Tài xế taxi công nghệ nhảy việc nhiều, người dùng khó gọi xe

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 10:11:51

Khi giá xăng tăng cao kỷ lục, thu nhập của tài xế taxi công nghệ đã không còn hấp dẫn. Nhiều người bán xe, chuyển việc, khiến người dùng cũng khó gọi xe hơn.

Tài xế taxi công nghệ nhảy việc nhiều, người dùng khó gọi xe


"Làm nghề này giờ khó sống lắm bạn ơi, tiền xăng rồi tiền chiết khấu cho hãng trừ đi rồi thu về chẳng được bao nhiêu", anh T. Đức (quận Tân Bình, TP.HCM ) - tài xế đối tác xe hơi của một ứng dụng gọi xe - chia sẻ với Zing.


Theo anh Đức, anh cùng nhiều đồng nghiệp đã cố gắng trụ qua đợt dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất tới TP.HCM . Tuy nhiên ngay sau dịch bệnh thì giá xăng lại tăng cao, hiện ở mức 30.000 đồng/lít khiến thu nhập từ nghề lái xe ngày càng thấp đi.

Thu nhập không còn hấp dẫn

"Dự báo sắp tới xăng lại lên mức kỷ lục, ứng dụng thì không tăng giá cước, tôi còn tiền trả góp xe nữa. Giờ tính ra cho người khác thuê xe tự lái rồi mình đi làm việc khác thu nhập khéo lại tốt hơn", anh Đức than thở, cho biết đang có dự định học thêm nghề điện lạnh.

Lượng tài xế bỏ việc tăng cao đã khiến người dùng khó khăn hơn trong việc đặt xe taxi công nghệ. Ảnh: Be.

Những tài xế không còn mặn mà với nghề taxi công nghệ như anh Đức không phải là ít, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng cao. Lượng tài xế ngày càng ít đi khiến cho việc đặt xe của người dùng cũng trở nên khó khăn hơn.

"Mình có chuyến bay gấp cần ra sân bay, đã tính toán khởi hành từ nhà trước 2 giờ đồng hồ để di chuyển mà đặt xe 30 phút chưa có tài xế tới đón", anh N. Minh (TP Thủ Đức) chia sẻ về trải nghiệm đặt xe ra sân bay trong ngày cuối tuần mưa lớn.

Anh Minh cho biết lượng xe xung quanh anh hiện trên ứng dụng là khoảng 3 xe, nhưng chờ rất lâu không có tài xế nào nhận cuốc xe. "Chờ khoảng 15 phút thì có một tài xế nhận cuốc, nhưng người này tới đón mình rất đủng đỉnh. Khoảng cách từ tài xế tới mình là khoảng 2 km thôi nhưng định vị cho thấy anh này hầu như không di chuyển, trong khi mình gọi điện cũng không bắt máy", anh Minh bức xúc.

Do sợ trễ chuyến bay, anh Minh đành chấp nhận đội mưa, ôm vali để di chuyển bằng xe ôm công nghệ. Dù giá rẻ hơn nhưng theo người dùng này là trải nghiệm không hề thoải mái khi phải ôm chiếc vali 7 kg và bị mưa ướt suốt quãng đường từ Thủ Thiêm đến sân bay Tân Sơn Nhất.


Tương tự, chị A. Thư (quận 7, TP.HCM ) cũng ghi nhận tình trạng khó gọi xe taxi công nghệ trong khoảng hơn 1 tháng gần đây. Chị Thư thường xuyên sử dụng xe taxi công nghệ để đi làm và trở về nhà mỗi ngày, tuy nhiên theo chị thời gian chờ xe từ khoảng 5 phút như trước đây nay đã lên 15 phút hoặc hơn. Thậm chí những ngày mưa to, chị không thể gọi được xe dù giá cước đã lên mức cao theo thuật toán của ứng dụng.

Ứng dụng tìm cách tăng thu nhập cho tài xế

Về tình trạng tài xế taxi công nghệ đồng loạt bỏ việc vì thu nhập không còn hấp dẫn, đại diện Grab Việt Nam cho biết đang triển khai một số chương trình thưởng hấp dẫn để giữ chân lái xe. Doanh nghiệp chia sẻ đang triển khai các chương trình thưởng giúp tài xế đảm bảo doanh thu theo khung giờ hoạt động hoặc thưởng đón khách xa. Những chương trình này nhằm khuyến khích đối tác tài xế tích cực hoạt động hơn, từ đó có thêm cơ hội tăng thu nhập.

"Grab sẽ tiếp tục theo dõi các biến động của thị trường để có thể thực hiện những chương trình phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho đối tác tài xế và người dùng", ứng dụng này cho biết.


Về phía ứng dụng Be, đại diện Be Group - đơn vị vận hành ứng dụng - chia sẻ từ cuối năm 2021, Be đã triển khai nhiều chính sách kích cầu dành cho khách hàng, song hành cùng các chương trình thưởng lớn cho tài xế như thưởng hoàn tiền lên tới 6,5% doanh thu cuốc xe cho năm 2022. "Nhiều tài xế beBike tại TP.HCM đã tăng tới 30% thu nhập trong 2 tháng trở lại đây", vị này khẳng định.

Các ứng dụng đang tích cực tìm giải pháp để tăng thu nhập và phúc lợi cho tài xế đối tác taxi công nghệ nhằm giữ chân lực lượng lao động này. Ảnh: Grab.

Ứng dụng này cũng cho biết đã đầu tư vào các chính sách bảo hiểm cho tài xế. Tài xế được cung cấp bảo hiểm tai nạn 24/7 lẫn bảo hiểm sức khoẻ, qua chương trình bảo hiểm beHealthcare với mức chi trả cho các khoản nội trú ốm đau, bệnh tật hay thương tật lên đến 70 triệu đồng. Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo lên đến 110 triệu đồng. Tổng giá trị cho gói bảo hiểm đến 350 triệu đồng. Tài xế được chọn cơ sở y tế mong muốn với quyền lợi bảo hiểm cao so với chương trình bảo hiểm y tế thông thường.


Trước đó, ứng dụng này cũng giảm chiết khấu lên đến 10% cho các tài xế beCar thân thiết tại TP.HCM , Bình Dương, Đồng Nai. Mức chiết khấu với các tài xế được giảm kể từ ngày 17/3 nhằm chia sẻ khó khăn với tài xế trong giai đoạn phục hồi kinh tế, chi phí tăng cao như hiện nay.

Khảo sát do Grab phối hợp cùng Tổng Liên đoàn phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện cho thấy thu nhập bình quân (đã trừ phí, xăng…) của lái xe mô tô hiện ở mức 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng còn lái xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng.

Các chuyên gia cũng lưu ý hiện hàng trăm nghìn tài xế chạy xe công nghệ hầu như không ai được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong khi đây là nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro.

Ngô Minh


Zing.vn

Chia sẻ Facebook