Tái thả 2 cá thể hồng hoàng: Loài 'linh điểu hạ phàm' hiếm nhất VN!
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã thực hiện dự án tái thả 2 cá thể chim hồng hoàng, loài chim quý hiếm về môi trường tự nhiên sau bốn năm chăm sóc.
Đây là 2 trong số 4 con chim hồng hoàng được Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận từ công an huyện Tiên Yên, Quảng Ninh vào tháng 4/2019. Các con chim này đã được phục hồi bản năng và sức khỏe trong thời gian chăm sóc, và sau đó được thả về tự nhiên.
Chim hồng hoàng (Buceros bicornis) là một loài chim quý hiếm thuộc họ hồng hoàng, bộ sả, lớp chim. Chúng sinh sống ở các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc.
Kích thước to lớn và màu sắc đầy ấn tượng của chúng đã góp phần làm cho chúng trở thành một phần biểu tượng linh thiêng trong văn hóa và nghi lễ của một số các bộ lạc địa phương. Hồng hoàng sống khá thọ với tuổi thọ đạt tới 50 năm trong điều kiện nuôi nhốt.
Hồng hoàng là loài chim lớn, có thể dài tới 95–120 cm, với sải cánh dài tới 152 cm và cân nặng 2,15- 4 kg. Đặc trưng nổi bật nhất của hồng hoàng là phần mũ mỏ màu vàng tươi và đen trên đỉnh chiếc mỏ lớn của nó.
Mũ mỏ rỗng bằng keratin hay chất sừng (một protein dạng sợi) kéo dài từ phần phía trên mỏ cho đến xương sọ và chưa rõ mục đích để làm gì mặc dù người ta tin rằng nó là kết quả của chọn lọc giới tính. Chiếc mũ mỏ này chiếm 11% trọng lượng cơ thể con chim.
Hồng hoàng mái nhỏ hơn và có mắt màu xanh lam thay vì mắt đỏ. Hồng hoàng trống rỉa lông để bôi chất nhờn màu vàng vào lông cánh sơ cấp cũng như mỏ để làm cho chúng có màu vàng tươi.
Trong tự nhiên, thức ăn của hồng hoàng chủ yếu là các loại quả. Nó cũng ăn cả các loài thú, chim, thằn lằn, rắn và côn trùng nhỏ.
Loài này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do buôn bán trái phép. Tại Việt Nam, cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của chim hồng hoàng do buôn bán trái phép và sử dụng vì mục đích thương mại đã được đưa ra.
Dự án tái thả chim hồng hoàng tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã điều chỉnh và thực hiện theo các tiêu chí bảo tồn của Liên minh Quốc tế về thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN). Chuồng tập bay đã được xây dựng để giúp chim phát triển cơ bắp và khả năng bay sau thời gian dài nuôi nhốt.
Việc tái thả chim hồng hoàng được thực hiện tại núi U Bò, vùng có hệ sinh thái tốt và động, thực vật đa dạng ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
Mời quý độc giả xem thêm video: Giải mã hiện tượng chim bay cả đàn nhưng không bao giờ “đụng” nhau.