Tại sao Hollywood lại là "đội quân giỏi nhất" của Lầu Năm Góc?
Với Lầu Năm Góc, những bộ phim như "Top Gun: Maverick" có vai trò vượt xa một tác phẩm điện ảnh.
Các nhà làm phim có thể mượn những bộ dụng cụ đắt tiền của Quân đội Mỹ với giá rất rẻ. Lầu Năm Góc sẵn sàng đưa những chiếc phi cơ hàng trăm triệu USD cho các đoàn làm phim mượn để tạo ra những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Với họ, phim ảnh chính là cỗ máy tuyên truyền cực kỳ hiệu quả.
Tuần trước, bộ phim "Top Gun: Maverick" của tài tử điện ảnh Tom Cruise chính thức ra rạp. Vẫn là những hình ảnh phá vỡ quy định, vượt qua giới hạn, vẫn là hình ảnh tiêm kích lướt qua tháp điều khiển khiến mọi thứ rung lắc sau đó là nụ cười tươi và bỏ đi như thể nó vẫn là năm 1986 (năm bộ phim Top Gun ra mắt).
Tuy nhiên, giống với phần 1, "Top Gun: Maverick" cũng tuân thủ một cách nghiêm ngặt những quy định trong việc hợp tác toàn diện với Bộ Quốc phòng Mỹ. Rõ ràng, không có Lầu Năm Góc thì sẽ không có máy bay, căn cứ, tàu sân bay và cũng chẳng có bộ phim Top Gun nào được ra đời.
Chẳng có gì bí mật khi Bộ Quốc phòng Mỹ sẵn sàng và thường xuyên hợp tác với ngành công nghiệp giải trí, bao gồm cho mượn những món đồ đắt giá và tối tân nhất của họ. Tuy nhiên, sự hợp tác đó thường đòi hỏi những cái giá và nó không chỉ là tiền.
Lầu Năm Góc quản lý rất chặt chẽ hình ảnh của mình trên màn ảnh. Một số ý kiến cho rằng họ thực ra là nhà đồng sản xuất giấu tên trong hàng nghìn bộ phim. Cùng với đó, Hollywood trở thành cỗ máy tuyên tuyền của Bộ Quốc phòng Mỹ.
"Top Gun: Maverick" không phải ngoại lệ. Giống bộ phim Top Gun ra đời gần 40 năm trước, bộ phim này cũng quảng bá cho sự chuyên nghiệp của quân đội Mỹ, với trang thiết bị tối tân và quá trình vận hành chuyên nghiệp.
Trở lại năm 1986, Top Gun trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất ở Mỹ và cũng đưa Hải quân nước này vào một vầng hào quan. Theo ước tính, việc tuyển dụng trong Quân đội Mỹ đã tăng 500% trong năm đó.
Lầu Năm Góc đã làm việc với Hollywood trong suốt gần 1 thế kỷ qua. Mỗi lực lượng, từ Lục quân, Hải quân, Không quân, Tuần duyên… của Mỹ đều có văn phòng liên lạc ở Los Angeles. Tại Lầu Năm Góc, cũng có một văn phòng riêng để phụ trách vấn đề này.
Glen Roberts là người phụ trách mảng hợp tác với Hollywood của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông mới 17 tuổi khi bộ phim Top Gun đầu tiên ra mắt. 25 năm phục vụ không quân, Roberts, cũng như đại đa số những người khác, chưa bao giờ được ngồi trong buồng lái một chiếc F-14. Tuy nhiên, các kịch bản muốn hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ đều phải được Roberts duyệt.
Roberts cho biết nhiệm vụ chính của ông là "lan tỏa và bảo vệ hình ảnh của các lực lượng vũ trang Mỹ". Hiện tại, họ thực hiện khoảng 130 dự án giải trí mỗi năm, từ phim tới các chương trình truyền hình, trò chơi điện tử…. "Các nhà sản xuất yêu thích chúng tôi vì chúng tôi mang lại sự tin cậy và uy tín. Họ cũng tiết kiệm được chi phí đáng kể", Roberts nói.
Tuy nhiên, chính Roberts cũng nhấn mạnh có những điều kiện mà các nhà làm phim buộc phải tuân thủ. "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các sản phẩm mà chúng tôi hỗ trợ phù hợp với các giá trị cốt lõi của chúng tôi. Đối tác tiềm năng phải gửi toàn bộ kịch bản để phê duyệt và phải sẵn sàng chấp nhận những yêu cầu thay đổi", Roberts nói.
Ngoài việc chuẩn hóa thông tin, Roberts phủ nhận Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch xây dựng hình ảnh của mình trên phim ảnh. "Các nhà làm phim là những người sáng tạo còn chúng tôi thì không. Công việc của chúng tôi là hỗ trợ họ, không phải can thiệp vào kịch bản của họ", Roberts nói.
Tại Hollywood, cúng có những đạo diễn, nhà sản xuất xây dựng được mối quan hệ thân thiết với Lầu Năm Góc. Jerry Bruckheimer, nhà sản xuất Top Gun đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ ở nhiều bộ phim khác như Black Hawk Down, Armageddon và Trân Châu Cảng. Michael Bay, cộng tác viên cũ của Bruckheimer, tiến xa hơn nữa khi đưa được những hình ảnh đình đám của quân đội Mỹ vào các bộ phim chủ đề ngoài quân sự, chẳng hạn như Transformers.
Dù tuyên bố không tác động tới kịch bản nhưng Lầu Năm Góc có thể đưa ra những gợi ý về các lại khí tài, trang thiết bị tối tân và đề nghị đưa chúng lên màn ảnh. Trong mọi bộ phim đình đám, đều không khó để nhìn thấy hình ảnh của quân đội Mỹ. Ngay cả các bộ phim viễn tưởng chủ đề siêu anh hùng của Marvel cũng có sự hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, không phải mối quan hệ nào cũng tốt. Hợp tác giữa Lầu Năm Góc với Marvel trở nên tồi tệ khi trong The Avengers, đạo diễn miêu tả quân đội Mỹ tấn công hạt nhân vào New York. Dẫu vậy, mối quan hệ đã được hàn gắn với Captain Marvel, người vốn là một phi công của quân đội Mỹ. Sự hợp tác sâu sắc đến mức Không quân Mỹ mở chương trình tuyển dụng phụ nữ với câu slogan: "Mỗi anh hùng đều có một câu chuyện riêng".
Theo một ước tính, Bộ Quốc phòng Mỹ đã hợp tác với trên 2.500 bộ phim trong nhiều thập kỷ và sự tham gia của họ không hoàn toàn minh bạch như đã tuyên bố. Trong cuốn sách Operation Hollywood ra đời năm 2004, nhà báo David Robb đã trình bày chi tiết về cách "Lầu Năm Góc nói với các nhà làm phim về những gì nên nói - và những gì không nên nói, trong nhiều thập kỷ".
Thậm chí, rất nhiều bộ phim chiến tranh, được cho là mô tả đúng những gì xảy ra trên chiến trường thông qua trải nghiệm của những người lính, lại không bao giờ nhận được cái gật đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Những nguyên tắc tưởng chừng như đơn giản như không làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của quân đội Mỹ khiến nhiều bộ phim khó mà nhận được sự ủng hộ.
Đối với cả Lầu Năm Góc và các nhà sản xuất phim, sự hợp tác này mang lại cho họ lợi nhiều hơn hại. Tuy nhiên, đối với công chúng, một phần của sự thật, chẳng hạn như tội phạm chiến tranh, tội phạm tình dục, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, tham nhũng… trong quân đội sẽ không bao giờ được phép xuất hiện trong các bộ phim mà Bộ Quốc phòng Mỹ hỗ trợ.
Tham khảo: Guardian