Tân Hoàng Minh ngừng kinh doanh các chi nhánh trên cả nước từ 1/7
Việc ngừng kinh doanh chi nhánh nhằm giúp Tân Hoàng Minh hạn chế chi phí, dồn tiền trả nhà đầu tư trái phiếu sau khi Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt giam.
Ngày 29/6, ông Đỗ Hoàng Minh, người đại diện theo ủy quyền của tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa gửi thông báo đến khách hàng về việc sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại các chi nhánh ở Tp.HCM và các chi nhánh khác trên cả nước kể từ ngày 1/7.
Quyết định trên xuất phát từ ngày 3/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 lô trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 do 3 công ty con thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành.
Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến các lô trái phiếu trên, đồng thời bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 người khác để điều tra.
"Sự việc đáng tiếc xảy ra là một rủi ro lớn ngoài dự kiến của tập đoàn và đã tác động tiêu cực đến mọi mặt hoạt động kinh doanh của tập đoàn, cũng như của khách hàng. Để có thể thích ứng trong hoàn cảnh khó khăn này, tập đoàn buộc phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhằm hạn chế thấp nhất các chi phí và tổn thất về tài chính.
Đồng thời ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực cho việc thu xếp tài chính để sớm hoàn trả tiền cho quý khách hàng", ông Đỗ Hoàng Minh giải thích thêm về lý do tạm đóng cửa các chi nhánh của Tân Hoàng Minh.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ tạm dừng kinh doanh tại các chi nhánh ở Tp.HCM và các tỉnh thành khác trên cả nước kể từ 1/7. Việc này nhằm hạn chế chi phí, dồn tiền trả nhà đầu tư trái phiếu sau khi lãnh đạo của tập đoàn này bị bắt giam. (Ảnh: Hữu Thắng)
Trước đó, tại buổi làm việc ngày 22/6, ông Vũ Đình Luyện, Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh, cho biết đến nay số tiền tập đoàn nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) - C03 mở tại Kho bạc Nhà nước là 2.100 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch ban đầu.
Tân Hoàng Minh sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu trong tháng 7, thu xếp đạt khoảng 50-60%. Tại một buổi làm việc trước đó, đại diện tập đoàn này khẳng định số tiền không lớn hơn con số 8.500 tỷ đồng. Con số 10.000 tỷ đồng được ghi nhận trên phương tiện truyền thông là không chính xác.
Về đề xuất chi trả cho nhà đầu tư số tiền 2.100 tỷ đồng, tập đoàn cũng cho biết đã đề xuất với C03 để lên phương án trả nhanh nhất cho nhà đầu tư theo tỉ lệ, ngay khi tập đoàn thu xếp được 10% đầu tiên. Tuy nhiên, ông Luyện cho biết dù Tân Hoàng Minh mong muốn chi trả ngay, song chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này từ C03.
Riêng đối với vấn đề uỷ quyền, ông Vũ Đình Luyện khẳng định việc uỷ quyền chưa ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng dự án ở giai đoạn này. Tân Hoàng Minh có 5 dự án đủ điều kiện về pháp lý có thể rao bán, nhằm thu xếp nguồn tiền trả nhà đầu tư, gồm 2 dự án ở Phú Quốc, dự án Nguyễn Thị Minh Khai (Tp.HCM), dự án Việt Tiến và dự án Ngọc Hồi (Hà Nội).
"Việc chuyển nhượng bất động sản trải qua quá trình dự kiến tìm đối tác, thẩm định năng lực, đàm phán, tiến tới ký kết và thực hiện giao dịch thành công đòi hỏi rất nhiều thời gian", phía Tân Hoàng Minh cho biết.
Cách đây 2 tuần, Tân Hoàng Minh đã phải tạm dừng mở cửa văn phòng tiếp đón khách hàng tại trụ sở 24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội do có khách hàng đe dọa sử dụng vũ khí để tấn công cán bộ nhân viên tập đoàn.
Theo Trần Thu Thảo