Tản mạn về hình ảnh sư tử đá trong kiến trúc của người xưa
Người xưa tin rằng sư tử đá có thể trấn áp tà ma, nên thường sử dụng nó trong các lăng mộ, rồi dần dần tới các công trình kiến trúc khác...
Trong cuộc sống thời xưa tại phương Đông, trước cổng nhà ở hay các công trình kiến trúc thường xuất hiện một hoặc hai con sư tử đá canh giữ. Chúng ta biết rằng con rồng luôn là biểu tượng linh thiêng nhất, quyền quý nhất trong tâm linh của người phương Đông, vậy vì sao người ta không đặt rồng làm linh vật trấn giữ cổng mà lại đặt sư tử đá?
Kỳ thực vào thời cổ xưa hơn, những con linh vật trấn giữ cổng công trình không phải là những con sư tử đá mà là những con kỳ lân. Truyền thuyết kể rằng kỳ lân là con vật canh giữ hang động của Thần tiên. Do đó người xưa sử dụng nó để trấn trạch, hy vọng kỳ lân có thể bảo hộ con người. Lúc mới đầu, kỳ lân được dùng trong các kiến trúc lăng tẩm, về sau nó được dùng phổ biến để canh giữ nha môn là nơi xét xử.
Còn về sư tử đá, người xưa cho rằng nó có thể xua ma đuổi quỷ, cho nên lúc đầu, họ đã dùng chúng để trấn giữ lăng mộ. Sau này vì cho rằng sư tử đá giúp tránh tà, nên người ta dần dần đặt sư tử đá ở cổng lớn để canh giữ gia đình hay ở cổng thôn làng hoặc các giao lộ, cho rằng chúng có thể ngăn chặn những điều xấu đến với dân làng, bảo hộ dân làng bình an.
Còn về rồng, người phương Đông cho rằng nó là con vật quyền thế và tôn quý. Chỉ có Hoàng đế và một số nhân vật hoàng gia mới được sử dụng hình tượng con rồng. Do vậy người xưa không thể đặt rồng ở trước cổng để canh giữ nhà cho mình được. Cũng chính vì lẽ đó mà dân gian không được phép tùy tiện sử dụng con rồng, mà phổ biến dùng sư tử đá.
Trong các cung điện, vương phủ, nha môn thời cổ đại đều có đặt rất nhiều sư tử đá. Ngoài để bảo hộ gia chủ, thì nó còn thể hiện ra quyền thế và sự tôn quý của của chủ nhân. Trước cửa lớn của Thiên An Môn ở Bắc Kinh cũng có hai con sư tử đá oai phong trấn giữ. Nó không chỉ để bảo vệ hoàng thành mà còn bao hàm ý nghĩa rằng, sự tôn quý của Hoàng quyền là uy chấn tám phương, không gì có thể xâm phạm.
Ngoài ý nghĩa tránh tà và thể hiện quyền thế, sư tử đá còn là vật trang trí trong kiến trúc thời cổ đại. Cầu Lư Câu được xây dựng và bảo trì qua các đời nhà Kim, Nguyên, Minh, Thanh, được chạm khắc hơn 400 con sư tử đá lớn nhỏ khác nhau, mang phong cách kiến trúc của nhiều triều đại, vì thế mà trở nên nổi tiếng, trở thành tinh phẩm của nghệ thuật kiến trúc. Marco Polo đã nhận xét về cầu Lư Câu như sau: “Bắc qua sông này có một cây cầu bằng đá rất đẹp, quả thực rất đẹp, rất hiếm thấy trên thế giới”.
Việc trang trí sư tử thời Minh Thanh về sau cũng phân chia ra phong phú hơn. Thường thường sư tử đực bài trí bên trái cửa (bên trái ứng với dương), dưới chân có quả tú cầu, biểu hiện cho quyền lực vô hạn. Sư tử cái được trang trí bên phải (bên phải ứng với âm), ở dưới chân có sư tử con, biểu trưng cho con cháu đủ đầy.
Ngoài ra, trong hội họa dân gian cũng có rất nhiều các bức vẽ, tác phẩm thêu về sư tử. Hình ảnh “Sư tử đùa giỡn với quả tú cầu” là biểu thị nguyện vọng được sống trong thái bình, tường hòa và tốt đẹp của người xưa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Ngũ hành trong kiến trúc của người xưa
Mời xem video :