'Tâm sinh tướng' là gì? 'Tâm sinh tướng' liệu có đúng?

Chia sẻ Facebook
27/08/2023 16:39:47

“Tâm sinh tướng” là một trong những quan niệm từ xa xưa của văn hóa Phật giáo. Quan niệm này được áp dụng trong cuộc sống cho đến tận ngày nay.

“Tâm sinh tướng” được xem là “thuật” nhìn người của người xưa. Họ cho rằng tính cách, tâm tính của con người sẽ được thể hiện qua tướng mạo. Điều này cho đến nay vẫn còn được áp dụng khá phổ biến trong xã hội. Vậy “Tâm sinh tướng” là gì? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.


Tâm sinh tướng là gì?

“Tâm sinh tướng” là một khái niệm trong triết học và Phật giáo. Theo quan niệm “tâm sinh tướng”, tâm và tướng mạo là hai yếu tố quan trọng thể hiện tính cách và số mệnh của một người.


Tâm là gì?

Tâm trong tiếng Hán nghĩa là trái tim, tấm lòng, tâm tư của con người. Từ này ngụ ý chỉ mọi suy nghĩ hay hành động đều xuất phát từ bên trong bản thể mỗi người.

Theo quan niệm Phật giáo, tâm là một thứ vô hình, không nằm ở vị trí cụ thể nào trên thân nhưng hiện diện ngay trong thân. Tâm chịu ảnh hưởng, chi phối từ thân thông qua các giác quan. Tâm là một dòng chảy, luôn luôn biến đổi theo cảm giác sướng - khổ, vui - buồn, yêu - ghét của thân trong sự sống.

Tâm theo Phật giáo là một thứ vô hình nhưng luôn tồn tại bên trong mỗi người - Ảnh: Canva

Tâm có hai đặc tính cơ bản: trong suốt và sáng tỏ. Người có tâm tốt là người có tấm lòng, tư tưởng tốt. Điều này được bộc bạch ra bên ngoài bằng những hành động chân thành.


Tướng là gì?

Tướng (tướng mạo) là một thuật ngữ Hán Việt dùng để chỉ dáng vẻ bên ngoài của con người như: nét mặt, hình dáng,... Tướng thường được xem là sự biểu hiện của tâm tính, khả năng hay số mệnh của một người.

Một người có tướng tốt không hẳn là người có ngũ quan tốt, mà là người có thần thái, phong thái tốt. Điều này bắt nguồn từ sâu trong tâm của họ, không thể giả tạo. Cho dù may mắn có khuôn mặt đẹp đẽ nhưng không có duyên cũng không phải là người có tướng tốt.

Người có thiện tâm thường tỏa ra một loại hào quang, thần thái toát lên vẻ an hòa, tự tại, khiến người gặp gỡ thấy thoải mái, dễ chịu.


“Tâm sinh tướng” là gì?

Ý nghĩa của câu nói “tâm sinh tướng” chính là nhấn mạnh vai trò của cái tâm đối với cái tướng của con người.

Tướng mạo, ngoại hình của một người bị chi phối bởi tâm tính của người đó - Ảnh: Unsplash

Nhiều người cho rằng, khi con người cảm thấy bình yên, vui vẻ, an nhiên tự tại thì sắc mặt hồng hào và sáng bóng, người khác nhìn vào sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Hơn thế nữa, tâm tính tốt còn giúp sở hữu dung mạo phúc hậu với những đường nét hài hòa. Điều này giúp thu hút được nhiều may mắn trong cuộc sống.

Ngược lại, người thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, hoặc thường lừa dối và toan tính hãm hại người khác thì sắc mặt sẽ dần mất đi vẻ sáng bóng và phúc hậu. Đó cũng là lý do dẫn đến dung mạo có phần kém sắc và hung dữ.


“Tâm sinh tướng” có đúng trong mọi trường hợp?

“Tâm sinh tướng” là một quan niệm hợp lý, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều trường hợp chúng ta không thể “trông mặt mà bắt hình dong”. Nghĩa là tướng mạo không quyết định hoàn toàn tâm tính và nhân cách của một cá nhân.

Có nhiều người tuy không có tướng mạo đẹp nhưng tâm hồn đẹp và thiện lành. Thay vì tướng mạo nổi bật, nguồn năng lượng tích cực của họ khiến mọi người cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Ngược lại, một người có tướng mạo đẹp đẽ nhưng bản thân lại mưu mô, xảo quyệt, ích kỷ, toan tính thì phúc tướng sẽ dần biến mất và trở nên dữ tợn, thiếu thiện cảm.

“Tâm sinh tướng” không được chứng minh hoặc xác nhận bằng khoa học. Nó thường được xem là một phần của văn hóa và tín ngưỡng dân gian. Mặc dù không có bằng chứng khoa học cụ thể về tính chính xác của “tâm sinh tướng”, nhưng đây vẫn là quan niệm tồn tại và được sử dụng cho đến tận ngày nay. Một số người tin rằng, khi quan sát tướng mạo, họ sẽ hiểu biết về tính cách, khả năng và hướng đi trong cuộc sống của chính mình và người khác.

Đánh giá một ai đó không thể chỉ thông qua việc nhận định “tâm sinh tướng” - Ảnh: Unsplash

Dù vậy, việc đánh giá con người là một quá trình phức tạp và đa chiều, không thể chỉ thông qua việc nhận định tướng mạo. Ta cần có một cái nhìn tổng thể và xem xét nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra một đánh giá đúng đắn về một người nào đó, bao gồm cả hành vi, hành động và lời nói. “Tâm sinh tướng” có thể đưa ra một số gợi ý về tính cách của một người, nhưng không nên cho điều này là “kim chỉ nam” để nhận định về tính cách, tương lai, số mệnh của người đó.

Tóm lại, “tâm sinh tướng” không phải là một khái niệm khoa học chứng minh rõ ràng, nhưng nó có giá trị với những người tin vào nó và muốn sử dụng để tìm hiểu về bản thân và người khác.


“Tâm sinh tướng” tiếng Anh là gì?


“Tâm sinh tướng” trong tiếng Anh được gọi là physiognomy . Nghĩa của từ này là nghệ thuật đánh giá tâm tính của con người dựa trên các đặc điểm ngoại hình và khuôn mặt.


“Tâm sinh tướng” trong tiếng Trung gọi là gì?

Trong tiếng Trung, “tâm sinh tướng” là 相由心生 /xiāng yóu xīn sheng/

相 /xiāng/: từ 相 xiāng trong từ 相貌 /xiàngmào/: tướng mạo. Nghĩa là vẻ bề ngoài, ngoại hình của một người.

由 /yóu/: từ 由 yóu trong từ 因由 yīnyóu nguyên nhân, lý do.

心 /xīn/: nghĩa là trái tim, nghĩa bóng là tấm lòng, trái tim của một con người.

生 /shēng/: nghĩa là sinh, sản sinh, sinh ra.

Như vậy, ta có thể hiểu câu này là tướng mạo, ngoại hình của một người là từ tâm, từ trái tim của mỗi người tạo ra. Nói cách khác, “tâm” là nhân của “tướng”, “tướng” là quả của “tâm”.


Cách để tu tâm, giúp tâm sáng

Tu tâm là quá trình tu dưỡng làm cho tâm trở nên thanh tịnh, an lạc, giúp ta hạnh phúc, nâng cao trí tuệ, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Dưới đây sẽ là một số cách tu tâm mà bạn có thể tham khảo.

Thiền định: Thiền định là một phương pháp quan trọng để tu tâm. Tập trung vào hơi thở hoặc trạng thái tâm trí giúp bạn giảm căng thẳng, từng bước thanh lọc tâm hồn.

Tin tưởng vào những triết lý hướng thiện: Chọn cho mình những triết lý sống tích cực và trí tuệ chính, sau đó tìm cách áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày.

Hành thiện: Làm việc thiện là cách tốt nhất để rèn luyện tâm hồn và giúp đỡ người khác. Bằng điều này, ta tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong xã hội và tìm thấy sự hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống.

Sống chậm: Sống chậm để kiểm soát thân tâm, giúp ta hiểu được bản thân và tránh những hành động xấu.

Tu tâm là cách hiệu quả giúp ta sống an lạc, hạnh phúc - Ảnh: Unsplash


Những cách cải thiện tướng mạo

Người xưa có câu: “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt” để nói rằng tướng mạo con người có thể sẽ biến đổi theo tâm niệm thiện ác. Theo quan điểm Phật giáo, tâm là điều quan trọng cốt lõi để phát huy tướng. Do đó, hãy luôn nuôi dưỡng tâm trong sạch, không tham lam, sân si để nâng cao phúc đức bản thân. Làm được điều này, tự khắc con người và vận mệnh sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt.

Dưới đây là một số cách giúp bạn cải thiện tướng mạo tốt đẹp hơn dựa trên cơ sở tu dưỡng tâm tính.


Giữ tâm niệm tốt

Giữ tâm niệm tốt là cốt lõi để “tâm sinh tướng”. Cuộc đời của mỗi người đều phải trải qua những biến cố. Nhưng sau tất cả, nếu bạn luôn giữ được đức tính lương thiện thì không điều gì không thể vượt qua.

Người xưa quan niệm rằng, tâm thay đổi thì cách nhìn nhận về thế giới cũng thay đổi. Vì vậy, hãy giữ cái tâm trong sáng, đẹp đẽ của mình để có thể nhìn nhận, quan sát mọi sự vật sự việc một cách thông tuệ. Điều này có thể sẽ giúp bạn sống tích cực hơn, có cái nhìn tốt đẹp về cuộc sống. Từ đó, dung mạo của bạn cũng sẽ cải thiện lên rất nhiều.


Sống tích cực

Đứng trước “giông bão” của cuộc đời, việc giữ tinh thần lạc quan chính là cách để bản thân vững vàng hơn để tiến về phía trước. Có như vậy, tâm của bạn tự khắc an yên, thu hút vận may và điềm lành.

Giữ tâm niệm tốt là cốt lõi để có được tướng mạo tốt đẹp - Ảnh: Unsplash


Không hờn giận, oán trách


Trong Phật thuyết tội phúc báo ứng kinh có đoạn: “Người xấu xí là do thường xuyên tức giận, oán trách mà thành. Người đoan trang trắng trẻo, vẻ mặt rạng ngời, thân thể mềm mại, gặp người, người thích là kết quả của tu nhẫn mà nên”.

Hãy tin rằng mọi việc xảy ra đều có nguyên do của nó. Không oán trách, bất bình, đón nhận với sự bao dung, điềm tĩnh, bạn mới có thể vững vàng bước tiếp. Đây cũng là cách để cải thiện tướng mạo của chính mình tốt hơn.


Tiếp xúc với những người có tâm hồn đẹp

Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Khi tiếp xúc với những người có tâm hồn đẹp, sống lương thiện, bản thân cũng được hưởng những nguồn năng lượng tích cực và tốt đẹp từ họ.

Người xưa dạy rằng, khi chúng ta tu dưỡng tâm tính, ta có thể thay đổi tướng mạo của mình. Mọi hạnh phúc, khổ đau đều có nguyên do của nó. Như “gieo nhân nào gặt quả đó”, gieo hạt giống tích cực, thiện lương vào cuộc đời, bạn sẽ nhận được những quả ngọt, không sớm thì muộn.


Những câu nói hay về “tâm sinh tướng”

Cho đến nay, “tâm sinh tướng” vẫn là một trong những quan niệm bàn về con người được áp dụng phổ biến trong cuộc sống. Dưới đây là một số câu nói hay về “tâm sinh tướng” hay và ý nghĩa.

Mỗi người sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình. (Abraham Lincoln)

Tâm hồn đẹp đẽ sẽ làm cho khuôn mặt trở nên rạng ngời, cuộc sống viên mãn và hạnh phúc. (Mẹ Teresa)

Tâm hồn tốt lành như ánh sáng ban mai, đưa ta đến cuộc sống viên mãn và hạnh phúc. (Thích Nhất Hạnh)

Tâm hồn đẹp đẽ chính là nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn và tràn đầy ý nghĩa. (Eleanor Roosevelt)

Tâm hồn người tốt là nguồn sáng của cuộc sống, giúp người đó luôn rạng rỡ và hạnh phúc. (Lão Tử)

Tâm là cái gốc của tướng mạo, xem xét cái tâm thì có thể tự biết được tốt xấu. Hành vi là xuất phát từ cái tâm, xem xét hành vi thì có thể biết được họa phúc. (Trần Đoàn)

Tâm hồn trong sáng, tướng mạo tự nhiên đẹp, cuộc sống viên mãn đến bất ngờ. (Ngạn ngữ Trung Hoa)

Tướng hình không bằng tướng tâm, luận tâm không bằng luận đức. (Tuân Tử)

Đừng chỉ nhìn vào tướng mạo bên ngoài, mà hãy tìm hiểu tâm hồn để biết con người đích thực. (William Shakespeare)

Khuôn mặt của bạn sẽ thay đổi. Cơ thể của bạn sẽ thay đổi. Cái đẹp vững bền duy nhất đó là cái đẹp tồn tại trong trái tim của bạn. (Lori Deschene)

Có tâm không có tướng thì tướng sẽ sinh ra theo tâm. Có tướng không có tâm thì tướng sẽ bị mất đi theo tâm. Tướng mạo, thần thái hung cát của một người biểu hiện ra bên ngoài thì có thể thay đổi tùy theo chuyển biến tâm niệm của người đó. (Quỷ Cốc Tử)

Tâm hồn đẹp đẽ sẽ tỏa sáng qua đôi mắt, khiến cho tướng mạo trở nên hấp dẫn hơn. (Paulo Coelho)

Đường tình đầu là đường tâm, tình yêu là cảm nhận sự đẹp đẽ trong tâm hồn. (Rabindranath Tagore)

Nét đẹp của tâm hồn chính là sự trung thực, biết ơn và từ bi. (Mahatma Gandhi)

Hãy chăm sóc tâm hồn của bạn, bởi đó chính là nguồn gốc của tướng mạo và cuộc sống hạnh phúc. (Dalai Lama)

Người có tâm hồn đẹp không chỉ tỏa sáng bên ngoài mà còn lan tỏa ấm áp và hạnh phúc cho mọi người xung quanh. (Charles Dickens)

Người có tâm hồn trong sạch, tướng mạo tự nhiên sáng, cuộc sống viên mãn không lo âu. (Socrates)

Tâm hồn trong sáng như ngọn lửa sáng soi, giúp ta vượt qua bóng tối và đạt được thành công trong cuộc sống. (Marie Curie)


Ca dao, tục ngữ về tướng mạo con người

Người xưa đã có những câu ví von rất thú vị về tướng mạo con người qua ca dao, tục ngữ. Thông qua sự quan sát, họ đúc kết thành những đánh giá về tướng mạo con người con người một cách cô đọng, hàm súc. Dưới đây là một số câu ca dao tục ngữ về tướng mạo con người thú vị nhất VOH gửi đến bạn.

Trán cao có cái đầu vuông Văn chương, khoa bảng có nhường ai đâu.

Những người râu mép ngoảnh ra Mép dày môi mỏng, ấy là tinh khôn.

Đàn ông miệng rộng thì sang Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà.

Bước chân thình thịch, cúi đầu Bôn ba đây đó, dãi dầu nắng mưa.

Cá tươi xem lấy đôi mang Người khôn xem lấy đôi hàng tóc mai Tóc mai sợi vắn sợi dài Có đâu mặt rỗ đá mài không trơn.

Trán cao, mắt sáng phân minh Là người học rộng, công danh tuyệt vời.

Chim sa, cá nhảy chớ nuôi Những người lông bụng chớ chơi bạn cùng.

Dái tai như hột châu thòng Có thành, có quách, dày, hồng sắc tươi Thiệt người phú quý thảnh thơi Phong lưu tao nhã trên đời chẳng sai.

Đàn bà chân thẳng ống đồng Khó con mà lại sát chồng, nguy nan.

Đàn bà chưa nói đã cười Lương duyên vất vả, cuộc đời truân chuyên.

Đàn bà tốt tóc thì sang Đàn ông tốt tóc thì mang nặng đầu.

Đàn ông gân trán nổi cao Tánh tình nóng nảy, dạt dào ái ân.

Đàn ông gối dụm, chân chàn Chẳng cô gái đẹp cũng nàng nết na.

Đàn ông mà kém bộ râu Văn chương cũng dở, công hầu đừng mong.

Những người mặt nạc đóm dày Mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn Ăn uống khoan thai là người thanh cao Ăn uống nhồm nhoàm là người thô tục Ăn uống nhồm nhoàm là phàm phu tục tử.

Đàn ông rộng miệng thì tài Đàn bà rộng miệng, điếc tai xóm giềng Người khôn con mắt dịu hiền Người dại con mắt láo liên nhìn trời!

Đàn ông trán dựng có tài Đàn bà trán dựng lâu đài soi gương.

Giọng nói răm rắp tiếng dư Trai thì can đảm, gái ư gan kỳ.

Ngồi khòm đầu gối quá tai Là người cực khổ chẳng sai chút nào.

Hai môi không giữ kín răng Là người yểu tướng, nói năng hỗn hào.

Cổ nhân có câu: “Người ta là hoa đất”. Con người là tinh hoa của trời đất, từ khi sinh ra đã mang trong mình những điều thuần khiết nhất. Muốn thay đổi diện mạo, con người cần phải tu tâm, hướng thiện. Quan niệm “tâm sinh tướng” cũng mang trong mình ý nghĩa cao đẹp đó mà được lưu truyền đến mãi đời sau.

Chia sẻ Facebook