Tài thiện xạ và thủy quân thời Trịnh-Nguyễn trong mắt người phương Tây
Binh lính thời Lê Trung Hưng được huấn luyện rất bài bản. Tài thiện xạ của họ đã được những người phương Tây tận mắt chứng kiến và ghi nhận.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Thời Lê Trung Hưng, đất nước lâm vào cảnh chiến trận liên miên, cũng vì thế mà binh lính đều được huấn luyện rất bài bản và tinh nhuệ. Tài thiện xạ của binh lính thời bấy giờ đã được những người phương Tây tận mắt chứng kiến và ghi nhận.
Một thương nhân người Pháp là Tavernier đã mô tả rằng các quan võ trong triều đình thường cho con cái học võ từ khi 11 – 12 tuổi, đầu tiên là đánh gươm múa kiếm, rồi sau đó học bắn cung, cưỡi ngựa, rồi đến vừa cưỡi ngựa vừa bắn cung, sau đó là bắn súng hỏa mai. Tất cả những điều này được xây dựng thành chương trình khá hoàn chỉnh cả về lý thuyết lẫn thực hành.
Trong bức thư ngày ngày 12/12/1626 của một người Ý là Baldinotti với tiêu đề “Tường thuật về vương quốc Đàng Ngoài, vùng đất mới phát hiện được” có ghi chép rằng:
Nhà vua rất trọng võ, luôn cho tập cưỡi ngựa, voi và bắn cung. Người rất thích bắt những thuyền phải bơi đi bơi lại theo nhiều cách, theo nhịp điệu của những nhạc cụ gõ như là bắt các thuyền nhảy múa vậy.
Baldinotti cũng mô tả rằng:
Đặc biệt họ bắn súng thần công và súng tay rất giỏi. Da họ trắng, tầm người cao, nhanh nhẹn và can đảm
Thương gia Samuel Baron trong cuốn “Địa chí vương quốc Đàng Ngoài viết năm 1683” có ghi chép về tài bắn của binh lính Đàng Ngoài như sau:
Binh sĩ của họ là những người bắn giỏi, tôi nghĩ rằng họ ít thua kém ai, họ vượt xa nhiều nước khác trong việc sử dụng khéo léo súng hoả mai và bắn nhanh. Họ ít dùng súng, thường dùng cung tên và họ sử dụng cung tên lại càng giỏi.
Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes trong cuốn sách “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” năm 1651 có kể câu chuyện rằng:
Một lính Bồ (tức Bồ Đào Nha) rất giỏi bắn súng bị một lính Đàng Ngoài thách bắn đạn giả. Người Đàng Ngoài bắn thâu qua vòng giữa đích. Còn người Bồ sợ mình thua cuộc và để cứu danh dự liền lập mưu bắn không đạn: khi tìm xem đạn có bắn trúng vòng giữa hay không, thì chẳng thấy vết tích gì. Người Bồ liền đáp, là vì đã bắn trúng điểm và lọt vào đúng cái lỗ hòn đạn người kia.
Trong một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, một người Anh là William Dampier đã mô tả binh lính nhà Lê rất thiện chiến, cả kỵ binh và bộ binh đều khéo léo và bắn rất giỏi cả cung và súng.
William Dampier mô tả rằng:
Đích là một cái bình bằng đất nung màu trắng, đặt trên một ụ đất. Khoảng cách đứng bắn khoảng 80 yard (1 yard = 0,914m). Xạ thủ nào bắn vỡ bình đầu tiên được thưởng chiếc áo choàng đẹp nhất. Những người may mắn bắn trúng những cái bình còn lại cũng được những thứ trị giá thấp hơn hoặc được thưởng bằng tiền. Vua chi tiền cho các hoạt động này nhằm khuyến khích sự hăng say luyện tập để họ có thể bắn trúng đích và trên thực tế họ rất chóng tiến bộ.
Họ tiến hành các động tác nạp đạn vào súng rất nhanh. Động tác thứ nhất là hạ súng xuống, động tác tiếp theo là nhồi thuốc súng và nạp đạn. Họ tiến hành thêm hai động tác nữa để thu súng về và đặt súng vào vị trí cũ. Tất cả bốn động tác được tiến hành rất khéo léo và nhanh. Khi họ bắn vào đích đã ngắm, phát đầu tiên thường rất thành công.
Bên cạnh tài thiện xạ, người phương Tây cũng rất chú ý tới thủy quân của binh lính Đàng Ngoài và Đàng Trong. T heo các ghi chép của Alexandre de Rhodes thì thủy binh Đàng Ngoài có từ 500 đến 600 chiến thuyền; trong đó chiến thuyền Đàng Trong chỉ khoảng 200 chiếc.
Thế nhưng thủy quân Đàng Trong phát triển nhanh chóng. Thomas Bowyear, một thương nhân người Anh từng đến Đàng Trong trong 2 năm 1695-1696 mô tả rằng: Thủy quân Đàng Trong thời Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) có “200 chiến hạm, mỗi chiếc có 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo, 100 chiếc thuyền lớn từ 50 đến 75 tay chèo, 3 chiếc của người Âu”.
Sở dĩ Đàng Trong có được chiến thuyền kiểu châu Âu là do chúa Nguyễn cho người trục vớt hai con tàu Eulden Buis và Maria de Madicis của Hà Lan bị đắm ở đảo Cù Lao Chàm tháng 11 năm 1641, dựa theo mô hình của tàu này mà đóng thêm những tàu chiến khác.
Không giống như Đàng Ngoài thuyền chiến được dùng cả vào việc đàn áp các cuộc nổi dậy hay truy bắt tội phạm, với Đàng Trong thuyền chiến chỉ để dùng cho việc đánh trận ngoài biển. Đây đều là những chiến hạm mạnh nhất trong khu vực, nhưng những người phương Tây đến đây đều cho rằng vẫn chưa thể sánh được so với tàu của Tây phương.
Đối với những người phương Tây thì tài thiện xạ và sức mạnh thuyền chiến là hai điểm quan trọng để đánh giá một đội quân thời bấy giờ. Vì vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi họ viết rất nhiều về hai vấn đề này trong các trao đổi thư từ của mình.
Trần Hưng
Mời xem video :