Tấm huy chương đồng của Ngọc Hoa

Chia sẻ Facebook
24/05/2022 10:01:41

Vỏn vẹn 1 tấm huy chương đồng, thành tích quá đỗi nhỏ bé trong 'cơn bão' huy chương của đoàn thể thao nước nhà. Nhưng nếu bình chọn đâu là khoảnh khắc 'thể thao' nhất SEA Games 31, không thể bỏ qua sự kiện 'Ngọc Hoa'.

Hoàng Thị Ngọc Hoa trên đường chạy marathon nữ - Ảnh: HOÀNG TÙNG


Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ ở mùa SEA Games 31 đó là hình ảnh nôn thốc nôn tháo của vận động viên marathon Hoàng Thị Ngọc Hoa sau khi về đích. Có lẽ, cả những người chưa từng xem một cuộc đấu thể thao nào cũng bày tỏ sự xúc động sau khi xem đoạn clip.


Ngọc Hoa đạt được gì ở SEA Games 31?


Vỏn vẹn một tấm huy chương đồng - thành tích quá đỗi nhỏ bé trong "cơn bão" huy chương vàng của đoàn thể thao nước chủ nhà. Ở môn điền kinh, Việt Nam cũng có vô số nhà vô địch, vô số những màn thi đấu bùng nổ. Nhưng nếu bình chọn đâu là khoảnh khắc "thể thao" nhất của SEA Games 31, không thể bỏ qua sự kiện "Ngọc Hoa".

Hãy đi sâu một chút vào lịch sử của Olympic. Trước khi ra đời chính thức từ năm 1896, Olympic đã có từ thời cổ đại với xuất xứ là Hy Lạp. Đến thời hiện đại, mục tiêu của Olympic là lan tỏa tinh thần thể dục thể thao cho toàn thế giới. Và nội dung thi đấu đầu tiên, cơ bản và nguyên thủy chính là điền kinh - với marathon là trọng tâm.

Đã bao giờ bạn thắc mắc về tên gọi của marathon, về quãng đường chi tiết đến 3 con số thập phân (42,195km) của nội dung này?

Mọi thứ bắt nguồn từ huyền thoại của chàng chiến binh Hy Lạp Pheidippides - người đã chạy xuyên qua cánh đồng Marathon để báo tin thắng trận và rồi sau đó đột tử... Để tôn vinh tinh thần này, cuộc đua marathon ra đời từ đó và trở thành biểu tượng của thể thao. Quãng đường Pheidippides đã chạy cũng trở thành chuẩn mực cho cuộc chạy đua cổ xưa bậc nhất thế giới này.

Đó là một huyền thoại với nhiều chi tiết khó lòng xác thực được. Nhưng chi tiết về việc Pheidippides đột tử sau khi chạy quãng đường hơn 42km phản ánh một góc độ rất thể thao - tinh thần vượt khó và giới hạn của con người.

Hơn hai năm trước, cả thế giới vui mừng khi chứng kiến Eliud Kipchoge vượt qua cột mốc 2 giờ của một cuộc đua marathon. "Phá vỡ giới hạn" là cách mà người ta mô tả về chiến tích đó. Từ "Pheidippides đã làm được" cho đến "Kipchoge đã làm được" đã vạch ra một tương lai để "chúng ta đều có thể làm được"...

Hình ảnh nôn thốc nôn tháo của Ngọc Hoa nằm trong khoảng giữa của Pheidippides và Kipchoge. Sau hơn hai thiên niên kỷ, một vận động viên Việt Nam chuyên nghiệp ngày nay hiển nhiên ưu tú hơn nhiều so với một anh chàng thời cổ đại nhưng cũng không thể sánh với một nhà vô địch thế giới.


Vấn đề là cô đã nỗ lực hết sức mình vì một mục tiêu cụ thể. Nếu chậm lại một chút, Hoa sẽ trắng tay. Và nếu gắng gượng quá sức một cách bất hợp lý, chưa biết điều gì xấu sẽ xảy ra với Ngọc Hoa.

Đó là giá trị về tinh thần mà thể thao vạch ra cho con người, bên cạnh các nhu cầu về rèn luyện sức khỏe, hoàn thiện hình thể... Không có tinh thần nỗ lực hết mình, con người sẽ chẳng là gì. Tấm huy chương đồng mà Ngọc Hoa nhận được chỉ là một phần thưởng khiêm tốn nếu so với những người khác, nhưng lại là thứ mà Hoa cực kỳ xứng đáng.

Hơn 200 tấm huy chương vàng mà đoàn thể thao Việt Nam nhận được khiến người hâm mộ không khỏi lăn tăn - liệu nước chủ nhà có dùng "kỹ xảo", liệu những cuộc đấu đã thực sự công bằng hay chưa... Đó sẽ là những tranh cãi về chuyên môn mà thể thao chuyên nghiệp không bao giờ rũ bỏ được.

Nhưng giá trị thể thao mà Ngọc Hoa mang lại, cũng như rất nhiều những nhà vô địch, những vận động viên đã nỗ lực hết sức mình khác mang lại, là tấm huy chương mãi mãi sáng ngời, đọng lại sau một kỳ SEA Games tưng bừng.

Tại SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam thi đấu ở 40 môn. Trong đó, điền kinh và vật là hai môn mang về nhiều HCV nhất. Kế đến là bơi lội, lặn và wushu. Có 9 môn mà đoàn Việt Nam không giành được HCV, và 2 môn trắng tay.

Chia sẻ Facebook