“Tám thứ không ăn” trong nguyên tắc ẩm thực của Khổng Tử
Ẩm thực không đơn thuần chỉ là việc ăn uống mà cũng là nội dung tu thân quan trọng. Bởi vậy ẩm thực với Khổng Tử cũng cần có nguyên tắc.
Khổng Tử rất coi trọng đạo ẩm thực. Đối với ông, ẩm thực không đơn thuần chỉ là việc ăn uống no bụng mà nó cũng là một nội dung quan trọng trong tu thân. Bởi vậy ẩm thực với Khổng Tử cũng cần có nguyên tắc.
Trong “Luận Ngữ. Hương đảng” , Khổng Tử đã luận đàm về nguyên tắc ẩm thực của mình. Ông đã liệt kê ra “Bát bất thực” (tám thứ không ăn) như sau:
Khi trai giới thì đổi đồ ăn và chỗ ngủ. Lương thực không chê giã quá kỹ, thịt cá không chê xắt quá nhỏ. Món ăn ôi thiu, cá ươn thịt ôi, không ăn. Thức ăn biến sắc, không ăn. Thức ăn có mùi hôi thối, không ăn. Thức ăn không nấu, không ăn. Thức ăn không đúng thời vụ, không ăn. Thái không thích hợp, không ăn. Thức ăn không có giấm tương điều vị, không ăn. Rượu và thịt từ chợ mua về, không ăn.
Nhìn qua, có thể có người cho rằng Khổng Tử là người ăn uống cầu kỳ, kỹ tính. Nhưng xét từ câu đầu tiên thì có thể thấy đây là nguyên tắc ẩm thực khi Khổng Tử trai giới, cúng tế. Tất nhiên, trong ẩm thực thường nhật, “bát bất thực” này cũng rất có ích cho sức khỏe và tu dưỡng thân tâm.
Không ăn thức ăn đã ôi thiu
Không ăn thức ăn đã hư thối, biến sắc, biến vị, bởi vì thức ăn đã hư thối sẽ nguy hại đối với cơ thể con người. Nó có thể khiến cơ thể bị ngộ độc, xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, nghiêm trọng hơn có thể nguy hiểm đến mạng sống.
Không ăn thức ăn đã biến sắc
Khi màu sắc của đồ ăn đã biến đổi, không còn là màu sắc bình thường nữa thì không thể ăn. Bất luận là thịt cá hay rau quả, nếu màu sắc trở thành thâm tối thì thông thường đều là đã bị để lâu, không còn là đồ tươi mới. Từ góc độ vi sinh vật học mà xét thì nguyên liệu không còn tươi mới, vi khuẩn sẽ tăng lên nhiều hơn. Con người sau khi ăn thức ăn như vậy sẽ dẫn đến các loại bệnh về dạ dày, đại tràng…
Không ăn thức ăn có mùi
Nếu thức ăn đã xuất hiện mùi hôi lạ thì không thể ăn được. Mùi thường được dùng để đánh giá xem thực phẩm có bị ôi thiu biến chất hay không, ví dụ thực phẩm có hàm lượng chất béo cao nếu bị ôi thiu sẽ có mùi hôi dầu, thịt cá bị hư sẽ có mùi tanh hôi, kh i hoa quả bị hư hỏng thường sẽ có mùi rượu, càng hư hỏng nặng thì mùi càng nồng. Cho nên, đồ ăn xuất hiện mùi tanh hôi thì không nên ăn.
Không ăn thức ăn không nấu chín
Khi thức ăn chưa được nấu chín, có thể sẽ lưu giữ những vi sinh vật gây bệnh, hoặc là thực vật tự mang trong mình những độc tố chưa được tiêu trừ hết. Khi ăn những đồ ăn như vậy sẽ khiến người ăn bị ngộ độc. Ví dụ, ăn trứng chưa được luộc chín có thể bị trúng vi khuẩn Salmonella; đậu cove có chứa độc tố Saponin, nếu không được nấu chín, chất saponin trong đậu sẽ kích thích mạnh hệ tiêu hóa…
Không ăn thức ăn không đúng thời
“Bất thời bất thực” chính là theo nguyên tắc “ứng tiết luật nhi thực” , tức là không ăn những thứ không phù hợp với mùa, đồ ăn cần phải phù hợp với quy luật của khí tiết, mùa vụ. Hay nói cách khác mùa nào có loại đồ ăn nào thì nên ăn loại đồ ăn ấy. Con người có sinh lão bệnh tử, một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông, mỗi mùa lại thích hợp cho những loại lương thực nhất định. Ăn theo nguyên tắc này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giảm thiểu được chi phí.
Ngoài ra, “bất thời bất thực” chính là cần chú ý đến giờ giấc sinh hoạt. Xã hội hiện đại ngày nay có không ít người thường xuyên ăn tối muộn, thậm chí là ăn khuya, điều này vô cùng bất lợi cho thân thể. Bữa ăn của người xưa thường kết thúc trước khi mặt trời lặn, không ăn quá no, vậy nên cơ thể có thời gian tiêu hóa, có thời gian nghỉ ngơi.
Không ăn thức ăn thái không thích hợp
Điều này là phù hợp với lễ nghi ẩm thực lúc bấy giờ. Nho gia có những suy xét rất đặc biệt về ẩm thực, đưa ẩm thực, ăn, mặc, ở, đi lại đặt vào quy phạm lễ nghi. Thời bấy giờ, thịt thường được dùng vào các buổi cúng tế. Sau khi cúng tế xong, phần thịt dư sẽ được phân phát cho các đại phu hưởng dụng. Cho nên thịt mà được thái không ngay ngắn vuông vắn là thể hiện sự bất kính đối với tổ tiên, không thể dùng để ăn.
Không ăn thức ăn không có giấm tương điều vị
Ở niên đại Khổng Tử sinh sống, người ta chưa có phương thức chế biến dùng dầu hay mỡ để chiên xào thức ăn như ngày nay. Rau thịt, các món ăn đều là dùng nước để nấu chín, sau đó phải thêm tương để có vị. Từ góc độ dinh dưỡng ngày nay mà xét, n ếu thực phẩm được chế biến theo cách hấp, luộc hay hầm, sau đó ăn với nước tương nhạt, dầu mè hoặc chấm với nước tương thì không chỉ bản thân thực phẩm sẽ ít bị mất chất dinh dưỡng hơn mà lượng chất béo cơ thể hấp thụ cũng sẽ giảm đi nhiều so với đồ ăn được chiên xào.
Ngoài ra, mỗi loại đồ ăn sẽ thích hợp với một loại gia vị khác nhau. Hơn nữa, việc nêm gia vị cũng cần phải thích hợp, vừa phải không được quá cay, quá mặn…
Không ăn thịt, rượu mua từ chợ
Thịt rượu mua từ chợ thì không thể dùng cho cúng tế, vì không biết quá trình chế biến diễn ra thế nào. Trong đời sống thường ngày hiện nay, vấn đề này còn có phương diện lo lắng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm được chế biến ở ngoài có thể không được sạch, nguyên liệu chế biến có thể đã bị hư hỏng… nên không nên ăn.
Ngoài “bát bất thực” như trên, Khổng Tử còn nói: “Nhục tuy đa, bất sử thắng thực khí. Duy tửu vô lượng, bất cập loạn. Bất tát khương thực, bất đa thực” .
“ Nhục tuy đa, bất sử thắng thực khí” , cổ nhân cho rằng lương thực mới là cái gốc để một người thu được nguyên khí, cho nên lượng thịt ăn phải ít hơn lượng ngũ cốc. Trong Trung y có khái niệm “Thực độc” , tức là ăn nhiều các loại thịt như gà, vịt, cá, ba ba… thì sẽ không tiêu hóa hết được và sẽ ở trong cơ thể mà chuyển hóa thành chất độc, khiến con người bị bệnh.
“D uy tửu vô lượng, bất cập loạn” , nghĩa là rượu tuy rằng không có quy định về số lượng nhưng tuyệt không nên uống nhiều. Uống nhiều rượu sẽ rất dễ dàng sinh ra loạn tính.
“Bất tát khương thực, bất đa thực” , Khổng Tử cho rằng ăn gừng một cách thích hợp sẽ có lợi cho cơ thể, nhưng không thể ăn quá nhiều. Gừng là hương liệu thường được sử dụng trong ẩm thực xưa. Bởi vì nó có thể trừ bỏ được những mùi tanh của thực phẩm. Gừng tính nóng, vị cay, có công dụng gia tăng dương khí cho cơ thể. Nhưng ăn quá nhiều gừng thì sẽ bị dư thừa khí dương, gây ra kích ứng với các cơ quan tiêu hóa.
Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập
Đạo ẩm thực của cổ nhân: Mỹ vị không thể ăn nhiều
Mời xem video :