Tản mạn về “bản lĩnh đàn ông” trong văn hóa truyền thống
Mỗi khi nhắc đến "bản lĩnh đàn ông" ngày nay, người ta chỉ liên tưởng tới những điều tầm thường thay vì nói tới hình tượng "đầu đội trời...
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Trong xã hội hiện đại ngày nay, không ít người là nam giới nhưng biểu hiện lại giống nữ giới ở rất nhiều phương diện, thậm chí khuyết thiếu nghiêm trọng khí chất mạnh mẽ và tinh thần gánh vác. Trong gia đình, rất nhiều gia đình hiện đại cũng khuyết thiếu sự giáo dục của người cha, thông thường người mẹ trở thành người dạy dỗ chính dẫn tới uy nghiêm không đủ. Về cá nhân, rất nhiều nam giới cũng thiết khuyết chí hướng, thiếu khuyết sự rèn luyện tu dưỡng. Bởi vậy mỗi khi nhắc đến “bản lĩnh đàn ông” ngày nay, người ta chỉ thường liên tưởng tới những điều tầm thường, thậm chí là chuyện sắc tình, thay vì nói tới hình tượng “đầu đội trời, chân đạp đất”.
Trong “Tả truyện” viết: “Cao nhất là lập đức, tiếp đến là lập công, sau nữa là lập ngôn, như vậy dù thời gian trôi đi lâu dài cũng không bị xóa nhòa, chính là trở nên bất hủ” . “Tam bất hủ” – lập đức, lập công, lập ngôn – là tiêu chuẩn của bản lĩnh đàn ông thời xưa. Nói cách khác, một người đàn ông có thành tựu được đức hạnh hay không, có kiến lập được công lao sự nghiệp to lớn hay không, có lưu lại được danh ngôn hay lời răn dạy gì không là rất quan trọng.
Mạnh Tử viết: “Công Tôn Diễn, Trương Nghi, chẳng phải là kẻ đại trượng phu sao! Nổi giận thì chư hầu sợ hãi, ngồi yên thì thiên hạ im lặng” . Ông cũng nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu” , phú quý không làm phóng túng được cái tâm của họ, bần tiện không thể thay đổi được khí tiết của họ, uy vũ không thể đè nén được cái chí của họ thì chính là đại trượng phu. Người đàn ông thời xưa sống trong ngôi nhà thiên hạ, đứng về phía chính đáng trong thiên hạ, làm những điều phải đạo, khi đắc chí thì giáo hóa dân chúng, lúc thất chí thì một mình giữ gìn đạo đức, cho dù bị phú quý hấp dẫn nghèo hèn bức bách hay uy vũ đe dọa cũng không thay đổi. Đó chính là bản lĩnh đàn ông.
Thi nhân Tô Thức cũng viết trong “Lưu Hầu Luận” rằng: “Người lập được việc lớn thời cổ không chỉ có tài hoa hơn người mà nhất định phải có cái chí không lay động” . Theo ông, đại trượng phu phải có hai phẩm chất kiệt xuất là tài hoa vượt trội và ý chí kiên định, sau đó mới có thể làm thành đại sự.
Trong “Chính khí ca” , Văn Thiên Tường, một thi sĩ nổi tiếng thời Nam Tống, thì nêu cao “chính khí” . Biểu hiện của chính khí mà Văn Thiên Tường nhắc đến chính là mạnh mẽ và uy vũ, dũng cảm vượt qua mọi chướng ngại. Ông nhắc đến rất nhiều phương diện biểu hiện của người quân tử thông qua tấm gương các nhân vật tại các triều đại.
Nữ tác gia thời Tống là Lý Thanh Chiếu khi đi ngang qua nơi Sở bá vương Hạng Vũ tự vẫn, đứng trước cảnh sông nước mênh mông, nhớ đến khí khái anh hùng của Hạng Vũ đã sáng tác “Hạ nhật tuyệt cú” , trong đó có câu rằng, “sống làm người hào kiệt, chết làm ma anh hùng” , như Hạng Vũ khi thua bại thì cảm thấy có lỗi với các tiền bối, thà chết giữa trận mạc chứ không một mình trốn về Giang Đông.
Hoa Nhị phu nhân, phi tần rất được sủng ái của Hậu Thục Hậu chủ Mạnh Sưởng, khi biết nhà Hậu Thục sắp vong quốc, còn viết: “Quân Vương cắm cờ hàng phục trên thành, thiếp ở thâm cung cũng biết chuyện gì, mười bốn vạn binh cởi áo giáp, không có một ai xứng là nam nhi” .
Không chỉ văn hóa phương Đông mà văn hóa phương Tây cũng có nhiều quan điểm về bản lĩnh của người đàn ông, gọi là “tinh thần quý tộc” hay “tinh thần hiệp sĩ” . Trong dân ca Anh có câu, Kỵ sĩ chân chính đều xem thường tiền bạc. Kỵ sĩ chân chính là người cao quý, chính trực, không thiên vị, không sợ khó, thậm chí có thể vì người khác mà hy sinh bản thân mình. Họ không chỉ là một người vẻ vang mà còn là một người có lương tri. Như vậy có thể thấy, tinh thần quý tộc không phải được thể hiện ở việc có nhiều tiền bạc hay có được địa vị cao trong xã hội.
Trong tiểu thuyết “Don Quijote” (Đôn Ki-hô-tê) của tác giả Miguel de Cervantes Saavedra người Tây Ban Nha có chỉ ra rất rõ những phẩm chất của người kỵ sĩ: đối xử tốt với kẻ yếu, dũng cảm chống lại cường bạo, chống lại hết thảy lỗi lầm, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giúp đỡ những người cầu xin, không làm thương tổn phụ nữ, giúp đỡ những kỵ sĩ là huynh đệ, đối đãi chân thành với bạn bè… Kỵ sĩ phương Tây cũng giống như hiệp sĩ của người phương Đông. Nó cũng giống như tinh thần của người học võ thời xưa, đều theo đuổi những điều cao quý.
Nói chung, trong ý niệm của cổ nhân, bản lĩnh của người đàn ông là cương nghị mạnh mẽ, theo đuổi những điều phi phàm, có trách nhiệm và khả năng gánh vác, có tình có nghĩa và không hèn nhát tham sống sợ chết. Đó chính là hình tượng mà nam giới hướng đến, cũng là hình tượng mà nữ giới ngưỡng mộ, muốn gửi gắm cuộc đời.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :