Tản mạn về chữ “Nghĩa” trong lý niệm của cổ nhân

Chia sẻ Facebook
10/02/2023 07:36:49

Các bậc tiền nhân đã ở trong hoàn cảnh khác nhau mà đặt định cho hậu thế nội hàm bao la của chữ “Nghĩa”, trở thành những tấm gương...

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Các bậc hiền đức thời xưa đều có tín niệm kiên định phi thường, không bởi vì lâm vào nghịch cảnh, không bởi vì đối mặt với sinh tử, không bởi vì cám dỗ trước công danh lợi lộc mà vứt bỏ tiết tháo, phẩm chất, nhân nghĩa của mình. Họ, nam có, nữ có, đã ở trong các hoàn cảnh khác nhau mà đặt định cho hậu thế nội hàm bao la của chữ “Nghĩa”, trở thành những tấm gương trung trinh, liệt nghĩa cho người đời sau.

(Ảnh: Aphotostory, Shutterstock)


Chữ “Nghĩa” (義) ở dạng phồn thể bao gồm chữ “ngã” (我) ở dưới chữ “dương” (羊). Vào thời xưa, “dương” hay con dê là con vật dùng để tế Trời, thể hiện sự hiến dâng. Còn chữ “ngã” là ta, là “cái tôi” . Chữ “ngã” đặt ở dưới chữ “dương” mang hàm nghĩa rằng con người ta có thể quên đi bản thân mà hiến dâng cho điều cao quý, cho chính đạo trong Trời đất.


Xưa kia, khi bị áp giải đến Yên Kinh vì chống quân Nguyên Mông, Văn Thiên Tường đã từng viết:


Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.


“Đời người xưa nay ai không chết? Lưu lại lòng son rọi sử xanh” , hai câu này đã trở thành một áng thơ tuyệt mỹ để tỏ bày lòng tin chính nghĩa không thể lu mờ. Nhìn lại dòng sông dài lịch sử, những cá nhân cao quý như vậy không thời nào là không có.

Hơn 100 năm trước, cụ Phan Thanh Giản vì không giữ được thành Vĩnh Long mà vào một chòi tranh, tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống á phiện với dấm thanh để tự vẫn trong sự van xin của con cháu.

Cụ Hoàng Kế Viêm là phò mã nhà Nguyễn, bác dượng vua Tự Đức, thế mà chống lệnh triều đình, nhiều năm dẫn quân chống Pháp, lại ngầm giúp đỡ các cuộc khởi nghĩa, khiến người Pháp phải kính sợ.

Hơn 200 năm trước, tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu không giữ nổi thành Bình Định, một người tự thiêu, một người uống thuốc độc tự sát, để khỏi liên lụy binh lính toàn thành.


Đôi vợ chồng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu kiên tâm chống giữ nhà Tây Sơn. Đến khi bị bắt, được vua Gia Long gia ân mà Trần Quang Diệu vẫn tạ từ: “Nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu” , để rồi bị giết.

Hơn 600 năm trước, Lê Lai mặc áo vàng, dẫn hai con voi và 500 quân tới trại giặc khiêu chiến, dũng cảm đánh cho đến khi bị bắt, bị xử cực hình cực ác, vậy mà chưa từng hé răng. Tất cả chỉ vì để Lê Lợi thoát đi, sau này đánh bại quân Minh, lập ra triều đại quân chủ thịnh thế nhất trong lịch sử đất nước.

Hơn 700 năm trước, Trần Tử Đức dẫn quân Ngũ Yên tinh nhuệ chặn giặc Nguyên Mông, phía sau lưng ông, vua Trần rút lui tổ chức quân đội, dân chúng thành Thăng Long khẩn trương di tản. Sau hơn 10 ngày chặn giặc làm tròn nhiệm vụ, bị giặc vây, ông tuẫn quốc. Phu nhân của ông là Bùi Thiệu Hoa dẫn quân đến nơi an toàn, làm lễ tế chồng, rồi tự tử chết theo.

Trên bình diện cá nhân mà nói, con người khi sinh ra chỉ có một tấm thân trần, khi chết đi cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Dẫu đứng trên đỉnh cao của tiền tài, danh vọng, phú quý, tới khi nhắm mắt xuôi tay hết thảy đều về không. Điều có thể lưu lại chính là tấm lòng nhân nghĩa.


Thời cổ đại, các cuộc chinh chiến, thảo phạt, dẫu là dùng bạo lực và đánh giết làm phương tiện, cũng vẫn phải lấy điều kiện tiên quyết là “Nghĩa” . Bởi vậy Mạnh Tử nói: “Ta nghe Chu Vũ Vương có giết một kẻ thất phu tên là Trụ chớ chưa hề nghe nói giết vua bao giờ”. Chu Vũ Vương là vị vua sáng lập triều Chu trong lịch sử. Trụ Vương là vị vua cuối cùng của nhà Thương. Chu Vũ Vương khởi binh đánh vua Trụ vô đạo, sau đó lên ngôi vua. Mạnh Tử cho rằng vì Trụ Vương vô đạo, nên không còn được coi là vua nữa, người có đức hạnh lên thay là hợp với đạo Trời, chính là “Nghĩa” vậy.


Các tác phẩm của cổ nhân không phải tác phẩm nào cũng có thể lấy tên là “diễn nghĩa” . “Phong thần diễn nghĩa” , “Tam Quốc diễn nghĩa” , “Tùy Đường diễn nghĩa” , những tác phẩm này được xưng là “diễn nghĩa” . “Tây Du Ký” chỉ có thể được gọi là “ký” , “Thủy Hử truyện” cũng chỉ có thể được gọi là “truyện” .


Vì sao lại được gọi là “diễn nghĩa” ? Chính là làm rõ hàm ý của chữ “Nghĩa” này. “Phong thần diễn nghĩa” mô tả việc Khương Tử Nha phò tá Chu Văn Vương thảo phạt nhà Thương, đem lại chính nghĩa cho thế gian. “Tam Quốc diễn nghĩa” mô tả cách hành xử chí tình của các cá nhân kiệt xuất tại Ngụy, Thục, Ngô trong thời loạn thế Tam Quốc. “Tùy Đường diễn nghĩa” cũng là lấy lòng yêu thương dân chúng của Lý Thế Dân làm nền tảng chủ đạo. Lương Sơn anh hùng của “Thủy Hử truyện” mặc dù tự xưng là thay Trời hành đạo nhưng lại là một nhóm cường đạo, không thuộc về chính nghĩa, nên chỉ là “truyện” . “Tây Du Ký” mặc dù là ngay chính nhưng không có ý đồ làm rõ nội hàm của chữ “Nghĩa” này nên mới xưng là “ký” .


Có thể thấy rằng trong lý niệm của cổ nhân, dẫu là ở phương diện cá nhân hay ở phương diện xã hội thì “Nghĩa” là sự vô tư vô ngã, phù hợp với chính đạo, phù hợp với Thiên đạo. Bởi vì “Nghĩa” là thể hiện của thiên đạo, cho nên xưa nay con người luôn tin tưởng vững chắc rằng chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng tà ác. Bảo vệ chính nghĩa cũng là trách nhiệm của mỗi người.


Ngày nay, người ta thường nghĩ rằng: Ta sống tốt, ta cũng không hại ai hết, ta là người lương thiện. Nhưng như thế nào mới là thiện lương đây? Thời điểm giao tranh giữa cái thiện và cái ác, cái chính và cái tà, cái đúng và cái sai, nếu như ai im lặng trước chính nghĩa thì cũng bằng như ủng hộ cái phi nghĩa. Mỗi người không thể thờ ơ trước lựa chọn của bản thân, bởi đó chính là lựa chọn tương lai, là đang tự “diễn nghĩa” cho chính mình.


Thanh Phong

Hàm nghĩa sâu xa của “Chính trị” trong lý niệm cổ nhân


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook