Tản mạn vài nét văn hóa truyền thống độc đáo của Hàn Quốc

Chia sẻ Facebook
31/07/2022 10:37:02

Taekkyeon - 택견 - là môn võ thuật cổ xưa của người Triều Tiên, Hàn Quốc. Những bức tranh tường trong các lăng mộ vương gia Cao Câu Ly...


1. Hàn Quốc có một loại búp bê cổ truyền làm bằng giấy dướng, được gọi là han-ji-inh-yeong – 한지인형 – hanja: 韓紙人形 (hàn chỉ nhân hình) – tiếng Anh: dak paper doll (dak hay dakjongi – 닥종이 – chính là tên loại giấy dướng truyền thống đó).

(Ảnh qua Blog.naver.com)

Cây Dướng thuộc họ Dâu Tằm, bộ Bông; khác với cây Dó thuộc họ Trầm, bộ Hoa Hồng – dù cùng cho ra các loại giấy dai, bền, đẹp.

Sau đây là sơ bộ cách thức để tạo nên những con búp bê này:

– Vê giấy ướt lại thành các que cứng làm khung búp bê.

– Xiên và độn các cục giấy ướt – lúc này không khác gì chất liệu đất nặn – theo khung để làm đầy đặn thân búp bê.

– Xé giấy, tẩm hồ đắp lên rồi chỉnh sửa, tô vẽ để tạo da dẻ, tóc tai, quần áo cho búp bê.

Như vậy, đây là loại búp bê nặn bằng giấy chứ không phải là búp bê gấp bằng giấy. Chúng mang một nét đẹp rất riêng so với các loại búp bê khác.


2. Haegeum – 해금 – hanja: 奚琴 (hề cầm) – là cây đàn nhị truyền thống của người Hàn Quốc. Nó có nguồn gốc từ cây đàn nhị của dân tộc Hề ở phía Bắc Trung Quốc.

Đàn nhị phương bắc cho ra những âm thanh thô tháo và vang nhức hơn đàn nhị phương nam. Quý vị có thể nghe thử bản nhạc truyền thống Arirang của người Hàn qua sự thể hiện của tiếng haegeum tại đây:


3. Taekkyeon – 택견 – là môn võ thuật cổ xưa của người Triều Tiên, Hàn Quốc.

Những bức tranh tường trong các lăng mộ vương gia Cao Câu Ly ở Samsil cho thấy Taekkyeon xuất hiện ngay từ thời Tam Quốc Triều Tiên, được truyền bá từ Cao Câu Ly sang Tân La. Tuy nhiên tác phẩm sớm nhất viết về Taekkyeon (Manmulbo – 萬物譜 – Vạn Vật Phổ – hay Jaemulbo – 才物譜 – Tài Vật Phổ, do Lee Sung Ji viết) đến tận năm 1790 mới xuất hiện.

Taekkyeon nói riêng cũng như võ thuật truyền thống Hàn Quốc nói chung chịu ảnh hưởng sâu sắc của giáo lý Phật giáo và Nho giáo, có thể tổng kết trong các câu:


사군이충 / 事君以忠 – Trung với bậc vua
사친이효 / 事親以孝 – Hiếu với người thân
교우이신 / 交友以信 – Tín với bè bạn
임전무퇴 / 臨戰無退 – Lâm trận không lùi
살생유택 / 殺生有擇 – Sát sinh đúng kẻ

Kỹ thuật trong Teakkyon rất đa dạng, bao gồm quyền, cước cho đến các đòn thế đấu vật như khóa, ném và tấn công bằng đầu. Thoạt nhìn, khi thi triển kỹ đòn thế, các võ sĩ hết sức mềm mại, uyển chuyển tựa như các vũ công, đặc biệt với kỹ thuật bước chân pumbalbgi (품밟기) không khác gì một điệu nhảy – nhưng thực tế những đòn đánh hết sức uy lực, có thể tàn phá các yếu huyệt của đối phương.

(Ảnh: National Research Institute of Cultural Heritage, Unesco)


Tập Taekkyeon người võ sinh sẽ phải học cách kiềm chế “cái tôi” trong mình, xem thường chuyện riêng tư, biết tôn trọng đối thủ và bảo vệ sự an nguy của mọi người. Người học môn võ này cần phải có Võ Đạo, phải biết nghĩ cho đối phương: dẫu có thể trấn áp đối thủ trong tích tắc, nhưng một cao thủ thực thụ sẽ biết cách khiến đối phương rút lui mà không cần tấn công.


4. Chúng ta thấy trong lễ cưới truyền thống Hàn Quốc, cô dâu mang trên gương mặt những chấm tròn đỏ. Chúng được gọi là gonji hoặc yeonji gonji – 연지곤지 (연지 – yeonji – hanja: 臙脂 (yên chi – phấn trang điểm).

Người ta trang điểm cho cô dâu như vậy bởi quan niệm rằng cô dâu sẽ được bảo vệ khỏi trúng tà, ma quỷ cũng sợ hãi tránh xa – tương tự như người Việt Nam chúng ta chấm đỏ lên ấn đường trẻ sơ sinh vậy.

(Ảnh: MDQueen, Shutterstock)


5. Hàn Quốc có một môn nghệ thuật truyền thống gọi là sagyeong – 사경- hanja: 寫經 (tả kinh). Đây là môn nghệ thuật sao chép tay các kinh sách Phật giáo, các câu chân ngôn ngắn của Đức Phật.

Bởi vì quá trình thực hành Sagyeong đòi hỏi sự tập trung cao độ và các kỹ thuật chuẩn xác, nên nó được xem là một phương pháp rất tốt để rèn luyện bản thân.

Về nghệ thuật, nó liên quan đến văn chương, cách hình tượng hóa và nghệ thuật thư pháp. Về mặt tinh thần, đó là một phương thức thiền định, thanh lọc tâm trí và thể hiện sự thành kính.

Xuất hiện tại Hàn Quốc vào đầu thế kỷ thứ IV, Sagyeong đã có 1.700 năm lịch sử. Sagyeong đã phát triển mạnh mẽ trong suốt triều đại Goryeo (918-1392), gần 500 năm, nơi mà toàn bộ Tam Tạng Kinh – 3 phần cốt lõi trong kinh điển của Phật giáo với khoảng 6.000 cuốn kinh điển, đã được ghi chép hơn 10 lần trong bản in bằng gỗ hoặc bằng bột vàng và bạc.

Bởi vì quá trình thực hành Sagyeong đòi hỏi sự tập trung cao độ và các kỹ thuật chuẩn xác, nên nó được xem là một phương pháp rất tốt để rèn luyện bản thân.

Sagyeong đạt đỉnh cao trong thế kỷ 12 và 13 khi các đại tạng kinh được khắc lên 81.258 khối in bằng gỗ từ năm 1236 đến năm 1251. Bộ sưu tập thánh thư này hiện nay chính là di sản thế giới được bảo tồn tại Haeinsa, một ngôi chùa ở Hàn Quốc. Với việc thực hành rộng rãi vào thời điểm đó, Sagyeong đã trở thành một trong ba di sản văn hoá đại diện cho triều đại Cao Ly cùng với gốm sứ men ngọc bích và các bức tranh Phật giáo.


Lê Quang


Xem thêm cùng tác giả :


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook