Tam Quốc Diễn Nghĩa: Trí và mưu đều đứng sau “nghĩa”

Chia sẻ Facebook
04/04/2022 00:21:01

Kỳ thực từ tựa đề của Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng có thể nhìn ra: La Quán Trung dùng lịch sử của ba quốc gia để làm chất liệu diễn giải...

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Mặc dù phương Đông có rất nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử, nhưng cho tới nay, không có bộ tiểu thuyết nào ăn sâu vào lòng người giống như Tam Quốc Diễn Nghĩa. Bộ tiểu thuyết này đã ăn sâu vào lòng không chỉ người Trung Quốc, mà rất nhiều người phương Đông cũng đều biết đến bộ tiểu thuyết này. Nhưng rốt cuộc Tam Quốc Diễn Nghĩa vì điều gì mà được lưu truyền từ thời đại này qua thời đại khác lâu như vậy? Chẳng lẽ chỉ vẻn vẹn là vì những cuộc “đấu trí, so dũng” thôi sao? Kỳ thực từ tựa đề của Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng có thể nhìn ra: La Quán Trung dùng lịch sử của ba quốc gia để làm chất liệu diễn giải về chữ “Nghĩa”, diễn giải về đạo nghĩa làm người. “Nghĩa” là gì? Biểu hiện của “Nghĩa” như thế nào? Như thế nào mới là “Nghĩa bạc vân thiên”?

Tích “Tam cố mao lư”, Lưu Bị ba lần đến lều cỏ cầu Khổng Minh. (Tranh: Public Domain)


Những người có một chút hiểu biết về văn hóa truyền thống có lẽ đều nghe qua về những đức tính mà người xưa đề cao, xem là chuẩn mực, được gọi là “ngũ thường”. Người Việt hay gọi là “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, nhưng kỳ thực thứ tự của các đức tính này là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” . Trong đó, “Nghĩa” đứng ở vị trí thứ hai, xếp trước “Lễ, Trí, Tín” và ngay sau chữ “Nhân”.


“Nhân” là loại cảnh giới thuần thiện, xưa nay các triều đại có thể đạt đến được cảnh giới này vô cùng ít ỏi, không có mấy. Khổng Tử lúc về già mới hiểu rõ được nội hàm của chữ “Nhân”. Còn “Nghĩa”, “Lễ”, “Trí”, “Tín” là một loại nguyên tắc làm người. Đây cũng chính là lý do mà đa phần các triều đại trong lịch sử thường chỉ đàm luận về “Nghĩa”, “Lễ”, “Trí”, “Tín”.


Nói riêng về chữ “Nghĩa” này, Tam Quốc Diễn Nghĩa là một bộ truyện đặc biệt, diễn giải rất sâu về nội hàm của chữ “Nghĩa”.


Nhân vật tiểu thuyết Quan Vũ bỏ qua ân oán cá nhân, thậm chí là lợi ích quốc gia. Tào Tháo tha mạng cho ông một lần, suốt đời ông không quên ân tri ngộ đó. Không phải vì vàng bạc, địa vị mà Tào Tháo không tiếc lời mời ông, thứ mà Quan Vũ xem trọng là ân nghĩa của Tào Tháo dành cho ông. Tào Tháo dù biết Quan Vũ muốn rời xa mình nhưng cũng không giết Quan Vũ. Vì vậy, trên con đường Hoa Dung năm ấy, nếu cần, Quan Vũ có thể chết theo quân lệnh để giữ trọn chữ “Nghĩa” của mình. Quan Vũ đã đem nội hàm của chữ “Nghĩa” suy diễn đến cực hạn.


Có thể nói, Tam Quốc Diễn Nghĩa sở dĩ có thể trường tồn mãi trong lịch sử, trường thịnh không suy, chính là bởi vì chủ đề chữ “Nghĩa” cao thượng này. Cho nên, dù rất nhiều sử học gia bày tỏ không đồng ý với các nhân vật và lịch sử dưới ngòi bút tiểu thuyết của La Quán Trung, nhưng bình dân bách tính lại không để tâm đến điều đó.


Ngày nay, người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa thường chú trọng đến phương diện mưu kế của thời Tam Quốc, thậm chí viết sách, đem cả mưu kế này áp dụng ở chốn quan trường, thương trường. Việc cảm nhận được nội hàm của chữ “Nghĩa” này cũng không còn được coi trọng. Điều này thực sự là đáng tiếc, chính là “bỏ gốc lấy ngọn” , không phân biệt được đâu là chính yếu, đâu là thứ yếu.


Kỳ thực, dưới ngòi bút của La Quán Trung, trí và mưu là phạm trù nằm trong “Nghĩa”, “Nghĩa” bao hàm cả trí và mưu. Con người trước tiên phải có “Nghĩa” sau đó mới vận dụng mưu trí.


Trước tiên phải có một Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy đến chết mới thôi” rồi sau mới có một Gia Cát Lượng mưu trí. Nói cách khác, nếu như không gặp được minh quân, Gia Cát Lượng thà rằng chết già ở lều cỏ chứ không nguyện ý đặt chân vào chốn nhân gian hỗn loạn. Đây chính là điểm đáng quý của Gia Cát Lượng.


Có người nói đã viết tiểu thuyết, sao không cho Gia Cát Lượng theo Tào Tháo để sớm giúp Tào Tháo hoàn thành đại sự thống nhất thiên hạ? Người “trọng danh lợi, khinh nghĩa” sao có thể hiểu được điều này. Nếu như Tam Quốc Diễn Nghĩa chỉ đơn thuần là thể hiện mưu kế sách lược thì thực sự sẽ rất nông cạn, không thể đọng lại mãi trong lòng người như vậy.


Kỳ thực, Tam Quốc Diễn Nghĩa còn xuyên suốt rất nhiều nội hàm của tiêu chuẩn đạo đức, luân lý truyền thống. Nó vượt xa khỏi phạm trù thông thường, là một loại cảnh giới vô tư, không vụ lợi và được gọi là “Nghĩa”.


Tam Quốc Diễn Nghĩa ngoài chủ đề diễn giải về chữ “Nghĩa” ra còn có đạo lý “nhân quả báo ứng”, “thuận theo tự nhiên”, “người tính không bằng trời tính”


Suy xét một cách cẩn trọng, lấy “lịch sử làm gương soi” , thì việc ghi chép lịch sử đầy đủ không che đậy hay các tiểu thuyết lịch sử “diễn nghĩa” không phải dạy con người ta lừa gạt, càng không phải là dạy người ta mưu tính như thế nào để được lợi, mà chính là dạy người ta cách để trở thành một người tốt, được mọi người tôn kính. Bởi vì nắm chắc được điểm này cho nên Tam Quốc Diễn Nghĩa mới có thể “trường thịnh không suy” , đi sâu vào lòng người và được lưu truyền qua nhiều thế hệ, vượt ra khỏi khuôn khổ của một quốc gia, một dân tộc, một đất nước.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Khí tiết của cổ nhân: Sống làm nhân kiệt, chết làm quỷ hùng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook