Tạm biệt dòng tiền dễ dãi: "Chúng ta được đưa về mặt đất sau những ngày đánh đâu thắng đó với kỳ vọng trên trời, nhiều F0 sẽ phải rời thị trường"
"Chúng ta được thị trường đưa về lại mặt đất sau những tháng ngày đánh đâu thắng đó với kỳ vọng trên trời. Trong cuộc thanh lọc này, không ít nhà đầu tư F0 sẽ rời bỏ thị trường chứng khoán. Nhưng những người ở lại sẽ học được bài học để đầu tư đúng đắn và bền vững hơn".
Lãi suất trái phiếu Mỹ lên cao nhất kể từ 2018
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mốc 2,75% trong ngày 13/4, khi nhà đầu tư đang xem xét con số lạm phát gần nhất. Trước đó, lợi suất này có lúc vượt 2,82%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm ở mức 2,841%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 8,4% từ Dow Jones. Nếu không tính đến thực phẩm và năng lượng, CPI tháng 3 tăng như kỳ vọng 6.5%, đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã vạch ra một kế hoạch được chờ đợi từ lâu nhằm thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khổng lồ. Theo đó, bên cạnh việc nâng lãi suất quyết liệt, Fed dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1 ngàn tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán trong vòng 1 năm, nhằm chống lại mức lạm phát đang cao nhất trong 4 thập kỷ.
Ngoài ra, nhiều quan chức Fed xem việc nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm ít nhất một lần trong năm nay là phù hợp nếu trong thời gian tới sức ép giá cả không giảm đi. Tháng 3 vừa qua, Fed đã có đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm.
Tại Việt Nam, dù chính sách tiền tệ có độ trễ tầm 6 tháng so với FED nhưng nhiều chuyên gia dự báo lãi suất sẽ sớm được nhích lên khoảng 0,5% trong năm 2022 do áp lực lạm phát đến từ yếu tố nhập khẩu hàng hoá, xăng dầu tăng giá gần đây. Thực tế, đầu tháng 4 nhiều nhà băng Việt đã nhích dần lãi suất huy động các kỳ hạn, tuy vậy mức tăng nhẹ chỉ 0,2-0,3%.
Nhà đầu tư dù muốn hay không cũng phải chấp nhận sự thật rằng lãi suất huy động của các nhà băng, lãi suất trái phiếu đang từ từ nhích lên. Dòng tiền rẻ vốn có sức mạnh vô song trong 2 năm 2020-2021 khiến thị trường chứng khoán Việt đạt được kỷ lục tăng trưởng gần 36%, lọt top 3 của châu Á nay đang yếu dần.
Nhìn vào thanh khoản thị trường những ngày gần đây, khi thị trường tăng hay giảm dòng tiền vẫn rất yếu, thanh khoản chỉ loanh quanh ở mức 16.000 - 25.000 tỷ/phiên khác hẳn với mức thanh khoản 30.000 - 40.000 tỷ/phiên cuối năm 2021.
Viễn cảnh thị trường khi dòng tiền dễ dãi không còn
Quỹ đầu tư SGI Capital do ông Lê Chí Phúc sáng lập mới đây có đưa ra một số nhận định về viễn cảnh thị trường chứng khoán khi dòng tiền rẻ không còn.
Theo SGI Capital, FED đã giảm quy mô gói QE từ cuối năm 2021, tăng lãi suất và dừng gói QE từ cuối quý 1/2022, và có thể bắt đầu giảm quy mô tài sản nắm giữ (QT) từ tháng 5.
"Có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, dòng tiền yếu, vay nợ nhiều, và chỉ sống được nhờ tiền rẻ. Nhiều cổ phiếu và tài sản đầu cơ cũng đã tăng giá rất mạnh trong thời tiền rẻ. Nhưng khi thủy triều rút, chúng ta sẽ biết ai không mặc quần. Khi tiền rẻ không còn, các tài sản có tính đầu cơ, các mô hình kinh doanh "đốt tiền", vay nợ cao, nhiều mơ mộng với định giá đắt, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Những doanh nghiệp có lợi nhuận thực chất, dòng tiền mạnh mẽ sẽ tiếp tục phát triển", SGI Capital nhận định.
Theo đó, SGI cho biết, cổ phiếu của các kỳ lân công nghệ đình đám GRAB, SEA (mẹ SHOPEE), và RIVIAN (hãng xe điện số 2 Mỹ) đều đã mất giá hơn 70% kể từ quý 4/2021.
Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, rất nhiều cổ phiếu được đầu cơ mạnh trong quý 4/2021 thuộc nhóm bất động sản, chứng khoán, Pennies, Midcaps... cũng đã mất 30-50% so với đỉnh. Nhưng đồng thời, không ít cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp cơ bản xuất sắc vẫn liên tục tăng, tạo các đỉnh giá mới.
Đây không phải lần đầu SGI Capital nói về những kỳ vọng mộng mơ của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán dựa trên dòng tiền dễ dãi.
Đầu năm 2022, SGI đã nhận định năm 2022 sẽ không có chỗ cho dòng tiền dễ dãi và những kỳ vọng mộng mơ.
"Khi đồng tiền không còn dễ dãi, việc chọn lựa kênh đầu tư lúc đó đòi hỏi chất xám hơn nữa. Điều đó quyết định hiệu quả đầu tư cao hơn. Năm 2021, nửa đầu năm, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu cơ bản tốt, từ tháng 6 thì điều chỉnh dồn vào dòng vốn hoá nhỏ và vừa, nhóm đầu cơ, nhóm bất động sản tăng mạnh nhất.
Bây giờ tìm một cổ phiếu trà đá có giá dưới 10.000 đồng trên 3 sàn giờ là rất hiếm trong khi cách đây nửa năm thì hơn 100 cổ. Những cổ phiếu tăng từ vài nghìn lên 25.000-30.000 đồng rất nhiều, có những cổ phiếu tăng 7-10 lần trong 3-4 tháng. Không có doanh nghiệp nào có sự tăng trưởng đột phá trong một thời gian ngắn như vậy nên sự tăng giá đó cũng bao gồm rất nhiều phần đầu cơ. Những rủi ro của cổ phiếu đầu cơ đó trong môi trường chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn cũng rủi ro lớn hơn", CEO Lê Chí Phúc đánh giá.
Trong bối cảnh sự thận trọng về các rủi ro chung đang cao và dòng tiền rẻ không còn, SGI Capital duy trì quan điểm về một kịch bản thị trường phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng. Trường phái giao dịch ngắn hạn sẽ rất khó kiếm tiền trong môi trường này nếu không làm đúng cả hai việc là lựa chọn đúng cổ phiếu và đúng thời điểm mua bán mới có thể có lãi. Dự đoán thị trường ngắn hạn chưa bao giờ dễ và càng trở nên khó hơn trong giai đoạn nhiều biến động này.
SGI cho rằng trọng tâm của thị trường tài chính quý 1 và quý 2 sẽ là những kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp tận dụng sự hồi phục của kinh tế Việt Nam và mở cửa của thế giới. Từ đây tới mùa Đại hội cổ đông, các thông tin về kế hoạch kinh doanh 2022 của các doanh nghiệp sẽ là tâm điểm chú ý của dòng tiền.
Mới đây, SGI Capital cũng có đánh giá tích cực về việc Chính phủ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán. Theo đó, SGI Capital nhận định động thái chủ động xử lý nghiêm các vụ việc, vi phạm trên thị trường chứng khoán của Chính Phủ sẽ giúp tiếp tục gia tăng niềm tin, sàng lọc doanh nghiệp và nhà đầu tư.