Tại sao giải ngân vốn đầu tư công các dự án y tế của TP.HCM chậm?
Nhiều dự án triển khai nhiều năm chưa thể hoàn thiện do giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Đây là năm đầu tiên trong vòng 10 năm qua, giải ngân vốn đầu tư công các dự án y tế của TP.HCM lại chậm như thế.
Đó là thông tin vừa được bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và hoạt động trọng tâm 6 tháng cuối năm của ngành y tế TP.HCM, được tổ chức vào chiều 14-7.
Sau khi dịch COVID-19 tương đối giảm, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho rằng ngành y tế đối diện với nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết để tránh lãng phí, đó là việc giải thể, thu hồi các bệnh viện dã chiến; các vấn đề "hậu COVID-19" phát sinh ngoài vấn đề bệnh tật như mua sắm trang thiết bị, thuốc men và tiến độ các dự án đầu tư.
Trong đó nổi lên vấn đề chậm tiến độ các dự án y tế. Cụ thể việc giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30-6 của các dự án thuộc ngành y tế chỉ đạt 12% và đến ngày 10-7 cũng mới chỉ đạt 28%.
Tuy vậy, theo bác sĩ Nam, khó khăn hiện nay là việc có nhiều công trình chậm tiến độ do biến động giá vật tư, nhà thầu ngưng thi công; số lượng công nhân về quê không quay lại làm việc dẫn đến thiếu hụt nhân công, dẫn đến không có khối lượng để giải ngân.
Ngoài ra, một số dự án hết thời gian giao hẹn, phải chờ quyết định gia hạn; một số chủ đầu tư chậm thực hiện chủ trương đầu tư mặc dù đã có trong danh sách đầu tư trung hạn. "Một công trình xây dựng như Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, đây là công trình lớn nhưng khi chúng tôi xuống kiểm tra chỉ có 120 công nhân thi công, tiến độ rất chậm" - bác sĩ Nam nói.
Bên cạnh các dự án chậm tiến độ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cũng nhấn mạnh với sự nỗ lực của ngành y tế, trong năm qua TP.HCM đã khởi công Trung tâm điều trị kỹ thuật cao (Bệnh viện Nhi đồng 2), khánh thành Bệnh viện Truyền máu - huyết học (cơ sở 2), Trung tâm chuyên sâu và can thiệp tim mạch trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng 1) và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.
Một số công trình chậm giải ngân
- Khoa khám bệnh - khối điều trị ngoại khoa (Bệnh viện Nhi đồng 1): Khối lượng giải ngân tới ngày 1-7 chỉ 1%. - Trung tâm chuyên sâu sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng 1): Khối lượng giải ngân tới ngày 1-7 chỉ 10%. - Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Răng - hàm - mặt: Khối lượng giải ngân tới ngày 1-7 là 0%. - Khối điều trị nội trú (Bệnh viện Nhân dân Gia Định): Khối lượng giải ngân tới ngày 1-7 chỉ 36,8%.
Để thực hiện mục tiêu lên thành phố năm 2025, Bình Chánh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt hoàn thiện xây dựng Cụm Y tế kỹ thuật cao Tân Kiên với quy mô 74 hecta.