Tại sao phải dựng thẳng lưng ghế khi máy bay cất cánh và hạ cánh?

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 04:33:00

Những người thường xuyên đi máy bay đều biết một quy định: Khi máy bay sắp cất cánh hoặc hạ cánh, các tiếp viên sẽ đi dọc các lối đi để đảm bảo mỗi chiếc ghế đều được dựng thẳng, thậm chí, ngay cả khi hành khách đang ngủ, họ cũng sẽ bị đánh thức để thực hiện điều này. Tại sao lại như thế?

(Ảnh: Matej Kastelic/ Shutterstock)


Về mặt kỹ thuật, đó là pháp luật quy định.


Thật ra, lý do cho quy định tưởng chừng vô thưởng vô phạt này được quy định trong luật liên bang rất đơn giản: Vì sự an toàn.


Hans Mast, một cựu phi công hiện đang làm việc cho Golden Rule Travel, cho biết: “Khi ở tư thế dựng thẳng, ghế được khóa chắc chắn nhất và có thể chịu được mọi lực tác động tiềm ẩn”.


Khi ghế nghiêng ra sau và không được khóa cố định, thì việc máy bay dừng đột ngột có thể làm ghế lao về phía trước, khiến hành khách bị văng ra ngoài; một tình huống khác, nếu máy bay tăng tốc thì ghế có thể đẩy về phía sau với lực rất mạnh.


Dan Bubb, giáo sư tại Đại học Nevada, Las Vegas và là cựu phi công, cho biết: “Quán tính của máy bay sẽ làm thay đổi góc tựa lưng ghế, điều này có thể đè bẹp đầu gối của hành khách phía sau”.


Cựu phi công Hans Mast cũng bổ sung thêm: “Quy định này cũng bảo đảm rằng lối đi trên máy bay càng thông thoáng càng tốt, giúp cho việc sơ tán hiệu quả hơn khi cần thiết”. Đây là lý do tại sao các ghế ngồi xung quanh lối thoát hiểm không thể nghiêng lệch. Bởi vì, trong trường hợp khẩn cấp, hành khách rất dễ quên cần phải dựng thẳng lưng ghế.


Tiếp viên Steve Daniel của Montreal cho biết: “Nếu ghế bị nghiêng, nó có thể làm chậm quá trình sơ tán người ngồi ở ghế sau trong trường hợp khẩn cấp”.


Trong trường hợp khẩn cấp, mỗi giây đều rất trọng yếu.


Cất cánh và hạ cánh là giai đoạn nguy hiểm nhất của chuyến bay. Theo nghiên cứu của Airbus, trong 20 năm qua, khoảng 75% số vụ tai nạn của Airbus (cả trường hợp gây tử vong và không tử vong) trên toàn thế giới xảy ra trong quá trình cất cánh, tiếp đất hoặc hạ cánh.

Airbus viết trong nghiên cứu:

“Tiếp cận đường băng và hạ cánh là những giai đoạn rất phức tạp của chuyến bay, đặt ra yêu cầu cao đối với phi hành đoàn về điều hướng, thay đổi cấu trúc máy bay, liên lạc với kiểm soát không lưu, không phận tắc nghẽn và điều kiện thời tiết xấu”.

“Sự kết hợp giữa khối lượng công việc cao và khả năng xảy ra các sự kiện không lường trước ngày càng tăng có thể tạo ra sự tương tác phức tạp của các yếu tố có khả năng dẫn đến tai nạn”.


Nghiên cứu mới nhất của Boeing, trong giai đoạn 2011 đến 2022, báo cáo rằng 67% vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay Boeing trên toàn thế giới xảy ra trong các giai đoạn cất cánh, tiếp đất và hạ cánh.


Ngoài việc dựng thẳng đứng ghế trước khi cất cánh và hạ cánh, tiếp viên sẽ yêu cầu bạn gấp bàn ăn trước mặt, bảo đảm tất cả hành lý được xếp gọn gàng.

Ông Dan Bubb nhấn mạnh lần nữa:

“An toàn giống như một bản giao hưởng với nhiều nốt nhạc nhỏ; nhưng những việc nhỏ này cộng hưởng với nhau sẽ tạo nên tác động lớn”.


Theo Hoàn Vũ, Epoch Times

Tại sao máy bay không bay trực tiếp qua Thái Bình Dương? Vì sao các hãng hàng không thường không bay thẳng qua Thái Bình Dương là đường bay ngắn nhất nối các nước châu Á và châu Mỹ

Chia sẻ Facebook