Tại sao người Việt lại cúng Tết Hàn thực?

Chia sẻ Facebook
10/04/2024 08:36:51

Tết Hàn thực còn gọi là Tết bánh trôi bánh chay diễn ra ngày 3/3 (Âm lịch) hàng năm. Vậy Tết Hàn thực là ngày gì, nguồn gốc, ý nghĩa và món cúng như thế nào?


Tết Hàn thực là Tết truyền thống được lưu truyền theo quan niệm dân gian của người miền Bắc và là ngày lễ lớn của một số dân tộc ở tỉnh miền núi phía Bắc cũng như các tỉnh miền xuôi phía Bắc.

Tết Hàn thực còn gọi là Tết Bánh trôi, bánh chay, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt.

Tết Hàn thực tại Việt Nam là dịp quan trọng, mang ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ tổ tiên. Thế nên vào ngày này, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng để lễ Phật, cúng gia tiên.

Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, mâm cúng Tết Hàn thực có những thay đổi khác nhau. Tuy nhiên, mâm cúng vào ngày này không thể thiếu các món cơ bản sau:


Bánh trôi, bánh chay

Mâm cúng Tết Hàn thực không thể thiếu món bánh trôi, bánh chay. Ảnh: Tu Thanh Nguyen

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, mâm cúng tết Hàn thực không thể thiếu món bánh trôi, bánh chay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết số lượng bánh trôi, bánh chay chuẩn nhất trong mâm cúng Tết Hàn thực.


Đúng phong tục cổ truyền, mâm cúng phải có 3 hoặc 5 đĩa bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay.
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quế.

Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín. Loại bánh này được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường khuấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.

Ảnh minh họa


Hương, hoa, trầu cau

Trong lễ cúng dù to hay nhỏ, người Việt đều không thể thiếu nén hương, hoa tươi và trầu cau để trên ban thờ. Do vậy, vào ngày tết Hàn thực, mâm cúng cũng phải được bày biện đầy đủ những lễ vật kể trên.


Ly nước sạch

Mỗi lần thắp hương gia tiên, gia chủ cần thay một ly nước sạch trên bàn thờ. Dịp Tết Hàn thực cũng cần phải có một ly nước sạch.


Mâm ngũ quả

Tùy từng mùa, gia chủ chọn 5 quả có màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, vàng, tím... để đại diện cho ngũ hành, dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành.

Ngoài ra, dịp Tết Hàn thực, các gia đình không cần chuẩn bị mâm cỗ linh đình mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, bánh chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên.

Đồng thời, trong lúc thắp nhang, gia chủ nên đọc văn khấn cúng Tết Hàn thực và nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.


Cúng Tết Hàn thực vào giờ nào?

Cúng Tết Hàn thực vào giờ nào là câu hỏi được tìm kiếm nhiều vào dịp 3/3 Âm lịch. Dưới đây là các khung giờ cúng đẹp theo quan niệm phong thủy:


- Giờ Dần: 3h-5h
- Giờ Thìn: 7h-9h
- Giờ Tỵ: 9h-11h
- Giờ Thân: 15h-17h
- Giờ Dậu: 17h-19h
- Giờ Hợi: 21h-23h

Những giờ được coi là xấu gồm: Giờ Tý (23h-1h), giờ Sửu (1h-3h), giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Mùi (13h-15h), giờ Tuất (19h-21h).


Lưu ý khi bày biện mâm cúng Tết Hàn thực


Trong quá trình thực hiện bày biện mâm cúng Tết Hàn thực, mỗi người cần lưu ý một số điều sau:
Nên chọn trầu cau tươi mới và màu xanh tươi nhất.

Chọn bánh trôi, bánh chay và hoa quả mới nhất để thể hiện lòng thành và tôn trọng đối với tổ tiên.

Số lượng nén hương mà bạn nên thắp khi cúng Tết Hàn thực cũng tương tự như các dịp khác, đó là theo số lẻ như 1, 3, 5. Các gia chủ có thể lựa chọn con số phù hợp với ý nghĩa mà nó đem lại cũng như hợp với không gian nhà mình. Với các gia gia tiên, ông đình nhỏ, nên thắp 3 nén ở bát hương Phật, thần linh và 1 nén dành cho bát hương của bà.

Trong lúc cúng, hãy đọc văn khấn và ước mong những điều tốt lành, hạnh phúc trong cuộc sống.


Bài cúng Tết Hàn thực


Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.


Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần. Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.


Tín chủ chúng con là…Ngụ tại…


Hôm nay là ngày 3.3, gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.


Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.


Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.


Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.


Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).


KHÁNH LINH (t/h)

Chia sẻ Facebook