Tại sao nhiều sinh viên ra trường không xin được việc nhưng doanh nghiệp lại khó tuyển nhân sự?
Đây được đánh giá là vấn đề đau đầu với cả người làm nhân sự và các sếp trong thời gian gần đây.
Câu hỏi ứng xử Hoa hậu của Mai Ngô
Trong đêm Chung kết Miss Grand Vietnam 2022 tối 1/10 vừa qua, phần thi ứng xử của Mai Ngô đã nhận về nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Theo đó cô nhận được câu hỏi từ Á hậu Nguyễn Hà Kiều Loan liên quan đến nội dung tuyển dụng:
"Hiện nay có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm, trong khi đó lại nhiều doanh nghiệp lại khó tuyển nhân sự. Vậy theo quan điểm của bạn, hiện tượng này là như thế nào?"
"Vấn đề này nằm ở việc chúng ta nhận định như thế nào về việc chúng ta sẽ làm như thế nào trong tương lai, nhiều hơn là đổ lỗi cho bất kì một cá nhân hay một tổ chức nào. Vì tại khi mà chúng ta biết được những gì chúng ta làm từ nhỏ thì chúng ta sẽ hiểu được và cảm nhận nó vào những quyết định của mình sẽ mang được sự đam mê, sự nhiệt huyết. Và tôi tin rằng, cá nhân của mỗi chúng ta cần rèn luyện để hiểu được những việc chúng ta làm. Một khi chúng ta yêu bản thân mình, yêu những việc chúng ta làm và làm những việc chúng ta thích thì lúc đó sẽ có được thành công.
Về hiện tượng các công ty, ban ngành thiếu nhân sự thì vấn đề nằm ở chính việc mọi người đề cao, quá cao về cách tuyển dụng. Để hợp lý hơn chúng ta cần đưa ra những chính sách và tìm hiểu những cách mà cơ sở giáo dục hiện tại đang làm, cùng nhau phối hợp để có thể đưa những phương án, phương pháp có thể giải quyết hiện tượng này. Tôi tin rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết khi chúng ta bình tĩnh và cùng nhau".
Vậy, ở góc độ của người làm nhân sự, quản lý, họ sẽ giải đáp câu hỏi này như thế nào?
Lương không là yếu tố hàng đầu thu hút lao động Gen Z
Trong vài năm gần đây, không khó để nhận thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự trẻ của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao. Ngược lại, nhiều nhân sự cũng gặp khó trong quá trình tìm kiếm công việc, tạo thành vòng luẩn quẩn bất lợi cho cả 2 bên.
Trong bài viết "Nhiều người trẻ bế tắc với vòng luẩn quẩn trong công việc" , khi được hỏi về lý do "Tại sao thị trường nhiều lao động trẻ, nhưng vẫn khó tìm được người phù hợp?" , chị Thu Trà (Đà Lạt), phụ trách nhân sự mảng truyền thông cho hay:
"Nếu như trước đây, việc 1 công ty tìm kiếm nhân sự phù hợp là vấn đề nan giải. Thì ngày nay, ngược lại, người trẻ tự tìm kiếm cho mình một môi trường phù hợp lại càng khó hơn. Đúng như vấn đề các bạn hiểu, cán cân nhân sự bây giờ đặt ở chính giữa, không còn nghiêng về bất cứ bên nào. Nhân sự trẻ bây giờ họ quá giỏi, nắm bắt thị trường lao động tốt, vì thế họ có quyền lựa chọn công ty hơn cả. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho người trẻ nhảy việc nhiều hơn, vì họ có cơ hội.
Theo tôi quan sát, 3 năm trở lại đây, nhân sự có nhu cầu tìm kiếm không chỉ về mức lương, mà còn là môi trường phù hợp, chế độ đãi ngộ, cơ hội phát triển và đặc biệt là 'đam mê'. Họ không dễ thỏa hiệp chỉ với mức lương cao hay môi trường tốt. Nếu công ty có tỷ lệ nhân viên nhảy việc cao, thì cần xem xét lại cách thức quản lý. Còn nếu tỷ lệ nhảy việc thấp, thì có thể là chưa tìm được người phù hợp. Vậy thì tiếp tục tìm kiếm thôi!"
Người trẻ ý thức được mình còn nhiều cơ hội đang chờ
Trước đó, trong một bài chia sẻ với chủ đề "Các sếp nói gì về hội chứng 'vừa đi làm đã kiệt sức' của Gen Z?" , người làm quản lý đã đưa ra quan điểm của mình về việc nhân sự trẻ ngày càng ít gắn bó với môi trường làm việc, dẫn tới việc công ty luôn thiếu nhân sự trong khi lực lượng lao động trẻ thì… nhiều.
Anh Hà Dương - Game Director của Genesis Studio cho biết việc nền kinh tế đang trên đà phát triển, việc tìm người nhiều hơn người tìm việc.
Anh cho rằng, các bạn trẻ sẽ thấy có rất nhiều cơ hội bao quanh mình do đó, họ sẽ dễ dàng tìm được một công việc thật sự phù hợp. Tuy nhiên điều này lại vô tình mang đến suy nghĩ: "Chẳng việc gì tôi phải chịu căng thẳng và áp lực ở công việc hiện tại cả" khiến tinh thần ngày càng kiệt quệ vì cảm giác mắc kẹt ở "nơi mình không thuộc về".
Anh Đoàn Mạnh - Founder công ty thiết kế kiến trúc và nội thất Combo Home cũng có chia sẻ vấn đề này từ kinh nghiệm cá nhân. Hoạt động trong ngành nghề đặc thù, các bạn nhân viên Gen Z tại công ty của anh Đoàn Mạnh đều có điểm chung là sự sáng tạo, nhiệt tình và có tính nghệ sĩ. Vì vậy anh nhận xét, các bạn trẻ thường chưa xác định công việc hiện tại là nơi để bản thân phát triển và gắn bó nhiều năm. Do đó, những người trẻ làm việc khá tùy hứng, không hết mình, dễ dàng xin nghỉ việc chỉ vì thích hoặc không thích một vấn đề gì đó trong môi trường làm việc.
Theo một cuộc khảo sát nhân lực của Anphabe vào tháng 12/2021, tỷ lệ tìm kiếm công việc mới tại Việt Nam lên đến 58%. Sau quý I năm 2022, số lượng tìm kiếm công việc mới cao nhất trong ba năm trở lại đây. Theo LinkedIn chia sẻ, thông điệp "Open to Work" trên profile cá nhân đã tăng chóng mặt trong năm nay. Người trẻ hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu cho doanh nghiệp và nhà tuyển dụng hơn, nếu không được đáp ứng họ ắt sẽ có ý định chuyển sang đơn vị khác.