Tản mạn mùa chứng khoán xuống: Cảm thấy được yêu và nỗi nhớ những người muôn năm cũ

Chia sẻ Facebook
20/05/2022 00:13:57

Lại một lần nữa thị trường chứng khoán có dấu hiệu đi vào thị trường giá xuống rồi. Chỉ số VN-Index đã xuyên qua mức cản 1,200 điểm quan trọng. Chỉ trong 26 ngày giao dịch từ 04/04 tới 13/05/2022 VN-Index đã rớt từ 1,524.70 còn 1,182.77 điểm, tương đương giảm 22.4%, con số tuyệt giảm tuyệt đối 341.93 điểm. Một con số kỷ lục trong cùng khoảng thời gian.

Tản mạn mùa chứng khoán xuống: Cảm thấy được yêu và nỗi nhớ những người muôn năm cũ

Các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư mới đang trong một tâm trạng khá sốc, khá bất ngờ, và nỗi khủng hoảng đã biến thành là… đau khổ.

Như một chu trình cứ mãi lặp đi lặp lại muôn thủa trên thị trường chứng khoán, lòng tham được đẩy lên tới tận cùng rồi kết thúc bằng nỗi thất vọng chán chường ,sợ hãi, tháo chạy. Nỗi thất vọng sợ hãi bị kéo xuống đến chai lỳ, rồi một thời cơ thuận lợi lòng tham lại nổi lên, quá trình ấy cứ tiếp diễn, tiếp diễn… Trên một phương diện nào đó, một thời điểm nào đó, có vẻ những chỉ số kinh tế cơ bản, những thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế dường như chỉ là cái cớ để cho lòng tham và nỗi thất vọng có dịp nổi lên.

Lịch sử phát triển loài người là lịch sử không ngừng thay đổi vươn lên, đặc biệt là không ngừng đột phá về trí tuệ, kiến thức cá nhân, song song với việc sắp xếp lại các nguồn lực tự nhiên, cũng như tổ chức lại các bộ máy quản lý xã hội theo hướng ngày càng tốt hơn, hợp lý hơn. Con người đã đạt được những bước phát triển thần kỳ trong lịch sự phát triển của mình đặc biệt trong khoảng hơn 300 năm nay.

Thế mà thật kỳ lạ. Trải qua một quá trình thật dài, thật dài, không ngừng hoàn thiện, con người vẫn chưa từ bỏ được những đặc trưng cơ bản của mình. Trong đó có lòng tham và nỗi sợ hãi.

Với lòng tham và nỗi sợ hãi, những hình sin trên thị trường chứng khoán cứ diễn ra liên tục từ những năm đầu hình thành thị trường chứng khoán cho mãi đến bây giờ. Thị trường chứng khoán đã rớt trên 22.62% từ đỉnh trong vòng 4 tháng. Rất nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ trầm trọng, trong đó có nhiều nhà đầu tư mới tham gia từ đầu 2020. Chúng ta hiểu cảm giác bối rối lo lắng đến khủng hoảng tâm lý của họ. Tuy nhiên những thứ họ phải trải qua vẫn chưa thể so sánh với với những đợt khủng hoảng diễn ra trong quá khứ về cường độ và thời gian.

Từ 6/2001 tới 10/2003 thị trường rớt từ 571 điểm còn 130.9 điểm, tương đương giảm 77.07% trong vòng 29 tháng.

Từ 2/2007 tới 2/2009 thị trường rớt từ 1,179.32 điểm còn 235.5 điểm, tương đương 80.03% trong vòng 25 tháng.

Từ 4/2018 tới 3/2020 thị trường rớt từ 1,204 điểm còn 645 điểm, tương đương 46.42% trong vòng 24 tháng.

Trong những đợt siêu khủng hoảng này rất nhiều nhà đầu tư đã phá sản, đau đớn rời bỏ thị trường chứng khoán. Một số người mãi mãi không trở lại.

Có một câu hỏi nằm sau sau những con số càng ngày càng rực rỡ càng ngày càng lấp lánh về việc phát triển của thị trường chứng khoán theo năm tháng đó là có bao nhiêu nhà đầu tư đã thua lỗ đến mức rời bỏ mãi mãi thị trường, con số này sẽ tính được thôi nếu muốn tính. Và nếu tính ra chúng ta hẳn sẽ thấy tiếc nuối. Giá mà bằng một cách nào đó, có thể lưu giữ lại một phần những nhà đầu tư tiên phong này số lượng các nhà đầu tư chuyên nghiệp thời điểm này có lẽ đã nhiều hơn nhiều. Và thị trường càng nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, kinh nghiệm, lâu năm, thì thị trường ấy biên độ dao động sẽ càng sát với các chỉ tiêu nền kinh tế hơn.

Nhưng có một số dấu hiệu cho thấy, thị trường chứng khoán hôm nay, những nhà đầu tư hôm nay đang nhận được sự quan tâm rất sâu sắc của cơ quan quản lý. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy những vụ lừa đảo gian lận trong thị trường chứng khoán bị phát hiện nhiều đến thế, số vụ những vị có quyền lực bị bắt liên tục. Thị trường chứng khoán vốn là những cơn sóng, những nhà đầu tư tham gia vào thị trường như những người điều khiển con thuyền phải tự biết cách vượt qua những cơn sóng, đó là kỹ năng của nhà đầu tư. Nhưng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đó là phải hạn chế những cơn sóng nhân tạo càng nhiều càng tốt.

Tháng 4/2022 lần đầu chúng ta được nghe một vị Thủ tướng phát biểu: "Tôi nghe rất nhiều phàn nàn về hiện tượng nghẽn lệnh, ứng dụng công nghệ, quản lý thị trường chưa tốt, tình trạng làm giá thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường, chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý, xử phạt còn bất cập... Thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác. Có những doanh nghiệp thậm chí làm ăn thua lỗ nhưng giá chứng khoán tăng tính bằng nhiều lần, không theo quy luật nào... Rồi nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi liệu có hay không việc thao túng, làm giá của chính các công ty chứng khoán, hình thức xử phạt chưa phù hợp... Vì những việc đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý nghiêm sai phạm để làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ nhà đầu tư".

Đồng thời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo quyết tâm đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi diễn ra nhanh hơn. Khi quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán diễn ra một lượng vốn ngoại lớn sẽ đổ vào Việt Nam. Tác nhân này sẽ kích thích dòng vốn nội, điều này cùng với những tín hiệu tươi sáng của nền kinh tế hiện nay sẽ giúp thị trường chứng khoán trở lại.

Rồi mới nhất, phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: "Tôi ngày nào cũng xem chứng khoán, không biết các đồng chí điều hành vĩ mô có xem không? Bất thường như thế các đồng chí thấy có yên tâm không?...".

Những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước, đã bộc lộ một sự quan tâm tới thị trường chứng khoán. Nhưng có một thứ còn đáng quý hơn là sự hiểu biết sâu sắc về thị trường chứng khoán Việt Nam. Những nội dung hàm ẩn trong các phát ngôn của các vị lãnh đạo này đều là những trọng điểm, thiếu và yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn vốn và sự minh bạch chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. Đây là lý do chúng ta có hệ số P/E thấp nhất trong khi tốc độ tăng trưởng EPS lại hàng đầu trong khu vực. Đây là thứ mà các chuyên gia chứng khoán, các quỹ đầu tư coi là nghịch lý lâu nay.


Nhanh chóng tiếp thu những chỉ đạo này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng với Sở GDCK Việt Nam ( VNX ) mới đây đã chủ trì tổ chức buổi họp với Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh ( HOSE ), Sở GDCK Hà Nội ( HNX ), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và 23 công ty chứng khoán (CTCK) thành viên Top đầu thị trường về vốn, thị phần môi giới chứng khoán để nhận định, đánh giá tình hình TTCK và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định TTCK.

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK (kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành).


Đặc biệt với quan điểm ưu tiên giải pháp ngắn hạn, kiên định mục tiêu dài hạn để hạn chế khả năng tác động giá từ TTCK phái sinh lên TTCK cơ sở, UBCKNN đã chấp thuận cho VSD ban hành Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 . Theo đó, giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.

Điều này sẽ góp phần hạn chế việc sử dụng thị trường chứng khoán cơ sở thao túng thị trường phái sinh. Một quyết định sẽ được các nhà đầu tư phái sinh chân chính nhiệt liệt ủng hộ. Trên thực tế nhiều nhà chuyên môn cho rằng việc tác động vào giá phái sinh trục lợi có thể ở một quy mô lớn hơn rất nhiều so với thị trường chứng khoán truyền thống.

Những chỉ đạo sâu sát, những quyết sách của hệ thống thừa hành, được đưa ra khá nhanh khá hợp thời điểm và đương nhiên rất hợp lòng nhà đầu tư.

Bằng những hành động quyết liệt của Chính phủ, các nhà đầu tư có thể yên tâm về kỳ vọng xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch, lành mạnh.

Những đường sin huyền ảo của cổ phiếu có thể không bao giờ chấm hết. Việc tìm kiếm lợi nhuận và thất bại trên thị trường chứng khoán cũng sẽ không bao giờ chấm hết. Nhưng có một sự thật những quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư hôm nay đã được quan tâm hơn nhiều.

Với những nền tảng cơ bản của nền kinh tế đất nước, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước dành cho thị trường chứng khoán, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Những nhà đầu tư vội vã từ bỏ thị trường hôm nay có thể sẽ tiếc nuối trong một ngày không xa. Vì một điều cơ bản, họ đang ở một vị thế tốt hơn rất nhiều thế hệ cha anh đã từng. Về tất cả!

Lê Kiên Cường

Chia sẻ Facebook