Tản mạn chuyện xử phạt hàng kém chất lượng ở Trung Hoa cổ đại

Chia sẻ Facebook
13/02/2023 09:17:10

Việc xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn luôn là vấn đề cần được nhà cầm quyền của một quốc gia quan tâm. Điều thú vị là trong những ghi chép rất sớm ở Trung Hoa cổ đại đã có các điều luật liên quan đến việc này.

Một cảnh trong tranh “Thanh minh thượng hà đồ” mô tả sự giao thương sầm uất thời nhà Tống.

Thời Chu


“Lễ Ký” ghi chép rằng thời Chu quy định việc giao dịch thực phẩm như sau: “Ngũ cốc bất thời, quả thực vị thục, bất dục ư thị” , nghĩa là ngũ cốc không đúng mùa, hoa quả chưa chín, không được bán ngoài chợ.


Trong “Vương Chế – Lễ Ký” chép lại rằng: “Đồ dùng không đúng quy định, không bán ngoài chợ; xe chiến không đúng quy định, không bán ngoài chợ; vải vóc tinh thô, không đúng số lượng, rộng hẹp không đúng số lượng, không bán ngoài chợ; màu sắc tạp loạn, không chính tông, không bán ngoài chợ” .


Ngoài ra nhằm tránh việc lạm sát chim, thú, cá, rùa quá mức, đồng thời đảm bảo sự sinh trưởng lành mạnh của động vật, nhà Chu quy định: “Chim, thú, cá, rùa không vào mùa đánh bắt và phạm vi đánh bắt thì không được bán ngoài chợ” .

Những quy định trên đây cho thấy từ thời nhà Chu đã có sự chú ý tới quản lý chất lượng sản phẩm, xử phạt hàng kém chất lượng trên thị trường, đồng thời còn cho thấy nhà cầm quyền quan tâm bảo tồn sinh thái tự nhiên.

Thời Đường

Thời nhà Đường, Trung Hoa không chỉ có chế độ kiện toàn, mà pháp luật còn quy định chi tiết, biện pháp trừng phạt cũng khá nghiêm khắc.


Triều đình ban bố lệnh liên quan tới buôn bán “Quan Thị Lệnh” , quy định tất cả dụng cụ đo đạc cá nhân của quan lại đều phải giao lại cho quan phủ hiệu chỉnh vào tháng 8 hàng năm. Khu vực kinh sư đều do quan bộ Hộ là Kim Bộ Tư và Thái Thủ Tự quản lý, tại địa phương thì do các châu huyện phụ trách.

Những dụng cụ cân đong đo đếm đã được kiểm nghiệm hiệu chỉnh, sau khi được phủ quan hữu quan dán dấu niêm phong mới được sử dụng. Cho nên, nếu dụng cụ đo lường trên thị trường không phù hợp với quy định của pháp luật sẽ bị trừng phạt.


Pháp luật thời Đường cũng căn cứ vào mức độ ngộ độc thực phẩm khác nhau mà quy định biện pháp trừng phạt khác nhau. Cuốn “Đường Luật Sơ Nghị” (Bàn luận sơ khai về luật nhà Đường) quy định: “Thịt thối có độc, từng gây bệnh cho người, số còn lại phải nhanh chóng tiêu huỷ, vi phạm phạt đánh 90 trượng; Nếu cố tình ăn cùng người khác hoặc bán đi khiến người ta lâm bệnh, phạt đi đày 1 năm; Nếu gây chết người sẽ bị tùng xẻo, dẫu là người đó tự ăn mà chết, chủ sở hữu cũng sẽ bị xử theo luật ngộ sát. Người khác trộm về ăn, chủ sở hữu coi như không vi phạm”.

Buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả khiến con người sinh bệnh bị xử đi đày 1 năm. Buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả gây chết người, thương gia sẽ bị tử hình (tùng xẻo). Trong tình huống không biết gì, ăn phải thực phẩm giả, uống phải thuốc giả mà chết, người sở hữu thực phẩm cũng bị luận tội ngộ sát.


Ngoài ra, đối với việc trả lại hàng cũng có quy định riêng. Trong cuốn “Đường Luật Sơ Nghị” có ghi lại rằng: “Sau khi người tiêu dùng mua hàng, nếu trong vòng ba ngày phát hiện hàng hoá có vấn đề, thì có thể trả lại hàng cho nhà buôn mà không cần bất cứ điều kiện gì.”

Khi trả lại hàng phải có công chứng viên tiến hành kiểm nghiệm, xác định xem chất lượng hàng có thực sự tồn tại vấn đề hay không thì mới được trả lại hàng. Nếu lái thương không cho trả lại hàng, người tiêu dùng có thể báo quan, quan phủ sẽ ra mặt điều đình việc trả lại hàng, và đánh bên bán hàng 40 roi.

Thời Tống

Thời Tống ngoài việc chống thực phẩm giả, thuốc giả nghiêm ngặt như thời Đường ra, còn cao hơn thời Đường một bậc.


Triều đình tập hợp các lái buôn thành “Hiệp hội các ngành nghề” , phải đăng ký theo ngành nghề kinh doanh. Những thương nhân theo ngành thương nghiệp và ngành dịch vụ đều phải đăng ký gia nhập và chịu sự quản lý của hiệp hội.


Thời Tống cũng coi trọng việc phát huy vai trò tự kiểm soát của Hiệp hội trong việc quản lý chất lượng thực phẩm, dược phẩm. Hiệp hội các ngành nghề không chỉ hỗ trợ việc chống “Thực phẩm, dược phẩm độc” mà còn chịu trách nhiệm kiểm tra việc trộn lẫn thực phẩm giả, thuốc giả, hay dùng hàng thứ phẩm mạo danh thực phẩm tốt, thuốc tốt. Nếu người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng đều có thể kiện lên hiệp hội.


Nhằm chống làm thuốc giả, giả mạo phong ấn của quan quản lý thuốc bán ra thị trường, Cục Huệ Dân (Cục bảo vệ lợi ích của dân) và cục Hoà Tễ (Cục điều chế thuốc) đều in 4 chữ lớn “Con dấu cục thuốc”“Con dấu cục Hoà Tễ” trên tem kiểm định hàng hoá. Ngoài ra 4 cục Đông, Nam, Tây, Bắc, mỗi cục đều tự đóng thêm con dấu 6 chữ của mình.


Hoàng đế cũng từng hạ lệnh, nếu có người sản xuất thuốc giả, ngụy tạo các phương thuốc và ấn quan giả, đều xử theo luật “Điều lệ làm giả”.


Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên dịch


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook