Tại sao lại có những cái tên kỳ lạ như Biển Chết, Biển Đen, Biển Đỏ? Tưởng kiến thức căn bản nhưng không phải ai cũng biết
Biển Đen không có màu đen, Biển Đỏ không hẳn màu đỏ. Vậy tại sao chúng lại có những cái tên như vậy?
Trên thế giới có những vùng biển nổi tiếng có cái tên rất lạ như biển Đen, biển Đỏ, biển Chết. Nghe nói đến rất nhiều nhưng không phải ai cũng biết được lý do sâu xa tại sao chúng lại được gọi như vậy. Đôi khi chính vì có tên lạ, gây tò mò mà những vùng biển này trở nên nổi tiếng hơn.
Biển Đen
Biển Đen hay Hắc Hải là một biển nội địa nằm giữa vùng Đông Nam của châu Âu và vùng Tiểu Á. Biển Đen được nối với Địa Trung Hải qua eo biển Bosporus và biển Marmara. Nó có diện tích khoảng 422.000 km2, với độ sâu nơi sâu nhất có thể là 2.210m.
Cái tên Biển Đen bắt nguồn từ đâu thật ra đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Lý do mang tính khoa học hơn cả là do màu nước biển ở đây. Dù vẫn là màu xanh lam nhưng Biển Đen có màu xanh đậm hơn bình thường. Màu sắc này là do có nhiều loài tảo màu tối sinh sống trên bề mặt nước vì nồng độ muối của biển khá thấp.
Một tranh cãi khác cho rằng cái tên này do người Hy Lạp, Lưỡng Hà đặt từ thời xa xưa. Bấy giờ, họ thường dùng màu sắc để chỉ phương hướng, ví dụ màu vàng tượng trưng cho Phương Đông, màu đỏ cho Phương Nam, màu đen cho phương Bắc và màu xanh cho phương Tây. Biển Đen nằm ở phía Bắc đất nước Hy Lạp nên được gọi như vậy.
Biển Đen cũng có thể thật sự mang ý nghĩa "đen tối". Vào thời xưa, có nhiều con tàu đã bị chìm ở đây vì thời tiết khắc nghiệt, nguy hiểm. Vì vậy mà người dân gọi là Biển Đen như một lời cảnh báo.
Biển Chết
Biển Chết hay còn gọi là Tử Hải thực chất không phải là biển. Về tính chất, nó vốn là hồ nước mặn nằm ở biên giới giữa Bờ Tây, Israel, Jordan, cụ thể là trên thung lũng Jordan. Hồ có diện tích 810km2 với độ sâu tối đa là 330m.
Cái tên kỳ dị và khiến người ta sợ hãi của Biển Chết thực sự bắt nguồn từ sự nguy hiểm của nó. Vì độ mặn trong nước quá cao, không có loài cá hay các thủy sinh vật lớn sống được ở đây. Những sinh vật tồn tại được ở Biển Chết là vi khuẩn và nấm mốc rất nhỏ. Những loài cá, sinh vật từ sông Jordan bơi vào biển này đều sẽ chịu chung số phận là chết rất nhanh.
Dẫu vậy, không phải 100% sinh vật sông bơi đến Biển Chết đều không thể sống sót. Vào tầm mùa đông, khi trời mưa nhiều, lượng muối ở hồ sẽ giảm xuống khoảng 30%. Lúc này, các loài tảo có thể sinh sống ở đây.
Biển Đỏ
Không nổi tiếng bằng Biển Đen hay Biển Chết, Biển Đỏ hay Hồng Hải là một vịnh nhỏ của Ấn Độ Dương, nằm giữa châu Phi và châu Á. Biển Đỏ thông ra đại dương ở phía nam thông qua eo biển Bab-el-Mandeb và vịnh Aden. Biển Đỏ rộng khoảng 450.000km2 và nơi sâu nhất là 2.500m.
Cũng tương tự như người anh em Biển Đen, Biển Đỏ không hề có màu đỏ thực sự nhưng có chút sắc đỏ. Nguyên nhân nước biển lẫn màu đỏ là do lượng tảo lớn có màu đỏ tên Trichodesmium erythraeum sống ngay trên bề mặt. Nhưng hiện tượng này cũng chỉ xảy ra vào một khoảng thời gian ngắn nhất định trong năm. Cũng có ý kiến cho rằng màu đỏ này đến từ các dãy núi giàu khoáng chất màu đỏ gần đó.
Nguồn: India Times, Live Science