'Tạm giữ hình sự' Cựu Giám đốc Hải Phòng Đỗ Hữu Ca: Người từng chỉ huy vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng - BBC News Tiếng Việt
Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca từng chỉ huy vụ cưỡng chế đất 'Tiên Lãng' vào năm 2012 lúc ông đương chức bị 'tạm giữ hình sự'.
'Tạm giữ hình sự' cựu chỉ huy vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng
19 tháng 2 2023
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng
bị tạm giữ
, khám xét nhà riêng, theo Bộ Công an Việt Nam, có liên quan đến một vụ án hình sự "trốn thuế, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" ở Quảng Ninh và Hải Phòng.
Nhiều tài liệu đã được thu giữ tại nhà riêng của ông Đỗ Hữu Ca ở Hải Phòng, theo trang Thông tin Chính phủ .
Ông Đỗ Hữu Ca được biết đến nhiều nhất với vai trò chỉ huy vụ cưỡng chế đất 'Tiên Lãng' vào tháng Giêng năm 2012 lúc ông đương chức Giám đốc Công an Hải Phòng.
Khi đó vụ cưỡng chế thu hồi đất với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã trở thành sự kiện chính trị lớn tại Việt Nam.
Năm 2019, ông Đỗ Hữu Ca thôi chức Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng.
'Một trận đánh đẹp'
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Hiện trường nhà của ông Đoàn Văn Vươn sau vụ cưỡng chế, ảnh vào tháng 02/2012
Năm 2012, gia đình ông Vươn đã nổ súng làm bị thương một số công an khi chính quyền huy động công an, quân đội cưỡng chế, thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng.
Sau đó, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận hai quyết định thu hồi đất với ông Vươn năm 2008 và 2009 của huyện Tiên Lãng là trái pháp luật.
Ông Đoàn Văn Vươn và em trai Đoàn Văn Quý bị tuyên phạt y án 5 năm tù trong phiên xử Phúc thẩm ngày 31/7/2013 về tội "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ". Ông đã được ra tù vào năm 2015.
Sau xung đột này, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang bị đình chỉ chức vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng bị cách chức do để xảy ra vụ án hủy hoại tài sản tại khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn.
Tuy nhiên ông Đỗ Hữu Ca, cựu Đại tá, Giám đốc Công an Hải Phòng, người chỉ huy vụ cưỡng chế đất mà ông gọi là "một trận đánh đẹp", lại được Thủ tướng Dũng quyết định phong hàm thiếu tướng.
Vụ án này thu hút dư luận Việt Nam vì được xem là đỉnh điểm về xung đột về đất đai và những bất cập cả pháp luật và thực thi pháp luật ở các cấp địa phương.
Trong bài viết gửi đến BBC News Tiếng Việt vào năm 2020, Nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh bình luận:
"Một vụ tấn công trái luật, mà chỉ chính quyền huyện Tiên Lãng phải chịu trách nhiệm, còn lực lượng công an, quân đội tham gia thì "vô can".
Ông Đại tá Đỗ Hữu Ca lớn giọng tự ngợi ca đó là một trận "đánh đẹp", để rồi ngay trước phiên tòa phúc thẩm xử Đoàn Văn Vươn, ông được phong hàm thiếu tướng.
Ở vụ Cống Rộc, lực lượng công an bị "mất mặt" quá nặng. Họ không những sai mà còn bộc lộ năng lực chuyên môn quá yếu kém."
Năm 2019, tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam đã bị phạt bị phạt 50 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động 2 tháng vì thông tin bị cho là "sai sự thật" trong bài viết về biệt phủ của gia đình thiếu tướng Đỗ Hữu Ca ở Hải Phòng.
Theo tạp chí này mô tả trong bài viết thì đây là một biệt phủ "lấn sông rộng hàng nghìn mét vuông", "uy nghi", "đồ sộ" và "tráng lệ".