Tận dụng cơ hội tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam
Đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản là yêu cầu đặt ra trong thời gian tới để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu.
Triển vọng và thách thức xuất khẩu nông sản trong năm 2023
Theo Đại Đoàn Kết, dữ liệu từ cơ quan quản lý cho biết, 4 tháng đầu năm, trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu, riêng ngành hàng rau quả lại có tín hiệu khả quan. Cụ thể, giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2023 đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian qua Trung Quốc dẫn đầu về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với trên 58% thị phần và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm: thanh long, sầu riêng, xoài, mít... Đặc biệt, sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành rau quả những tháng đầu năm. Nếu tình hình thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu trái cây này có thể đạt 1 tỷ USD trong năm nay.
Trước những bước đi khả quan của xuất khẩu nông sản Việt Nam trong những tháng đầu năm, nhiều người còn lo lắng vấn đề đáng lo ngại là việc xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu thường gặp cảnh ùn ứ. Theo đó, để tăng cường xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu phía Bắc, giới chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền các địa phương và ngành Hải quan.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan, tạo điều kiện tối đa để thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan.
Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các chi cục hải quan tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản; thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.
Đối với việc kiểm tra, giám sát hàng nông sản xuất khẩu, cơ quan hải quan đã và đang tiếp tục xây dựng và nâng cao mô hình địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung; chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số HS, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra; Đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc kiểm tra theo phương pháp phân luồng quyết định kiểm tra.
Để tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, với sản phẩm trồng trọt, toàn ngành sẽ tập trung tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá cho những sản phẩm đã được cấp phép tiếp cận thị trường xuất khẩu trong năm 2022 như: Trung Quốc (chanh leo, sầu riêng, chuối), New Zealand (chanh, bưởi), Nhật Bản (nhãn), Hoa Kỳ (bưởi). Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá cho những sản phẩm mà thị trường truyền thống có nhu cầu lớn trong năm 2023 như: Hoa Kỳ (gỗ, hạt tiêu, cà phê), Trung Quốc (trái cây, rau quả), EU (rau quả, gỗ), Đông Bắc Á (rau quả, cây gia vị), ASEAN (gạo, gỗ); thị trường tiềm năng như Ả rập Xê út (gạo, chè, cà phê).
Cần biết biến chiến lược thành chương trình hành động thực tế
Trao đổi với Đại Đoàn Kết , bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính nhận định, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều thách thức phải đối mặt như: Quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; thị trường này ngày càng siết chặt hơn các quy định về chất lượng sản phẩm...
Trong khi đó ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam, bởi Việt Nam và Trung Quốc có lợi thế về khoảng cách địa lý. Việt Nam có đường biên giới tốt và vận chuyển hàng hóa rất nhanh. Việc quản lý về hàng rào kỹ thuật do phía Trung Quốc yêu cầu hiện chúng ta đáp ứng khá tốt, nhưng khi sản lượng tăng, đây sẽ là vấn đề khó khăn trong quản lý mã số nhà máy đóng gói, mã số vùng trồng. Sau đó là quản lý làm sao để đảm bảo chất lượng, đảm bảo thương hiệu.
Để tăng cường xuất khẩu nông sản qua biên giới, bà Lê Thùy Vân cho rằng, cần nhanh chóng đẩy mạnh việc chuyển từ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản Việt cũng như tạo cầu nối giữa doanh nghiệp. Việt Nam với các doanh nghiệp. phân phối, hệ thống siêu thị của Trung Quốc. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam để có thể đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu...
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, sở dĩ quý I/2023 xuất khẩu rau quả chỉ tăng từ 7 - 8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Âm lịch tăng cao nên tháng 1 và tháng 2 tăng trưởng nóng, sau Tết nhu cầu giảm nên xuất khẩu chậm lại. Mặt khác, khi thị trường Trung Quốc tăng trưởng thì các thị trường khác không tăng hoặc tăng trưởng chậm lại. Cũng chính vì sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời giá nguyên liệu cũng tăng lên, một số mặt hàng tăng giá mạnh như sầu riêng, thanh long,... điều này khiến cho thị trường các loại trái cây này tại Việt Nam sôi động hơn hẳn. Cũng từ hoạt động nhập khẩu trái cây mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc, nhiều cửa khẩu của Việt Nam cũng mở rộng giờ hoạt động đến 22h mỗi ngày. Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc vẫn còn tốt, nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý II có thể tăng 10% thậm chí cao hơn. Như vậy, cả 2 quý đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt tương đương 2 tỷ USD, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Thông tin trên Lao Động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài các mặt hàng chủ lực như đồ gỗ, thủy sản, gạo, trái cây, thì nhiều mặt hàng khác cũng mang lại giá trị lớn cho ngành nông nghiệp. Hiện tại, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên trên 3 tỷ USD trong năm 2022, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ (10,92 tỷ USD); tôm (4,33 tỷ USD); cà phê (3,94 tỷ USD); gạo (3,49 tỷ USD); cao su (3,31 tỷ USD); rau quả (3,34 tỷ USD); hạt điều (3,07 tỷ USD).
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã xây dựng được 6 vùng nguyên liệu, trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long có lúa gạo, Tây Nguyên có cà phê, cây ăn quả khác… Các vùng nguyên liệu này vừa mang tính chất đáp ứng thị trường, vừa để chế biến sâu nông sản để phát triển lâu dài và đạt giá trị cao thay cho chỉ xuất khẩu nông sản thô với giá trị thấp.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có chương trình hành động cho từng vùng, có chiến lược, đề án quy hoạch đưa vào hành động thực tiễn, cần sự liên kết của các địa phương trong vùng sinh thái và chuyển hóa hết những chiến lược chung của từng vùng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ khác sẽ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp thì sẽ chuyển hóa đến từng địa phương", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trong cơ cấu xuất khẩu của ngành nông nghiệp, năm 2022 thủy sản trở thành “ngôi sao” sáng nhất giúp nông nghiệp có một năm bội thu. Trong đó, mặt hàng tôm và cá tra liên tiếp lập kỷ lục nhờ nhu cầu tăng vọt và giá bán cao, giúp thủy sản xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Ngoài ra, mặt hàng phân bón, và thức ăn gia súc, nguyên liệu cũng lần đầu tiên cũng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Trúc Chi (t/h)