Tài xế điều khiển xe Santafe gây tai nạn liên hoàn ở Hà Đông khai có tiền sử bị động kinh
Làm việc với nhà chức trách, Hưng khai nhận bản thân có tiền sử bị bệnh động kinh nặng, mỗi khi lên cơn gần như trí nhớ không còn.
Tài xế Santafe khai có tiền sử động kinh
Hiện vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn quận Hà Đông (thành phố Hà Nội) đã được chuyển sang cơ quan điều tra thuộc Bộ Quốc phòng để tiếp tục làm rõ, bởi một ôtô liên quan vụ việc trực thuộc lực lượng quân đội.
Tài xế điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Hyundai Santafe gây tai nạn được xác định là Hà Thanh Hưng (sinh năm 1977, ở Yên Bái, tạm trú tại phường La Khê, quận Hà Đông).
Qua làm việc, Hưng cho biết thời điểm xảy ra tai nạn, anh không biết đã gây ra chuyện gì. Khi đó có nhiều người người hỏi nhưng anh ta chỉ biết xua tay xin lỗi.
Kết quả kiểm tra của công an cho thấy người đàn ông này không có nồng độ cồn và âm tính với chất ma túy trong cơ thể.
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, TS. LS Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thông tin ban đầu tài xế có dấu hiệu mất kiểm soát, không làm chủ được tốc độ dẫn đến tai nạn liên hoàn.
Trong vụ việc này, hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của các nạn nhân là rất rõ ràng.
Do đó, vấn đề còn lại là làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn là do yếu tố kĩ thuật hay do lỗi của người điều khiển, đây là mẫu chốt của vấn đề để xác định có khởi tố vụ án hình sự hay không?.
Trường hợp có căn cứ cho thấy tài xế Hyundai Santafe không làm chủ, không kiểm soát được tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người đàn ông này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo TS. Luật sư Cường, hành vi có lỗi, không tuân thủ quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong trường hợp làm chết người, tài xế có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm và có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm nếu không có giấy phép lái xe.
Ngoài ra, tài xế gây tai nạn còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân bao gồm chi phí chữa trị, chăm sóc đối với nạn nhân bị thương, thu nhập bị mất, chi phí mai táng đối với nạn nhân tử vong và tổn thất về tinh thần theo quy định của Bộ luật dân sự.
Người gây tai nạn còn phải bồi thường tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ phải cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường phải không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Nếu cần thiết sẽ trưng cầu giám định tâm thần đối với tài xế gây tai nạn
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra Bộ quốc phòng nếu khởi tố vụ án hình sự, có thể sẽ giám định tâm thần đối với người lái xe Santafe?....
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì kết quả xác minh cho thấy người đàn ông lái xe Santafe không có nồng độ cồn, cũng không dương tính với ma túy.
"Tuy nhiên, nam tài xế cho biết có tiền sử bệnh động kinh. Bệnh động kinh là một dạng của bệnh lý tâm thần có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người bệnh....
Với thông tin này thì cơ quan điều tra sẽ yêu cầu gia đình cung cấp hồ sơ bệnh án, đơn thuốc và làm rõ quá trình điều trị tâm thần của người đàn ông này như thế nào.
Nếu cần thiết sẽ trưng cầu giám định tâm thần để xác định tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra ngày này có mắc bệnh đến mức làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tại thời điểm lái xe gây tai nạn, người đàn ông này mắc bệnh tâm thần đến mức không kiểm soát được hành vi của mình thì người này sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Còn trường hợp kết quả giám định pháp y tâm thần cho thấy người này tuy có tiền sử bệnh tâm thần nhưng tại thời điểm thực hiện hành vi lái xe gây tai nạn, người này hoàn toàn nhận thức, điều khiển được hành vi của mình và vụ tai nạn do lỗi xử lý tình huống, không làm chủ tốc độ thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự..." TS. Luật sư Cường nói.
TS. Luật sư Cường cho biết thêm, điều đáng chú ý là theo thông tin từ gia đình thì trong thời gian điều trị bệnh tâm thần Hà Thanh Hưng được cấp giấy phép lái xe.
Đây là sự việc không thể xem nhẹ, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hồ sơ cấp giấy phép lái xe, thủ tục cấp giấy phép lái xe được thực hiện như thế nào?.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi cấp giấy phép lái xe cho người tâm thần dẫn đến hậu quả người này tham gia giao thông và gây tai nạn chết người thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội giả mạo trong công tác, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc các tội danh khác có liên quan đến thủ tục cấp giấy phép lái xe?.
Còn trường hợp tại thời điểm sát hạch, cấp giấy phép lái xe người này đã điều trị ổn định, che giấu tiền sử bệnh tâm thần, động kinh, kết quả khám sức khỏe để sát hạch lái xe đến khi được cấp giấy phép lái xe bệnh mới tái phát thì cơ quan chức năng sẽ không xem xét trách nhiệm của đơn vị cấp giấy phép lái xe.
Cơ quan điều tra sẽ thận trọng trong việc thu thập thông tin, đánh giá chứng cứ, đặc biệt là khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người đàn ông này khi vụ tai nạn xảy ra, để xác định người đàn ông này có lỗi hay không và yếu tố bệnh lý về thần kinh, động kinh cũng là yếu tố quan trọng để xác định năng lực hành vi của người đàn ông này, làm cơ sở áp dụng pháp luật theo quy định.
Vụ việc này một lần nữa cho thấy việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe đòi hỏi rất thận trọng, nghiêm túc và đúng quy trình, quy định pháp luật để giảm thiểu những vụ việc tai nạn thương tâm.
Đồng thời mỗi người phải có ý thức trong việc tham gia giao thông, với những người có tiền sử bệnh động kinh, tâm thần thì không nên điều khiển phương tiện giao thông dù là đã điều trị ổn định.
Phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, có thể gây ra tai nạn bất kỳ lúc nào. Chỉ cần thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, lơ đễnh một chút là có thể gây tai nạn.
Với người có tiền sử động kinh, hoặc các bệnh khác về tâm thần thì mức độ nguy hiểm rất cao khi họ tham gia giao thông. Đây là những vấn đề cần phải được quan tâm, chú trọng trong công tác sát hạch lái xe cũng như quản lý an toàn giao thông đường bộ nhưng trước tiên đòi hỏi ý thức của người tham gia giao thông trong những tình huống tương tự.