ tiện tặng cho ai. Con đi học phương xa chưa báo hiếu được cho mẹ, nay ta tặng con trái đào này về nhà dâng lên cho mẹ.”
Tôn Tẫn bái tạ, từ biệt Quỷ Cốc Tử lên đường trở về nhà. Tôn Tẫn về đến nhà đúng vào lúc trong nhà đang chuẩn bị chúc mừng mẹ ông thọ 80 tuổi. Nhìn thấy mẹ, Tôn Tẫn cảm thấy vô cùng xúc động.
Xa mẹ 12 năm nay mới trở về, Tôn Tẫn lấy trái đào của Quỷ Cốc Tử tặng dâng lên cho mẹ. Mẹ của Tôn Tẫn vui mừng nhận lấy, ăn một miếng và nói: “Đào này ăn ngọt hơn mật!”
Ngay khi còn chưa ăn hết trái đào ấy, dung nhan của mẹ Tôn Tẫn đã biến đổi lạ thường. Đầu tóc, mắt, răng, da mặt của bà đều trở nên trẻ lại. Cả nhà Tôn Tẫn đã vô cùng vui mừng.
Từ đó về sau, con cái hiếu thuận muốn cha mẹ mình mạnh khoẻ sống lâu đã bắt chước Tôn Tẫn, đến dịp mừng thọ cha mẹ thì dâng tặng trái đào để chúc thọ. Ở một số nơi, vì không phải lúc nào đào cũng ra quả, hoặc vì không có sẵn loại quả này, nên người ta đã dùng bột nặn thành quả đào. Cứ như vậy, đào đã dần dần trở thành một vật cát tường may mắn không thể thiếu trong lễ mừng thọ của người xưa.
Còn có một truyền thuyết khác liên quan đến đào. Chúng ta biết rằng trong Thần thoại, Tây Vương Mẫu là chủ nhân của vườn bàn đào. “Thái Bình Quảng Ký” còn chép lại truyền thuyết rằng Tây Vương Mẫu đã tặng kinh sách cho Hán Vũ Đế để ông tu luyện. Bên cạnh đó, Tây Vương Mẫu còn ban thưởng cho Hán Vũ Đế đào tiên. Hán Vũ Đế rất tôn sùng Đạo, ông cũng là một vị Hoàng đế sống thọ, 69 tuổi mới qua đời. So với đại đa số Hoàng đế Trung Hoa thì ông được coi là sống rất thọ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Thập trường sinh đồ: Khát vọng trường thọ của phương Đông
Mời xem video :