Tam quốc: Vì sao mãnh tướng sánh ngang Triệu Tử Long nhưng không được lưu danh?

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 01:00:32

Người này là cao thủ hàng đầu của Tam Quốc dưới thời Lưu Bị, có thể sánh ngang với Triệu Tử Long  nhưng lại không được lưu danh…

Trong thời Tam Quốc, mãnh tướng nhiều như sao trời, muốn bộc lộ tài năng giữa đám đông thì phải có thành tích công trạng hiển hách. Chẳng hạn như Quan Vũ vượt qua 5 ải và chém 6 tướng, hay Lữ Bố bắn tên xuyên qua kích. Dưới trướng của Lưu Bị có một người, tuy không nổi tiếng nhưng lại là một trong những cao thủ chân chính đứng đầu trong Tam Quốc. Người này chính là Trần Đáo, ông là một trong những người đầu tiên theo Lưu Bị chinh phạt thiên hạ, tuy ít người biết về ông nhưng địa vị của ông trong quân Thục không hề thấp, luôn được Lưu Bị trọng dụng, phong làm tướng thống lĩnh đội quân Bạch Nhi.

Trang phục của đội quân Bạch Nhi. (Ảnh qua Sound Of Hope)

Khi nói đến đệ nhất mãnh tướng, người ta không thể không nghĩ đến võ tướng dũng mãnh – Triệu Tử Long. Câu chuyện Triệu vân một mình một ngựa phá vòng vây của địch cứu chủ được thiên hạ lưu truyền, nhưng Trần Đáo cũng không hề thua kém. Triệu Vân xông pha trên chiến trường, trong khi Trần Đáo chịu trách nhiệm giữ an toàn cho Lưu Bị.

Lúc đầu, Lữ Bố có một tướng quân tên là Cao Thuận, cai quản một đội quân gọi là trại cạm bẫy, bất khả chiến bại, ngay cả Tào Tháo cũng phải nể sợ. Bấy giờ khi đội quân Bạch Nhi của Trần Đáo chiến đấu với quân Cao Thuận thì không phân cao thấp, chứng tỏ rằng đây là đội quân vô cùng tinh nhuệ của Thục Quốc. Năm đó, Gia Cát Lượng có thể cử binh Bắc phạt mà không lo Đông Ngô đánh lén, một phần cũng vì nước Thục đã có đội quân của Trần Đáo trấn giữ.

Danh tiếng của Trần Đáo không được biết đến là có liên quan đến thân phận của ông, bởi vì đội quân của ông chính là vũ khí bí mật của nước Thục nên không thể cho người ngoài biết. Lưu Bị mỗi khi gặp nạn, đội quân của Trần Đáo sẽ xuất hiện tương trợ. Năm đó khi Lưu Bị thất bại ở trận Hao Đình, đối mặt với hàng vạn tinh binh của Đông Ngô, vốn tưởng rằng không có cơ hội thoát hiểm, nhưng ngay khi thời khắc nguy cấp, Trần Đáo đã đích thân dẫn quân đến giải cứu.

Tượng Trần Đáo ở thành Bạch Đế. (Ảnh qua Sound Of Hope)

Với đội quân chỉ vỏn vẹn vài trăm người mà có thể đẩy lùi truy quân của Đông Ngô, điều này cho thấy đội quân Bạch Nhi này hùng mạnh đến nhường nào. Cả Tào Ngụy và Đông Ngô đều biết Thục Hán có một đội quân lợi hại như vậy nên đã phái người đi tìm hiểu xem ai là người chỉ huy, nhưng cuối cùng tất cả đều vô ích, có thể thấy tính bí mật của đội quân này đối với Lưu Bị cao như thế nào.


Sau khi Lưu Bị qua đời, Trần Đáo giữ chức Đô đốc Vĩnh An, chinh Tây tướng quân, và trợ giúp Lý Nghiêm trấn thủ thành Bạch Đế. Gia Cát Lượng đã từng viết thư cho Gia Cát Cẩn, trong thư có đoạn nói: “Huynh cho rằng quân phòng thủ của Bạch Đế không phải là điêu luyện rắn chắc, tướng quân đóng giữ là Trần Đáo, chính là thủ lĩnh của đội quân Bạch Nhi dưới thời tiên đế. Nếu ngài ngại binh số của Bạch Nhi ít, thì có thể gửi thêm một số binh lính Giang Châu đến để tăng thêm lợi ích cho việc canh giữ thành Bạch Đế”. Năm 247 sau Công nguyên, Trần Đáo qua đời khi đang tại vị.

Mặc dù thủ lĩnh Trần Đáo của đội quân Bạch Nhi không để lại nhiều chiến công trong sử sách, nhưng danh tiếng của ông ở Thục Hán không kém gì Triệu Vân, và đóng góp của ông cho nước Thục cũng không thể phai mờ. Trần Đáo là cận vệ thân cận của Lưu Bị, vì để bảo vệ bản thân tốt hơn, Lưu Bị chưa bao giờ tuyên bố rằng ông có một vị đại tướng như vậy dưới quyền.

Hơn nữa La Quán Trung không phải là không biết có một vị anh kiệt như vậy mà là vì các sử liệu ghi chép về ông quá ít. Đối với sáng tác nghệ thuật, hình tượng của Triệu Vân và Trần Đáo bị kết hợp thành một. Ngàn năm trước ở sa trường, người trước ngã xuống người sau tiến lên, Triệu Vân trở thành vị đại tướng lớn nhất của Thục quốc còn Trần Đáo thống lĩnh đội quân Bạch Nhi lại chôn vùi theo sự tiêu vong của nước Thục.


Tử Vi (Theo Sound Of Hope )

Chia sẻ Facebook