Tâm trạng Khối thịnh vượng chung trước Lễ đăng quang của Nhà vua Anh
Sẽ vẫn còn những ý kiến bất đồng vì Vua Charles không nổi tiếng bằng Nữ hoàng Elizabeth, nhưng khía cạnh kinh tế có khả năng vẫn gắn kết Khối thịnh vượng chung.
Khi Vua Charles III đăng quang vào ngày 6/5, những người lính mang cờ từ Bahamas, Nam Phi, Tuvalu và xa hơn nữa sẽ sánh bước cùng quân nhân Anh trong một cuộc diễu hành quân sự hoành tráng để vinh danh Quốc vương.
Đối với một số người, khung cảnh này sẽ khẳng định mối quan hệ ràng buộc giữa Vương quốc Anh và các thuộc địa cũ. Nhưng đối với nhiều người khác trong Khối thịnh vượng chung (The Commonwealth), một nhóm các quốc gia chủ yếu được tạo thành từ những nơi từng được Đế quốc Anh tuyên bố chủ quyền, Lễ đăng quang của Vua Charles đơn giản là không được quan tâm.
Ở những quốc gia đó, Lễ đăng quang đầu tiên của một vị Quốc vương Anh sau 70 năm là dịp để suy ngẫm về quá khứ đẫm máu của chủ nghĩa thực dân và áp bức. Các màn trình diễn lộng lẫy ở London sẽ đối chọi đặc biệt gay gắt với những lời kêu gọi ngày càng tăng ở khu vực Caribe nhằm cắt đứt mọi quan hệ với chế độ quân chủ.
Khối thịnh vượng chung vốn là một nhóm gồm 56 quốc gia thành viên, phần lớn trong số đó là thuộc địa cũ của Anh, chủ yếu ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ và Thái Bình Dương . Ba quốc gia châu Âu là một phần của Khối thịnh vượng chung gồm Síp, Malta, và tất nhiên là chính bản thân Vương quốc Anh.
Theo dòng chảy thời gian, 36 quốc gia đã trở thành các nền Cộng hòa, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. 5 nước còn lại – Brunei Darussalam, Lesotho, Malaysia, Eswatini (trước đây là Swaziland) và Tonga – có Quốc vương của riêng họ.
Là Quốc chủ của Anh, Vua Charles cũng là Nguyên thủ của 14 quốc gia khác trong Khối thịnh vượng chung – gọi là “Vương quốc Thịnh vượng chung” (Commonwealth realm), mặc dù vai trò này chủ yếu mang tính chất nghi lễ.
14 Vương quốc Thịnh vượng chung còn lại bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Antigua và Barbuda, Bahamas, Belize, Grenada, Jamaica, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon và Tuvalu.
Barbados là Vương quốc Thịnh vượng chung gần đây nhất ly khai Hoàng gia Anh, bầu một Tổng thống vào năm 2021, thay thế Nữ hoàng Elizabeth II làm Nguyên thủ Quốc gia.
Động thái này đã thúc đẩy các phong trào Cộng hòa tương tự ở các nước láng giềng Caribe, bao gồm Jamaica, Bahamas và Belize.
Xu hướng ly khai
Trong chuyến công du của Hoàng gia Anh tới vùng biển Caribe hồi tháng 3 năm ngoái, Thủ tướng Jamaica Andrew Holness đã gợi ý với Hoàng tử William và Công nương Kate, rằng đất nước ông đang “tiến lên” và có ý định “thực hiện tham vọng và vận mệnh thực sự của chúng tôi với tư cách là một quốc gia độc lập, phát triển và thịnh vượng”.
Hoàng tử William, nay đã trở thành người đứng đầu hàng kế vị ngai vàng, cũng nói với đám đông trong chuyến dừng chân ở Bahamas rằng Hoàng gia sẽ ủng hộ bất kỳ quyết định nào mà đảo quốc này đưa ra về việc từ bỏ chế độ quân chủ.
Bà Rosalea Hamilton, một người ủng hộ việc thay đổi hiến pháp Jamaica để loại bỏ chế độ quân chủ, cho biết bà sẽ tổ chức một diễn đàn trong ngày diễn ra Lễ đăng quang của Vua Charles để thu hút nhiều người Jamaica hơn vào quá trình cải cách chính trị.
Theo bà Hamilton, diễn đàn được tổ chức đúng ngày lễ trọng đại của Hoàng gia Anh nhằm làm nổi bật thông điệp về sự ly khai hơn là tập trung vào Lễ đăng quang của Nhà vua.
Hai ngày trước lễ đăng quang của Vua Charles, các nhà vận động từ 12 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung đã viết thư cho Quốc vương kêu gọi ông xin lỗi về những di sản của chủ nghĩa thực dân Anh.
Trong số những người ký tên có Lidia Thorpe, một thượng nghị sĩ Australia. Bà Thorpe cho biết hôm 4/5 rằng Vua Charles nên “bắt đầu một quá trình sửa chữa thiệt hại của quá trình thuộc địa hóa, bao gồm cả việc trả lại của cải bị đánh cắp khỏi người dân của chúng tôi”.
Thủ tướng Belize Johnny Briceno, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Anh The Guardian hôm 4/5, cho biết đất nước ông “rất có khả năng” là quốc gia tiếp theo rời khỏi Khối thịnh vượng chung và trở thành một nước Cộng hòa.
Ông Briceno không nói rõ liệu ông có soạn thảo một dự luật về đưa Belize trở thành một nước Cộng hòa hay không, nhưng đề xuất này trước tiên cần có sự chấp thuận của Quốc hội Belize trước khi đưa ra trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese, người sẽ tham dự Lễ đăng quang và tuyên thệ trung thành với Nhà vua, ủng hộ việc “xứ sở kangaroo” từ bỏ chế độ quân chủ, mặc dù ông đã loại trừ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này trong nhiệm kỳ 3 năm hiện tại của mình.
“Tôi muốn thấy một người Australia là Nguyên thủ Quốc gia của Australia”, ông Albanese nói với hãng tin ABC của Australia.
Dấu ấn mờ nhạt
Điện Buckingham tháng trước cho biết, Vua Charles ủng hộ nghiên cứu về mối liên hệ lịch sử giữa chế độ quân chủ Anh và buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. nhà vua coi vấn đề này là “rất nghiêm túc” và các học giả sẽ được phép tiếp cận bộ sưu tập và tài liệu lưu trữ của Hoàng gia, theo Điện Buckingham.
Ở Ấn Độ, từng là viên ngọc quý của Đế quốc Anh, giới truyền thông rất ít chú ý và rất ít quan tâm đến Lễ đăng quang của Hoàng gia Anh. Một số người sống ở vùng nông thôn rộng lớn xa xôi của đất nước thậm chí có thể chưa từng nghe nói về Vua Charles III.
“Ấn Độ đã tiến lên, và hầu hết người Ấn Độ không có mối quan hệ tình cảm nào với Hoàng gia Anh”, nhà Pavan K. Varma, người từng là một nhà ngoại giao, cho biết. Thay vào đó, Hoàng gia được xem giống như những người nổi tiếng vui tính hơn, ông nói.
Và trong khi quốc gia Nam Á vẫn coi trọng mối quan hệ kinh tế và văn hóa với Vương quốc Anh ở châu Âu, ông Varma chỉ ra rằng nền kinh tế của Ấn Độ đã vượt qua Vương quốc Anh.
“Nước Anh đã thu nhỏ trên toàn cầu thành một cường quốc tầm trung”, ông nói, nhận định rằng quan niệm người dân một thuộc địa cũ nên dán mặt vào màn hình TV để xem Lễ đăng quang của Vua Charles – nên được từ bỏ.
“Tôi không nghĩ điều này đang xảy ra ở Ấn Độ”, ông nói.
Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1947, Ấn Độ đã dần rũ bỏ những dấu tích của chủ nghĩa đế quốc Anh. Bức tượng của Vua George V từng đứng gần đài tưởng niệm India Gate ở New Delhi đã được chuyển đến Công viên Đăng quang vào những năm 1960. Từng là nơi diễn ra các lễ kỷ niệm tôn vinh Nữ hoàng Victoria, Vua Edward VII và George V, công viên hiện là nơi trưng bày các hiện vật có liên quan đến các cựu vương và quan chức của Raj thuộc Anh ở Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dẫn đầu một nỗ lực mới nhằm khôi phục lại quá khứ của Ấn Độ và xóa bỏ “những biểu tượng của chế độ nô lệ” khỏi thời kỳ đất nước này nằm dưới sự cai trị của Vương quốc Anh. Chính phủ của ông Modi đã xóa tên đường thời thuộc địa, một số luật và thậm chí cả biểu tượng cờ.
Khía cạnh kinh tế
Các chuyên gia cho rằng, bất chấp những sai sót, hành trang lịch sử và những góc cạnh sờn rách, Khối thịnh vượng chung vẫn có sức hấp dẫn, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo hơn.
Năm ngoái, Gabon và Togo – từng là thuộc địa của Pháp và không có liên kết thuộc địa với Anh – đã trở thành thành viên mới nhất của khối này.
Bộ trưởng Ngoại giao Togo Robert Dussey cho biết, tư cách thành viên đã mở cánh cửa cho đất nước ông tiếp cận 2,5 tỷ người tiêu dùng trong Vương quốc Khối thịnh vượng chung, mang đến những cơ hội giáo dục mới và khai thác “cơn sốt” học tiếng Anh của nhiều người Togo.
“Tư cách thành viên của Togo được thúc đẩy bởi mong muốn mở rộng mạng lưới ngoại giao, chính trị và kinh tế... cũng như tiến gần hơn đến thế giới nói tiếng Anh”, ông Dussey nói với AFP.
Nó cũng cho phép quốc gia nhỏ và đang phát triển với 8,5 triệu dân xác định lại quan hệ song phương với Vương quốc Anh bên ngoài Liên minh châu Âu thời hậu Brexit, vị Bộ trưởng bổ sung.
Trong trường hợp của các quốc gia như Jamaica – mặc dù muốn có một Nguyên thủ Quốc gia được bầu để thay thế Quốc vương Anh, hầu hết các nhà quan sát tin rằng, những quốc gia như vậy vẫn sẽ duy trì tư cách thành viên Khối thịnh vượng chung.
“Các quốc gia, dù có lợi hay không, đều cảm thấy cần phải có sự gần gũi với Anh với tư cách là một thực thể kinh tế”, ông Kehinde Andrews, giáo sư tại Đại học Thành phố Birmingham, cho biết.
Minh Đức (Theo AP, Reuters, France24)