Tấm gương mẫu mực của Từ Dụ hoàng thái hậu
Từ Dụ hoàng thái hậu nổi tiếng là người đức hạnh, yêu thương dân chúng và giỏi việc giáo dục con cái. Bà được xem như một người đức cao vọng trọng nhất của triều đình Huế trong vòng 55 năm, từ lúc bà trở thành Hoàng thái hậu dưới thời vua Tự Đức vào năm 1847, cho đến khi qua đời vào năm 1902 dưới thời vua Thành Thái.
Xuất thân trong gia đình danh giá
Bà Từ Dụ xuất thân từ dòng họ Phạm Đăng Thị tại giồng Sơn Quy (Gò Rùa), huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định, về sau thuộc khu vực ngoại thành thị xã tỉnh lỵ Gò Công thuộc tỉnh Gò Công, ngày nay là thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Bà là trưởng nữ của quan Lễ bộ Thượng thư, Cần Chính Điện Đại học sĩ, Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, mẹ là Đức Quốc phu nhân Phạm thị.
Thuở nhỏ bà có tên là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 9/5/1810. Lúc thiếu thời bà thích đọc sách, thông kinh sử và có lòng hiếu thảo. Năm 12 tuổi mẹ bà là Phạm phu nhân lâm bệnh nặng không muốn gần ai, chỉ có bà ngày đêm bên cạnh phục vụ cơm thuốc.
Tấm lòng cao cả khiến ai cũng mến phục
Bà Phạm Thị Hằng được chọn vào cung và được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu cho tác hợp với cháu nội của mình là Nguyễn Phúc Miên Tông, người sau này là vua Thiệu Trị.
Nhờ cư xử có lễ nghĩa, Phạm Thị Hằng nhanh chóng được phong làm Quý Phi. (Hầu hết các vua nhà Nguyễn không lập Hoàng Hậu, trước đó chỉ có Thừa Thiên Cao hoàng hậu thời vua Gia Long là được lập khi vua còn sống.)
Bấy giờ các quan có điều gì tâu lên Vua, bà đều ghi nhớ, đến khi Vua hỏi đến bà đều có thể thuật lại đầy đủ, vua Thiệu Trị rất yêu quý nên không gọi tên bà mà gọi là Phi.
Khi vua ở điện Khâm Văn bàn việc cùng các cơ mật đại thần, Quý Phi được lệnh ở sau rèm lắng nghe lời tâu của các quan, vua Thiệu Trị khi cần cũng hay hỏi ý kiến của Quý Phi mà có các quyết định.
Trong Hoàng cung, Quý Phi chăm nom yêu quý tất cả con cái của mình cũng như con của các phi tần khác, đều xem là con mà không phân biệt là con mình hay con ai, khiến tất cả đều coi bà là mẹ, tiếng hiền trong cung đồn xa khiến ai cũng cảm phục.
Năm 1847 vua Thiệu Trị ốm nặng, bà ngày đêm túc trực thuốc thang không nghỉ. Trước khi mất Vua bí mật phó thác cho bà, rồi triệu tập các quan nói rằng:
Quý phi là nguyên phối của trẫm, là người phúc đức hiển minh, giúp ta coi công việc trong cung cấm đã 7 năm. Nay ý trẫm muốn lập làm Hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc vì việc không làm kịp mà thôi.
Vua Thiệu Trị mất, con bà là Thái tử Hồng Nhậm lên ngôi tức vua Tự Đức. Vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ nhưng bà đều từ chối.
Năm 1849 nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận tôn hiệu Hoàng thái hậu, hiệu là Từ Dụ. Nguyên nghĩa: “Từ” là tình thương của người trên đối với kẻ dưới (vì thế mà trong nhà người mẹ còn được gọi là Từ mẫu); “Dụ” là giàu có, đầy đủ, khoan thai.
Sau này nhiều người hay phát âm chệch đi thành Từ Dũ, thực ra hai từ này có nghĩa rất khác nhau.
Hình mẫu đạo đức của hoàng gia
Trong thời kỳ này bà Từ Dụ được coi là hình mẫu đạo đức của Hoàng gia. Sách “Sách Đại Nam chính biên liệt truyện” ghi chép về bà như sau:
Thái hậu từ khi ra ở cung Gia Thọ, triều đình vẫn lấy những của ngon vật lạ trong khắp thiên hạ để phụng dưỡng, nhưng bà rất kiệm ước, mọi thứ vật dụng và ăn mặc đều mộc mạc, chẳng khác gì trước đó cả. Bà thường nói rằng:
– Ta tự xét là chẳng làm được điều gì có ích cho nhà nước nữa, cho nên, việc gì cũng phải tiết kiệm, không dám phung phí.
Bấy giờ có lệ tiến sáp vàng (tức đèn cầy tốt, làm bằng thứ sáp quý) vào cung, nhưng Thái hậu đốt rất hà tiện, vì thế mà thừa ra, sai cất vào kho. Bà nói:
– Ta còn nhớ gia tư ta hồi ta còn nhỏ cũng chẳng dư dả gì, dầu đèn chẳng đủ để thắp thâu đêm. Nay nhờ trời và nhờ phúc ấm của các bậc tiên đế mà có bốn biển, mà trở nên sang giàu đó thôi. Một sợi tơ, một hạt thóc cũng đều là máu mỡ của dân, nếu lãng phí thì trước đã không ích lợi gì, sau lại mang điều xấu rất đáng tiếc, chi bằng cất giữ để nhà nước chi dùng.
Thái hậu còn cho hay, những lụa là, gấm đoạn và châu ngọc được cung tiến từ trước, đều giao chứa vào kho chớ chưa từng dùng đến, vì tính của Thái hậu không thích lòe loẹt chớ không phải là dè sẻn đến quá mức đâu. Vua vào trong cung, thấy trong các thứ ngự dụng của Thái hậu, có cái quạt giấy nan tre đã cũ, chén bát ăn cơm thì dùng đã lâu ngày, có cái rạn vỡ, bèn sai người hầu đi đổi cái khác, nhưng Thái hậu không cho. Vua lại thấy cái túi đựng hạt thủy tinh để xoa mắt đã cũ (Thời ấy, người ta quan niệm rằng, nếu lấy hạt thủy tinh, loại như hòn bi trẻ con chơi đem xoa đều vào mắt thì mắt sẽ sáng ra), xin đem đổi cái túi mới, Thái hậu nói rằng:
– Cái hạt thủy tinh để xoa mắt chỉ làm cho mắt hơi mát mà thôi, việc chữa trị không công hiệu lắm. Nếu đem đổi cái mới thì để lâu nó cũng cũ đi, chi bằng cứ để nguyên cái cũ đổi mà làm gì?
Những sự kiệm ước (của Thái hậu) đại loại là như thế.
Có người trong họ không lo học hành, xin được làm thị vệ trong cung, bà Từ Dụ liền nói rằng:
Người trong làng trong họ, lo gì không hiển đạt, chỉ sợ không có tài mà thôi. Trước đã thương cấp tiền gạo và làm nhà cửa, khiến có điều kiện để chuyên tâm học hành, để may mà đỗ đạt thì cũng là làm rạng danh cho nhà. Nào ngờ, hắn chỉ như cây gỗ mục, không thể đem mà đục hay chạm gì được. Lười việc học hành mà dám cầu cạnh, phụ ý tác thành của ta. Vả chăng, Thị vệ cũng là chức vụ, lẽ đâu lạm bổ được. Người trong làng trong họ, nếu được bổ làm quan thì cũng chỉ vâng mệnh chầu hầu, đâu được bắt đi tòng quân dự việc ở xa. Giá như cứ hễ xin là được thì chẳng lẽ người trong làng trong họ, ai cũng làm quan hay sao? Việc ấy thực là trái với ý của thân già này.
Mỗi khi tới ngày lễ, hay ngày mừng thọ mình, bà đều tìm cách thoái thác hay trì hoãn, thực chất là không muốn nhận quà cáp hay lãng phí của công, sợ khổ đến dân.
Khi người Pháp bắc cây cầu Trường Tiền bằng sắt và bắt dân đóng thuế để có tiền làm cầu, bà Từ Dụ thay mặt dân viết đơn xin miễn thuế cho dân.
Dạy vua Tự Đức
Theo sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn” thì bà Từ Dụ chủ trương không xen vào việc Triều đình, nhưng luôn ở bên cạnh con để bảo ban khuyên nhủ đạo lý làm Vua. Bà thường khuyên Vua “phải dùng những ông quan thanh liêm, có lòng nhân nghĩa để lương dân bớt khổ”.
Được bà Từ Dụ nuôi dạy từ nhỏ, vua Tự Đức rất nghe lời. Truyện kể rằng một lần vua đi săn tại rừng Thuận Trực, nhưng gặp phải nước lụt không về được, trong khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày kỵ vua Thiệu Trị (ngày qua đời), vì thế mà bà Từ Dụ nóng lòng sai Nguyễn Tri Phương đi tìm Vua.
Biết mẹ mình đang lo lắng, nên dù về đến Cung lúc nửa đêm, vua Tự Đức vẫn đi thẳng sang cung của Thái hậu, rồi lạy tạ xin chịu tội, nhưng bà Từ Dụ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng. Vua lấy roi dâng lên cho mẹ, rồi tự nằm xuống xin chịu đòn.
Bà từ Dụ thấy Vua đã biết tội liền nói: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kỵ”.
Thấy Vua thích săn bắn bà Từ Dụ nhắc nhở con rằng:
Vật cũng như người, bắn chết con trống thời con mái thương nhớ, bắn con thời con mẹ thảm buồn, rứa thời bắn mà làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn. Tự hậu phải bớt bớt đi, chẳng nên sát hại sanh vật.
Khi bà đến tuổi ngũ tuần, vua Tự Đức cùng Triều thần dâng sớ xin tổ chức lễ lạt, bà trả lời rằng:
Ta đã được thiên hạ phụng sự, nên lo những việc thiên hạ đương lo. Năm nay chưa đặng mùa, nhân dân đều chưa được vui sướng, chính lúc hoàng đế phải chăm lo, lòng ta nào nỡ thản nhiên.
Vả lại tính ta vốn kiệm ước chẳng chuộng phù hoa, không ngờ ngày nay hưởng được tôn vinh, ta thường e sợ, tu tỉnh chẳng rồi, huống chi còn gia thêm cho hư danh để ta còn nặng cái lỗi thất đức hay sao?
Vậy thì sớ thỉnh ấy nên bãi đi, chỉ nguyện chư công và quần thần lo giúp chính trị, giáo dục thế nào cho ta được thấy thanh trị thái bình, thì không chi vui bằng.
Bà Từ Dụ không chỉ dạy con tốt, mà tự mình còn làm gương, nên vua Tự Đức rất xem trọng ý kiến của bà, các lời dạy của bà đều được nhà Vua ghi chép cẩn thận trong cuốn “Từ huấn lục”. Ngày lẻ thì Vua thiết Triều nghị luận với quần thần, ngày chẵn thì vào chầu Thái hậu.
Bà Từ Dụ mất năm 1902 thọ 92 tuổi, cuộc đời bà được lại trong lịch sử như là một tấm gương mẫu mực. Ngày nay tên bà được đặt cho Bệnh viện Phụ sản nổi tiếng ở Sài Gòn là bệnh viện Từ Dũ.
Trần Hưng
Mời xem video :