Tại sao Kaliningrad quan trọng đối với chiến dịch của Nga ở Ukraine?
Nga không phủ nhận cũng không thừa nhận rằng họ đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad.
Khi xung đột vũ trang Nga - Ukraine bùng phát, một số địa điểm ít được biết đến như Transnistria, một khu vực ly khai thân Nga ở Moldova, nằm dọc theo biên giới phía Tây Nam của Ukraine, và đặc biệt là Kaliningrad, một vùng lãnh thổ tách rời khỏi Liên bang Nga, nằm trên Biển Baltic, đã nổi lên như những nhân tố quan trọng định hình triển vọng lâu dài của cuộc xung đột.
Kaliningrad, vùng lãnh thổ cực Tây của Nga ở Đông Âu, trên bờ Biển Baltic, không những quan trọng đối với chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine và còn đóng vai trò to lớn trong việc đảm bảo an ninh cho Liên bang Nga.
Chiều sâu chiến lược
Kaliningrad, vùng lãnh thổ không có biên giới với Nga, sở hữu cảng biển duy nhất bốn mùa đều không bị đóng băng trên Biển Baltic. Thành phố cảng này, do đó, có vai trò quan trọng đối với cả Nga và các nước Baltic trong việc đảm bảo giao thông và thương mại trên toàn khu vực, nơi nhiệt độ thường dưới 0 trong phần lớn mùa đông.
Nhưng ngoài giao thông và thương mại, Kaliningrad còn quan trọng đối với Nga do chiều sâu chiến lược của nó.
Đây là nơi Hạm đội Baltic của Nga đồn trú, và nó còn được định vị là lãnh thổ cực Tây của Moscow, gần với trái tim của châu Âu nhất. Ngoài ra, Kaliningrad còn nằm kẹp giữa Lithuania (Litva) và Ba Lan.
Một số nhà phân tích quân sự cho rằng, nếu NATO can thiệp vào cuộc xung đột đang diễn tiến ở Ukraine, hoặc nếu Moscow nhắm mục tiêu vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác như Lithuania, một quốc gia thành viên NATO ở Baltic, hoặc Ba Lan gần đó, nơi trung chuyển vũ khí các quốc gia viện trợ cho Ukraine, Kaliningrad có thể là bàn đạp để Nga phát động các cuộc tấn công.
“Trên một mặt trận, một cuộc tấn công có thể xảy ra dọc theo biên giới cực đông của NATO, đặc biệt là biên giới của Ba Lan với Belarus hoặc nhằm vào một trong các nước Baltic”, bà Sarah White, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Viện Lexington (Mỹ), cho biết.
“Trên một mặt trận khác, NATO có thể cảm nhận một cuộc tấn công tàn khốc không kém từ hầu như ngay bên trong ngôi nhà của mình”, do vị trí đặc biệt mà Kaliningrad nắm giữ và những vũ khí được cho là Nga đã triển khai ở vùng này.
Bệ phóng tên lửa
Ngày 6/2/2018, Nga tuyên bố họ có quyền đưa vũ khí đến bất cứ nơi nào trên lãnh thổ của mình sau khi xuất hiện các báo cáo cho rằng Moscow đã triển khai tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Kaliningrad.
Các tên lửa Iskander có độ chính xác cao, có thể được gắn đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, có tầm bắn lên tới 500 km (310 dặm).
Nếu được khai hỏa từ Kaliningrad, những tên lửa này có thể tiếp cận phần lớn các nước thành viên NATO trong khu vực này, gồm Ba Lan và các nước Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia.
Ngày 27/2/2022, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine mới bắt đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị lực lượng răn đe hạt nhân Nga chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.
Các nhà phân tích như bà White cho rằng, Nga có thể sử dụng tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đặt ở Kaliningrad để nhắm vào thủ đô các nước châu Âu nếu xung đột leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
"Việc triển khai vũ khí này hay vũ khí khác, triển khai các đơn vị quân đội, v.v. trên lãnh thổ Nga, hoàn toàn là vấn đề chủ quyền đối với Liên bang Nga", người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov tuyên bố hồi năm 2018.
Nhưng một số quan chức cấp cao hồi đó, như Tổng thống Lithuania và một nhà lập pháp Nga, khẳng định rằng Moscow đã triển khai vũ khí hạt nhân tới khu vực Baltic chiến lược.
Ngoài ra, một số học giả, viện dẫn các hình ảnh vệ tinh, cho rằng có “dấu vết của các địa điểm lưu trữ vũ khí hạt nhân điển hình của Nga" ở Kaliningrad, theo ông Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS).
Rất lâu trước khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine bùng nổ, các nhà lãnh đạo Nga như ông Dimitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga, đã đưa ra tín hiệu rằng Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad để đáp trả việc NATO lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Đông Âu.
Vùng đất lịch sử
Ngoài tầm quan trọng về mặt chiến lược và quân sự , Kaliningrad còn mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử đối với cả châu Âu và Nga.
Trước khi được chuyển giao cho Liên Xô theo quyết định của Hội nghị Potsdam năm 1945 sau Thế chiến thứ II, vùng đất này có tên là Königsberg, có nghĩa là "Núi của Vua".
Nơi đây từng là thủ đô của chế độ quân chủ Phổ trong nhiều thế kỷ cho đến năm 1701, khi hoàng gia chuyển thủ đô đến Berlin.
Tên gọi Kaliningrad có từ năm 1946, được đặt theo tên nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Kalinin.
Nhưng sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và với sự xuất hiện của các quốc gia Baltic độc lập, Lithuania, Latvia và Estonia, Kaliningrad đã mất kết nối đất liền với Liên bang Nga.
Tổng dân số hiện tại của Kaliningrad Oblast là gần 1 triệu người. Đây cũng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của Nga.
Minh Đức (Theo TRT World, DW, AP)