Tại sao người khác coi thường bạn?

Chia sẻ Facebook
05/05/2023 16:16:47

Dường như luôn có một số người coi thường, ghét bỏ và bắt nạt bạn bằng nhiều cách. 6 câu nói trí tuệ này sẽ là kim chỉ nam cho bạn.

Trong cuộc sống, dù bạn là ai, bạn cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người và khiến ai cũng đều thích bạn. Dường như luôn có một số người ghét bỏ và tìm cách bắt nạt bạn. Vì vậy, nếu muốn không bị người khác coi thường, hãy lấy 6 câu nói trí tuệ này làm kim chỉ nam cho bạn.

(Ảnh: U__Photo/ Shutterstock)


Các văn nhân Trung Quốc thời nhà Minh đã biên soạn ra một cuốn sách vỡ lòng cho trẻ em có tên ‘Tăng Quảng Hiền Văn’ . Sau đó trải qua quá trình bổ sung liên tục bởi các văn nhân trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời tập hợp rộng rãi những lời cổ huấn, ngạn ngữ và còn giải thích thấu đáo triết lý sống cũng như cách sống của người xưa cho nên rất dễ đọc, dễ hiểu. Có câu: “Đọc ‘Tăng Quảng Hiền Văn’ sẽ biết cách nói chuyện, đọc ‘Ấu Học Quỳnh Lâm’ là có thể đi khắp thiên hạ” .


Có lẽ sống ở trên đời, không một ai muốn bản thân trở thành cái gai trong mắt của người khác, bởi họ không biết khi nào rắc rối sẽ tìm đến mình. Vì vậy, để có thể bảo vệ bản thân, xin hãy ghi nhớ những lời dạy sâu sắc sau đây trong ‘Tăng Quảng Hiền Văn’.

1. Người nghèo không nói nhiều, nước nông không chảy mạnh


“Nhân bần bất ngữ, thủy bình bất lưu”. Nguyên nhân khiến người khác bắt nạt bạn không phải là vì họ đặc biệt lợi hại mà là bạn không lợi hại.


Ví dụ như nhà của bạn gia cảnh quá nghèo, khi người thân và bạn bè đến thăm, họ sẽ biết khả năng của bạn thấp đến đâu. Nếu bạn đã nghèo mà vẫn “ tự hào” khoe khoang khắp nơi, những người sáng suốt cũng có thể nhìn thấu chuyện của bạn, nhưng chẳng qua là họ không muốn nói ra mà thôi. Thử hỏi, nếu ai đó ngay trước mặt bạn mà phơi bày nó ra, thì bản thân bạn sẽ phải xấu hổ đến mức nào.


Làm người nên giống như nước sâu vậy, tâm như nước lặng, không nên tùy tiện phát ngôn. Nếu bạn giữ im lặng, người ta cũng không biết mức độ nông sâu của bạn. Như vậy, bạn có thể tránh được việc phơi ra điểm yếu của mình. Biểu hiện của nội tâm cao thâm khó lường, sẽ khiến mọi người không dám dễ dàng làm tổn thương bạn.

2. Đường gặp chỗ hiểm thì nên tránh, không phải tài nhân chớ diễn thơ


“Lộ phùng hiểm xử tu đương tị, bất thị tài nhân mạc hiến thi”. Câu này muốn nói rằng nếu bạn không có nhiều tự tin và đủ kiến thức thì đừng nên tranh cường háo thắng. Nhiều người cậy bản thân có chút năng lực nên luôn ở khắp nơi mà tỏ vẻ. Nếu như bản thân không biết nhìn lại chính mình, luôn mang cách hành xử như vậy đi xã giao ngoài xã hội thì lâu dài cũng sẽ như là đang tự đào hố chôn mình.


Bạn không mạo hiểm, cũng không thể hiện bản thân ra bên ngoài thì những người muốn kiểm soát bạn sẽ tự biết lượng sức mình, thậm chí là còn kính sợ bạn.

3. Hổ lạ còn hay gần gũi được, người quen chưa hẳn đã là thân


“Hổ sinh do khả cận, nhân thục bất kham thân.” Ngay cả hổ lạ còn có thể gần gũi được, nhưng người quen chưa hẳn đã là thân.


Bong bóng xà phòng đầy màu sắc có thể tự do thể hiện vẻ đẹp của mình trên bầu trời, nhưng một khi nó rơi xuống đất hoặc bị ai đó chạm vào thì sẽ vỡ tan. Cuộc sống khi yếu đuối cũng sẽ như những bọt xà phòng kia, rất mong manh. Vì vậy hãy học cách tự bảo vệ mình. Một cách đơn giản là tự tìm kiếm không gian riêng cho mình, giảm thiểu tiếp xúc với người khác. Để cho bản thân một khoảng lặng, một nơi nội tâm có thể cảm thấy thoải mái.


Khi kết giao với những người không quen biết, con người đối với nhau cũng sẽ có sự kiêng kỵ vài phần, vì vậy bên kia sẽ không tùy tiện làm tổn thương bạn. Ngược lại, đối với người quen thân bạn, cũng không cần phải giãi bày quá nhiều, tự bạn hãy động viên mình. Khi yếu đuối, không cần làm phiền người khác, họ chưa chắc có thể giúp gì cho bạn, nhưng tự bạn cũng có thể nỗ lực vươn lên.

4. Trường giang sóng sau dồn sóng trước, thế gian người mới lấn người cũ


“Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng, thế thượng tân nhân hãn cựu nhân.” Sông Trường giang cứ thế sóng sau đẩy sóng trước, thế gian người mới đến sau nhiều vô kể, thế nên không có sự tình gì là mãi mãi bất biến.

(Ảnh: Xinling yi fang/ Shutterstock)


Thế gian là vô thường, hôm nay đang được tôn sùng, ngày mai có thể sẽ trở nên tầm thường, hôm nay giàu có nhưng ngày mai có thể đã trở thành trắng tay, và ngược lại. Đó đã là quy luật của cuộc sống, vì thế, nếu hiện tại không như ý, cũng đừng cảm thấy nản lòng. Hãy lấy điều không như ý hôm nay để làm bàn đạp tiến về phía trước, bạn sẽ có được sự tự tin trong lòng. Và một ngày nào đó trong tương lai, có thể bạn sẽ đạt được thành công.


Ví dụ như tại nơi làm việc, không ít người thường xuyên bị bắt nạt. Nếu bạn là một trường hợp như vậy thì cũng không cần vội phản kháng mà hãy tập trung chăm chỉ làm việc và không ngừng tích lũy kiến thức. Khi bạn được thăng chức, bạn sẽ cảm thấy vô cùng tự hào.

5. Cả đời không làm chuyện cau mày, thế gian chẳng ai nghiến răng lại


“Bình sinh mạc tác trứu mi sự, thế thượng ứng vô thiết xỉ nhân.” Ý nghĩa rằng, nếu cả đời không làm điều gì có lỗi với người khác thì cũng sẽ không có người oán hận mình.


Liêm Pha, danh tướng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc luôn nghĩ rằng bản thân là một vị võ tướng hết mình vì đại sự, có công lao lớn trong thiên hạ. Ông ta luôn tỏ ra ngạo mạn vô lễ đối với chính khách nước Triệu, Lạn Tương Như.


Nhưng để bảo vệ bản thân và duy trì sự ổn định của đất nước, Lạn Tương Như hết lần này đến lần khác nhượng bộ lùi bước, tìm nhiều lý do để không lên triều đối mặt với tướng Liêm Pha.


Thật ra Lạn Tương Như không yếu đuối, ông ấy thực sự là người rất có bản sự. Mà sự nhẫn nhịn của ông chính là vì đại cuộc.


Có lần Lạn Tương Như từ xa trông thấy Liêm Pha ở phía trước, bèn ra lệnh cho người đánh kiệu rẽ đi hướng khác để tránh. Tùy tùng của ông đã hỏi rằng đường đường là một vị tướng, tại sao lại sợ Liêm Pha đến như vậy?

Khi này, Lạn Tương Như nói rằng:

“Uy phong như Tần Vương ta còn không sợ, thì há gì mà sợ Liêm tướng? Các ngươi phải biết rằng Tần quốc không dám đánh Triệu quốc vì văn thần thì có ta, còn võ tướng thì có Liêm Pha. Nếu như hai hổ tranh đấu tất sẽ có một bị thương; khi này nước Tần sẽ có cơ hội, quốc gia ta sẽ lâm vào diệt vong. Vậy nếu so với được mất của cá nhân thì còn quan trọng hơn nhiều, do đó ta không nhịn không được.”


Cuối cùng, khi Liêm Pha nghe được thì vô cùng xấu hổ, đến tận phủ Lạn Tương Như tạ tội.


Nếu trong đời có vết nhơ, đương nhiên sẽ bị coi như là một “quả hồng mềm” , khó mà mạnh lên được, thậm chí là rơi vào tình cảnh “há miệng mắc quai” . Cho nên hãy luôn sống tử tế, làm người lương thiện, tuân theo các chuẩn mực đạo đức và không vượt quá quy tắc làm người. Nếu bạn có một lương tâm trong sạch, thì ở mọi lúc mọi nơi đều không cảm thấy hổ thẹn với trời đất, khiến người khác phải kính nể.

6. Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy


“Tri túc thường túc, chung thân bất nhục; tri chỉ thường chỉ, chung thân bất sỉ.” Ý nghĩa rằng , biết đủ thường đủ, trọn đời không phải chịu nhục. Biết dừng luôn dừng được, trọn đời không phải hổ thẹn.


Người biết bằng lòng thì luôn cảm thấy vui, suốt đời không bị vấy bẩn bởi tiền bạc. Trong mọi việc phải biết tiết chế và dừng lại có chừng mực, có như vậy thì cả đời sẽ không phải chịu tủi nhục. Lúc bị người khác gây khó dễ, thì đừng luôn đổ lỗi cho họ, mà hãy tìm lý do từ bản thân mình.


Khi con người có ham muốn, họ sẽ sinh ra nhiều điểm yếu và bị người khác kiểm soát. Ví dụ, Hòa Thân trong triều đại nhà Thanh quyền cao chức trọng, tham lam vô độ. Trước mặt Hoàng đế Càn Long, ông ta thường tỏ ra khép nép, run sợ. Đến khi Càn Long qua đời, ông ta lại muốn tiếp tục việc tham của, kết quả bị hoàng đế mới trị tội, mất tất cả chỉ trong một đêm.


Dục vọng cũng giống như một ổ khóa cửa, nếu chìa khóa nằm trong tay người khác, thì bạn chỉ có thể tùy ý bị họ điều khiển. Vì vậy, làm người, muốn mạnh mẽ, thì bản thân không thể tham lam. Khi bạn không tham thứ gì, thì người khác không thể có cớ gì để khống chế được bạn.


Hãy luôn làm người lương thiện, sống tích cực, để chính khí của chính mình khiến những kẻ có ý đồ xấu không dám tiếp cận. Trong xã hội, điều cần thiết không phải là luôn nghĩ cách đối phó với người khác, mà là cần sống có lập trường, có nguyên tắc quy củ và hiểu rõ khả năng của bản thân.


Sáu câu nói trên cho chúng ta hiểu rằng: Núi lớn đững vững trên đất, trong quan hệ với người khác có thể vững vàng bởi có lòng tự tin. Làm được điều này thì không còn ai dám coi thường bạn.


Vision Times


Trúc Nhi biên tập

Xem thêm Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy Biết đủ và biết dừng là một loại trí tuệ trong nhân sinh quan của người xưa.

Chia sẻ Facebook